Kiểm soát chặt chẽ phương án giá đối với hàng hoá dịp Tết
Bộ Tài chính vừa gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát.
Bộ Tài chính nhận định, từ nay đến cuối năm, công tác điều hành giá còn nhiều áp lực do các yếu tố như nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết; diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm; giá xăng dầu thế giới có xu hướng hồi phục; việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại một số địa phương theo lộ trình thị trường.
Do vậy, để góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2016, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Công Thương và các sở, ban ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát, đánh giá lại nhu cầu và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn những tháng cuối năm 2016 và dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án bảo đảm cân đối cung - cầu, tập trung vào những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, đáp ứng trực tiếp nhu cầu của người dân. Triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ,... gây tăng giá cục bộ trong các dịp lễ, Tết.
Cùng với đó, các địa phương chủ động theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại địa phương (nhất là đối với các địa phương có CPI 10 tháng đầu năm tăng cao hơn CPI chung của cả nước) để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật nhằm bình ổn thị trường, giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI của địa phương.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá trên địa bàn; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật hoặc tăng giá dây chuyền khi yếu tố hình thành giá không có biến động lớn.
Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách địa phương; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền; đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá (nếu có) đến tình hình kinh tế xã hội và CPI của địa phương để có phương án và lộ trình điều chỉnh phù hợp, tránh điều chỉnh vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao.