Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá một số mặt hàng
Tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về triển khai nhiệm vụ năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu Cục Quản lý giá bám sát diễn biến tình hình giá cả trên thị trường, đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2024; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá đối với một số mặt hàng.
Theo Bộ Tài chính, giá các mặt hàng sau Tết Nguyên đán cơ bản ổn định, do nguồn cung được đảm bảo trong khi nhu cầu mua sắm đã hạ nhiệt. Riêng giá các dịch vụ vận tải hàng không vẫn còn ở mức khá cao.
Trong 2 tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề ra.
Về điều hành giá xăng, dầu, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng, dầu thế giới, để điều hành giá mặt hàng này trong nước phù hợp với tình hình thị trường.
Trên cơ sở đó, từ đầu năm đến nay, sau 8 kỳ điều hành giá kinh doanh xăng, dầu trong nước, giá các mặt hàng xăng, dầu có 3 lần giảm, 5 lần tăng; riêng mặt hàng dầu mazut 3,5 S (FO) có 4 lần giảm, 4 lần tăng...
Triển khai nhiệm vụ quản lý, điều hành giá trong thời gian tới, mới đây, tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về triển khai nhiệm vụ năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Cục Quản lý giá bám sát diễn biến tình hình giá cả trên thị trường, đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2024 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao; đồng thời, chuẩn bị tốt các phương án điều hành giá, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược như xăng, dầu...
Cùng với đó, Cục Quản lý giá chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để báo cáo Bộ về phương án điều hành giá mặt hàng này theo định kỳ; phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành.
Liên quan tới công tác kê khai giá đối với một số mặt hàng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Cục Quản lý giá theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: Sách giáo khoa, than, khí hóa lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm.
Về hoàn thiện cơ chế, chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Cục Quản lý giá xây dựng, trình cấp có thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Giá năm 2023; xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền của Bộ Tài chính trong lĩnh vực giá và thẩm định giá, để đảm bảo ban hành cùng thời điểm khi Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.