Kiểm soát lạm phát giá hàng hóa thế giới phụ thuộc tình hình xung đột ở Ukraine
Báo cáo quý I/2022 của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết, giá lương thực toàn cầu đã tăng khoảng 60% trong 2 năm qua và chưa có dấu hiệu chững lại. Nhiều giải pháp nhằm kiểm soát giá cả hàng hóa được đưa ra, nhưng sẽ cần phải có thời gian mới phát huy hiệu quả. Do vậy, trong ngắn hạn giá cả hàng hóa vẫn sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên phương diện sức khỏe đã dần được kiểm soát, nhưng hậu quả của đại dịch về mặt kinh tế và thương mại vẫn đang tiếp tục diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, đều thất bại khi áp dụng các biện pháp chống suy thoái kinh tế và sụt giảm tổng cầu do dịch bệnh.
Tác động của đại dịch COVID-19, cũng giống cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, với việc đưa lãi suất về mức gần như bằng 0. Đồng thời, chính phủ các nước đồng loạt áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ với các gói tài chính được bơm trực tiếp vào túi người dân. Theo đó, các giải pháp tiền tệ đã nhanh chóng giúp hoạt động kinh tế được phục hồi, nhưng trong quá trình phục hồi này, cán cân cung cầu vẫn chưa trở về trạng thái cân bằng cần thiết.
Điểm khác biệt đối với cuộc khủng hoảng năm 2008, suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra không bắt nguồn từ những trục trặc hệ thống về kinh tế hoặc tài chính, nên hoạt động kinh tế dễ phục hồi hơn. Bởi lẽ: (i) Khủng hoảng do đại dịch COVID-19 làm thời gian thất nghiệp của người lao động ngắn hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008; (ii) Nhiều ngành nghề đã nhanh chóng thích nghi với trạng thái bình thường mới bằng cách áp dụng mô hình làm việc kết hợp trực tiếp và trực tuyến; (iii) Nguồn cung tiền tệ lãi suất thấp và các gói hỗ trợ tài chính dồi dào đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, ở phía bên kia của cán cân, nguồn cung không phục hồi suôn sẻ như vậy. Nhiều yếu tố mới đã xuất hiện do ảnh hưởng của đại dịch, như: sự thay đổi nhu cầu nhu cầu tiêu dùng người dân; thương mại điện tử tăng trưởng nhanh chóng; hệ thống hậu cần và chuỗi cung ứng bị đứt gãy; các xu hướng chuyển dịch đầu tư... Xuất hiện một số cuộc khủng hoảng thiếu, như: cuộc khủng hoảng trên thị trường chất bán dẫn; khủng hoảng năng lượng; sự khủng hoảng của một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu… Đồng thời, với chính sách phỏng tỏa và truy vết COVID-19 của một số các nền kinh tế lớn ở Đông Á - một trong những trung tâm quan trọng nhất của hệ thống sản xuất toàn cầu, đã gián tiếp khiến tốc độ gia tăng của nguồn cung không bắt kịp với cầu. Như một lẽ thông thường, cầu lớn hơn cung sẽ đẩy giá lên cao. Tất cả các yếu tố kể trên đã hợp sức khiến cho giá cả hàng hóa tăng mạnh trên quy mô toàn cầu.
Trước tình trạng giá cả tăng mạnh trên quy mô toàn cầu, sự phản ứng chưa phù hợp về chính sách tiền tệ của các quốc gia đầu tàu trong nền kinh tế thế giới đã khiến lạm phát thêm trầm trọng. Nhận định sai lầm của nhiều nước về lạm phát sẽ chỉ là “tạm thời” đã chậm được điều chỉnh, chỉ khi thị trường hàng hóa liên tục tăng thì dự đoán này mới dần thay đổi cấp độ theo thời gian. Minh chứng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từng cho là từ năm 2023 mới bắt đầu thắt chặt tiền tệ và rút dần lượng tiền mặt khỏi thị trường; nhưng thực tế, ngay trong quý đầu tiên của năm 2022, Fed đã phải hành động bằng cách tăng lãi suất, do đã chậm trễ trong đưa ra các thông báo mang tính định hướng. Việc thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng nhanh là một tất yếu, nhưng chính sự phản ứng chậm trễ của các ngân hàng trung ương trước lạm phát đã đẩy nhanh tốc độ tăng giá.
Trong cuộc khủng hoảng giá hàng hóa hiện nay, ngoài tác động từ đại dịch COVID-19, thì còn nhiều yếu tố khác cả chủ quan lẫn khách quan tác động. Đặc biệt, trong hiện tại, cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã đang tạo ra một áp lực mới lên nguồn cung. Nguồn cung từ Nga bị hạn chế, kết hợp với căng thẳng sẵn có trên thị trường, đã đẩy giá hàng hóa tăng lên mức chưa từng có.
Nga được định vị là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là một trong những nhà cung cấp lớn nhiều loại nguyên liệu thô phục vụ công nghiệp, đặc biệt là palladium, nickel và bạch kim. Do vậy, Nga với tư cách là chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào của sản xuất bị giãn đoạn do cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy giá hàng hóa tăng nhanh đến chóng mặt. Một phép so sánh mức giá hàng hóa ở thời điểm tháng 3/2020 (COVID-19 bắt đầu tác động mạnh mẽ nhất) với thời điểm nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine có thể thấy, giá nickel hiện nay đã tăng 200%, giá nhôm tăng 150%, trong khi các nguyên liệu sắt, đồng và dầu tăng 100%. Mức giá cao ngất ngưởng của các hàng hóa phục vụ công nghiệp đã trực tiếp và gián tiếp đẩy giá tiêu dùng tăng trên quy mô toàn cầu.
Ngoài ra, do Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp nông sản rất lớn, đặc biệt là lúa mỳ và dầu hướng dương, xung đột đã làm tăng áp lực lên giá lương thực. Thêm vào diễn biến giá cả, một số quốc gia bắt đầu thiết lập cơ chế phòng vệ giảm thiểu rủi ro đến từ nguy cơ về nguồn cung đã quyết định hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô và các sản phẩm thực phẩm. Đồng thời, các nước cũng đưa ra các biện pháp áp đặt hạn ngạch và thuế với mục đích bảo hộ sản xuất trong nước. Các yếu tố này đã đẩy giá lương thực lên mức cao nhất trong lịch sử.
Trong báo cáo quý I/2022, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết, giá lương thực toàn cầu đã tăng khoảng 60% trong 2 năm qua, trong khi mức tăng này là 70% đối với giá ngũ cốc và 150% đối với giá dầu thực vật. Thực phẩm đang hướng đến mức giá thực tế cao nhất từ những năm 1960. Xem xét ở một khía cạnh khác của cú sốc có thể thấy, sự gia tăng của giá hàng hóa diễn biến trong một thời gian tương đối gấp, so với 6-7 năm về trước khi dịch COVID-19 xảy ra, giá lương thực dao động rất ít.
Tại thời điểm này, đà tăng của giá cả hàng hóa toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Mặc dù, các dấu hiệu của nền kinh tế thế giới đã cho thấy, bắt đầu có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng chưa xuất hiện dấu hiệu các chính phủ thắt chặt tài chính và giảm cung ứng thanh khoản. Do đó, 3 yếu tố chính khiến giá hàng hóa tăng kỷ lục, gồm: (i) Diễn biến của đại dịch COVID-19; (ii) Tác động ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine; (iii) Sự cứng rắn của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19 “góp phần” đe dọa an ninh nguồn cung, vẫn đang chiếm xu hướng chủ đạo làm trở ngại chính khiến giá cả chưa thể đi xuống.
Vậy việc bình ổn giá cả hàng hóa sẽ phụ thuộc vào yếu tố nào? Câu trả lời, việc kiểm soát giá cả trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine. Cho dù khó có thể nhìn thấy tác động của việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ có những hiệu quả kiềm chế lạm phát giá hàng hóa thế giới. Nếu như sự cứng rắn của Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID-19 không thay đổi thì có thể nhu cầu giảm ở Trung Quốc sẽ tác động mạnh hơn so với nguồn cung giảm, qua đó góp phần kéo giá hàng hóa thế giới đi xuống.