Kiểm soát nội bộ tín dụng cá nhân trong các ngân hàng thương mại

Hồng Phương

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đều hướng đến phát triển cho vay tiêu dùng, đây là mảng hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro do đối tượng vay chủ yếu là các khách hàng cá nhân. Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro là vấn đề đặt ra. Để làm được điều này cần có hệ thống kiểm soát nội bộ mạnh để kiểm soát các nghiệp vụ cho vay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiểm soát nội bộ tại các ngân hàng hiện nay

Tình hình rủi ro tín dụng cá nhân của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM) Việt Nam gắn với các vấn đề như nợ xấu, tín dụng đen, chiếm dụng vốn, thua lỗ, những biến động lớn trên thị trường tiến tệ…

Số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2018 ước khoảng 163 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống khoảng 2,4%, giảm nhẹ so với con số 2,5% của năm trước. Theo thống kê từ báo cáo tài chính của các NHTM, tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 12/2018 của một số ngân hàng có xu hướng tăng so với 2017: ACB là 1.675 tỷ đồng (0,73%); MBbank là 2.837 tỷ đồng (1,32%); Eximbank là 1.921 tỷ đồng (1.84%)...

Nhiều NHTM đã có chính sách quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường... cũng như thành lập các bộ phận ứng phó với rủi ro. Tuy nhiên, các biện pháp trên phần lớn chỉ hướng đến mục tiêu phát hiện và giảm thiểu rủi ro mà chưa chủ động trong việc nhận diện rủi ro, chưa quan tâm đến các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro của hệ thống.

Hiện tại, nhiều NHTM đã thực hiện tốt công tác phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đặc biệt là tại các NHTM áp dụng Basel II, tuy nhiên, hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng cá nhân vẫn còn hạn chế.

Tại một số ngân hàng, phòng khách hàng thực hiện đủ 3 chức năng và chịu trách nhiệm đối với mọi khâu chuẩn bị cho một khoản vay, do đó nhiều công việc tập trung hết một nơi, thiếu sự chuyên sâu dẫn đến chất lượng công tác chưa cao; quy trình cấp tín dụng ở một số ngân hàng vẫn còn cồng kềnh, phức tạp, quy trình cho vay cá nhân hầu như vẫn giống quy trình cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn.

Các NHTM cũng chưa thực sự quan tâm đến hoạt động kiểm soát trong điều kiện áp dụng công nghệ thông tin, chưa xây dựng các phương án để xử lý các vấn đề bất thường.

Hầu hết, các ngân hàng đều chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nâng cấp ngân hàng lõi phù hợp với quy mô và nhu cầu phát triển dịch vụ sản phẩm cũng như quản trị hệ thống ngân hàng hiện đại, tuy nhiên, do hạn chế về chuyên môn mà một số bộ phận chưa đảm bảo thực hiện đúng quy trình.

Tại một số ngân hàng do quy mô lớn nên việc thiết lập các kênh thông tin giữa các chi nhánh, phòng giao dịch và hội sở còn nhiều hạn chế; các cấp quản lý ở chi nhánh chưa nắm bắt kịp thời chỉ đạo của cấp trên, ngược lại thông tin phản hồi cho quản lý cấp trên cũng còn chậm.

Bộ phận kiểm toán nội bộ đã được thành lập tại tất cả các NHTM, tuy nhiên, hoạt động của bộ phận này còn nhiều hạn chế do yếu cả về nhân sự và chuyên môn. Đặc biệt, với hoạt động tín dụng cá nhân do số lượng hồ sơ vay tại các hệ thống rất lớn nên việc kiểm toán chỉ tiến hành được với một số lượng hữu hạn do đó chưa đánh giá chính xác chất lượng hoạt động cũng như phát hiện kịp thời các gian lận và nhầm lẫn.

Hầu hết các ngân hàng đều đã xây dựng quy định về đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ nhưng báo cáo chỉ chủ yếu mô tả cơ cấu tổ chức, tình hình thực hiện kế hoạch, rà soát các văn bản... mà chưa đánh giá các nguyên tắc căn bản của hệ thống KSNB.

Làm gì để kiểm soát rủi ro?

Để hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tín dụng cá nhân nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, trước hết cần quan tâm đến hoàn thiện cơ sở pháp lý tạo hành lang cho việc nâng cao hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ.

Các ngân hàng nên ban hành các quy định về an toàn hoạt động cho hệ thống dựa trên các quy định của Ngân hàng Nhà nước, các chuẩn mực, nguyên tắc kế toán, kiểm toán được chấp nhận rộng rãi và áp dụng các nguyên tắc về giám sát ngân hàng của Basel.

Bên cạnh đó, hoàn thiện môi trường kiểm soát tín dụng cá nhân làm nền tảng cho cho việc xây dựng các phần còn lại của hệ thống kiểm soát nội bộ. Đồng thời, hoàn thiện quy trình đánh giá rủi ro tín dụng. Các ngân hàng cần xây dựng các bộ phận nghiên cứu, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc kiểm soát nội bộ hoạt động tín dụng cá nhân nhằm nhận diện rủi ro và tham mưu cho ban điều hành.