Kiểm soát, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh
Sáng ngày 21/10, thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và công tác phòng, chống dịch, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng, từ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch các cấp, các ngành sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn với phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Trước đó, trong ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 2, báo cáo Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đã đánh giá, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng...
Tại Việt Nam, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút; vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Thảo luận về nội dung trên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng, từ bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, đồng thời các cấp, các ngành sẽ tiếp tục có sự đổi mới tư duy, nhận thức phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát, phòng, chống hiệu quả hơn về dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tận dụng được tối đa các cơ hội... thông qua các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất kinh tế - xã hội của dất nước trong tình hình mới.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến (Đoàn đại biểu Tây Ninh) đề nghị, Chính phủ cần quan tâm duy trì phù hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh, hạn chế thấp nhất đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.
Trong phát triển kinh tế, cần đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh của nông nghiệp - một ngành được coi là bệ đỡ của nền kinh tế; nghiên cứu các chính sách hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho nhu cầu việc làm của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các hình thức, cách thức thiết thực, hiệu quả để tri ân các lực lượng, đồng bào, chiến sĩ có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn đại biểu Nghệ An) cũng cho rằng, nhiệm vụ ưu tiên lúc này là tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản, kế hoạch cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong phát triển kinh tế - xã hội cần hết sức quan tâm điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường. Tới đây, Chính phủ cần tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt, khơi thông mọi nguồn lực, sức sáng tạo cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp, một số đại biểu Quốc hội cùng nêu quan điểm, nhiệm vụ phục hồi kinh tế hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Để phục hồi được kinh tế, cần phải có các gói kích cầu đủ mạnh, có sự hỗ trợ hiệu quả về tín dụng, tài chính để duy trì lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn liền với các chính sách giảm, miễn, hoãn, giãn thuế đối với doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh; đưa ra những chính sách tổng thể, toàn diện hơn về thuế trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...
Cũng trong sáng 21/10, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương...
Trong phiên làm việc chiều 21/10, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Sau đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Sau khi Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội về họp tại tổ và tiếp tục thảo luận 2 dự án Luật này.