Dự án SAHEP:
Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm giá trị hợp đồng hơn 7,6 tỷ đồng
Kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP), Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính hơn 7,968 tỷ đồng; trong đó, giảm giá trị hợp đồng còn lại của Dự án 7,652 tỷ đồng.
Đạt và vượt mục tiêu quy định
Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 14/3/2017 và được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 22/02/2022.
Dự án được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy, nghiên cứu, quản trị đại học và quản lý dự án của các trường đại học tham gia Dự án; đồng thời tăng cường hệ thống quản trị giáo dục đại học của Việt Nam.
2 hợp phần chính của Dự án gồm: Phát triển đào tạo, nghiên cứu, quản trị đại học và quản lý dự án của hai trường đại học thụ hưởng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội); Tăng cường quản lý hệ thống giáo dục đại học và thư viện điện tử dùng chung (bao gồm: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Cục Công nghệ thông tin và 4 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đại học).
Tổng mức đầu tư của Dự án là 126,3 triệu USD. Trong đó, vốn vay IDA là 103,225 triệu USD (theo Hiệp định vay vốn, với cơ chế cho vay lại 10% đối với các dự án thành phần: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; cơ chế cấp phát đối với các dự án thành phần còn lại) và vốn đối ứng (từ ngân sách trung ương và vốn của các chủ đầu tư) là 23,075 triệu USD.
Theo đánh giá của KTNN, việc sử dụng vốn vay của Dự án theo đúng nội dung; mục tiêu đầu tư của Dự án thực hiện theo nội dung các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, Hiệp định ký kết giữa Việt Nam và nhà tài trợ. Theo báo cáo của cơ quan điều phối Dự án (Ban Quản lý dự án SAHEP), đến thời điểm ngày 30/6/2022 (6 tháng trước thời điểm kết thúc Dự án theo kế hoạch), một số chỉ số mục tiêu phát triển (PDO) và chỉ số kết quả trung gian (IR) của tổng thể Dự án đã đạt và vượt mục tiêu quy định tại Sổ tay hướng dẫn thực hiện Dự án.
Cụ thể, chỉ số mục tiêu phát triển dự án PDO3 (số lượng các hành động được đề xuất và thực hiện từ “Các báo cáo thực hiện tự chủ đại học” năm trước) đạt 115 hành động, vượt mục tiêu 52 hành động. Các chỉ số trung gian: IR1 (tăng giá trị nguồn đầu tư cho các nghiên cứu thông qua đấu thầu cạnh tranh) đạt 10,828 triệu USD, vượt mục tiêu 3,336 triệu USD; IR2 (số lượng các dự án hợp tác nghiên cứu mới được phê duyệt hằng năm) đạt 237 dự án/mục tiêu 82 dự án; IR3 (tỷ lệ nữ giới làm chủ nhiệm đề tài trong các dự án hợp tác nghiên cứu được phê duyệt và thực hiện hằng năm) đạt 64,7%, vượt mục tiêu 27,5%; IR4 (số lượng các chương trình đào tạo được cập nhật hằng năm tại VNUA) đạt 95 chương trình, vượt mục tiêu 71 chương trình; IR8 (tổng số lượt tải dữ liệu điện tử hằng năm của các thành viên tham gia thư viện điện tử dùng chung) đạt khoảng 1,49 triệu lượt, vượt mục tiêu 66.000 lượt.
Bố trí thiếu vốn, giải ngân chậm
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, đến ngày 30/6/2022, tổng chi phí đầu tư (giá trị khối lượng được nghiệm thu) toàn Dự án là hơn 1.213,1 tỷ đồng và tổng nguồn vốn đã giải ngân cho toàn Dự án là 1.285,7 tỷ đồng.
Qua kiểm toán cho thấy, số vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án thành phần tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến ngày 30/6/2022 còn thiếu hơn 140,3 tỷ đồng so với số vốn theo kế hoạch phải bố trí cho dự án. Nguyên nhân là do đến thời điểm tháng 02/2022 mới phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, tháng 5/2022 điều chỉnh dự án.
Cùng với đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các dự án thành phần còn chậm. Cụ thể, đối với nguồn vốn nước ngoài: Dự án thành phần tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020 chỉ giải ngân được 54% kế hoạch vốn; 6 tháng đầu năm 2022 mới giải ngân được 24,6% kế hoạch.
Dự án thành phần tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2020 chỉ giải ngân được 24% kế hoạch, năm 2021 giải ngân được 59% kế hoạch và 6 tháng đầu năm 2022 chưa giải ngân. Dự án thành phần tại Cục Công nghệ thông tin năm 2020 không giải ngân được, năm 2021 chỉ giải ngân được 54% kế hoạch vốn; 6 tháng đầu năm 2022 chưa giải ngân. Tương tự, Dự án thành phần tại 4 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục năm 2020 không giải ngân được, năm 2021 chỉ giải ngân được 63% kế hoạch vốn; 6 tháng đầu năm 2022 chưa giải ngân…
Đối với nguồn vốn trong nước (vốn đối ứng từ ngân sách trung ương), Dự án thành phần tại Cục Công nghệ thông tin, năm 2021 chỉ giải ngân được 37% kế hoạch vốn, 6 tháng đầu năm 2022 chưa giải ngân. Dự án thành phần tại 4 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục vốn ngân sách trung ương năm 2020 chỉ giải ngân được 23% kế hoạch vốn, năm 2021 giải ngân được 25% kế hoạch và 6 tháng đầu năm 2022 chưa giải ngân.
Về tiến độ chung của Dự án, đến thời điểm kiểm toán, Dự án đang thực hiện dang dở và vẫn trong thời gian phê duyệt (từ năm 2017-2022) với giá trị nghiệm thu khối lượng tại các dự án thành phần còn thấp. Điển hình như Dự án thành phần tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tổng giá trị xây lắp nghiệm thu đạt 35% giá trị hợp đồng; tổng giá trị mua sắm thiết bị được nghiệm thu đạt 48% giá trị hợp đồng; Dự án thành phần Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tổng giá trị các hạng mục mua sắm được nghiệm thu đạt 51% giá trị hợp đồng…
Công tác triển khai các dự án thành phần cũng còn chậm (năm 2020 mới triển khai các hạng mục chính) do đến tháng 5/2020 các chủ đầu tư mới ký kết được hợp đồng vay lại vốn nước ngoài với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (để đủ điều kiện giải ngân vốn đầu tư công). Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam chưa triển khai thực hiện các nội dung bổ sung đầu tư theo Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư do chờ phê duyệt điều chỉnh Hiệp định vay vốn.
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, một số công tác xây dựng được nghiệm thu chưa phù hợp so với hồ sơ hoàn công số tiền 290,6 triệu đồng, sai đơn giá 25,8 triệu đồng; một số sai sót khối lượng chưa kịp thời điều chỉnh dẫn đến phải giảm giá trị hợp đồng còn lại 7,652 tỷ đồng./.
Cùng với kiến nghị về xử lý tài chính, KTNN kiến nghị các chủ đầu tư và đơn vị có liên quan làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm của các bên đối với việc chậm triển khai Dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm tiến độ một số gói thầu để xử lý theo quy định và nội dung hợp đồng đã ký kết. Đồng thời, khẩn trương đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo giải ngân vốn đầu tư và hoàn thành Dự án đúng thời gian quy định.