Kiểm toán Nhà nước Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021

Theo nhandan.vn

Trong 3 năm trên cương vị Chủ tịch Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam đã thể hiện vai trò nêu gương, cùng các thành viên Ban Điều hành và các cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược của ASOSAI, đặc biệt thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội về "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững".

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam kiểm toán tại tàu của Cảnh sát biển Việt Nam.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam kiểm toán tại tàu của Cảnh sát biển Việt Nam.

Thực hiện thành công các nội dung nghị sự quan trọng

Ngay sau khi Tuyên bố Hà Nội chính thức được thông qua tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Hà Nội, KTNN đã chủ động phối hợp với KTNN Trung Quốc (Tổng Thư ký ASOSAI), các thành viên Ban Điều hành và các Ủy ban, Nhóm công tác của ASOSAI thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2016 - 2021, gồm 3 mục tiêu chiến lược: Hỗ trợ phát triển năng lực của SAI thành viên; Tăng cường chia sẻ kiến thức giữa các SAI thành viên; và trở thành Nhóm làm việc khu vực kiểu mẫu của INTOSAI.

Trong 3 năm qua, 14 SAI thành viên ASOSAI đã thực hiện 60 cuộc kiểm toán hoạt động về môi trường với chủ đề đa dạng và bao trùm hầu hết tất cả các lĩnh vực môi trường như: quản lý chất lượng không khí, biển, tài nguyên nước; xử lý chất thải, quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu; năng lượng tái tạo; bảo tồn thiên nhiên, chống tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất...

Các SAI đã tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán môi trường (KTMT) như: tăng cường sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GIS) và công nghệ viễn thám để đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản; sử dụng dữ liệu viễn thám để nghiên cứu hoạt động sử dụng đất đai; sử dụng thiết bị ghi hình không người lái để tính toán phạm vi và khối lượng khai thác cát…

Đặc biệt, Trung tâm đào tạo kiểm toán của KTNN Ấn Độ đã xây dựng các biểu mẫu đánh giá rủi ro và báo cáo theo mô hình Động lực - Áp lực - Chính quyền bang - Tác động - Ứng phó (DPSIR), các chỉ số và tiêu chí SDGs phù hợp Hướng dẫn kiểm toán hoạt động của KTNN Ấn Độ để xác định những lĩnh vực và chủ đề kiểm toán tiềm năng về môi trường.

Hướng tới các tiêu chí trở thành Nhóm làm việc khu vực kiểu mẫu của INTOSAI, KTNN - Chủ tịch ASOSAI cùng các SAI thành viên Ban Điều hành nỗ lực hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hỗ trợ hiệu quả cho các SAI thành viên thông qua việc thành lập các Nhóm công tác mới và khởi xướng quỹ hỗ trợ thành viên của ASOSAI.

Cụ thể, các sáng kiến của KTNN Việt Nam về thành lập Nhóm công tác mới của ASOSAI về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững được đánh giá là đề xuất tiên phong của ASOSAI trong cộng đồng INTOSAI và chính thức thông qua tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 trực tuyến vào tháng 7/2020; đề xuất sáng kiến thành lập Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán quản lý khủng hoảng nhằm hỗ trợ các SAI sẵn sàng ứng phó với những vấn đề mới nổi và tình trạng khẩn cấp, dự kiến sẽ thông qua tại Đại hội ASOSAI 15 tháng 9/2021.

Những sáng kiến này là minh chứng cho nỗ lực ASOSAI nói chung và KTNN Việt Nam nói riêng nhằm xây dựng một tổ chức ASOSAI với những thành viên chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo và sẵn sàng ứng phó với những thách thức, những vấn đề mới nổi trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, ủng hộ đề xuất của Ban Thư ký ASOSAI, KTNN Việt Nam tham gia Ủy ban đánh giá Quỹ hỗ trợ các SAI thành viên ASOSAI kịp thời ứng phó đại dịch COVID-19.

Trong nỗ lực cùng các SAI thành viên thực hiện Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường vì phát triển bền vững, nhận thức sâu sắc tình trạng nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và chất lượng nguồn nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu vực sông Mê Kông nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam nói riêng, KTNN Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, trình Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chủ trương cho phép KTNN Việt Nam chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác với chủ đề Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với sự tham gia của KTNN Thái Lan, KTNN Myanmar.

Với vai trò là Chủ tịch ASOSAI - dẫn dắt và định hướng phát triển của tổ chức, trong giai đoạn vừa qua, KTNN Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sứ mệnh hàng đầu của ASOSAI là đào tạo, trao đổi học hỏi giữa các SAI thành viên mang tính chuyên sâu, đổi mới và thích ứng kịp thời sự phát triển và thay đổi liên tục của môi trường quản lý tài chính công. Hiện, KTNN Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực (KTNN Nhật Bản) và các Ủy ban, Nhóm công tác của ASOSAI tăng cường chia sẻ kiến thức và các thông lệ tốt, mang tính phổ quát, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trên cương vị Chủ tịch ASOSAI, KTNN Việt Nam đã chủ động tìm kiếm, trao đổi với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy chất lượng việc thực hiện các hoạt động của ASOSAI như: hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế uy tín đến từ Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF), Ngân hàng Thế giới, KTNN Indonesia và KTNN Malaysia đối với cuộc kiểm toán hợp tác về nguồn nước lưu vực sông Mê Kông tại khu vực Đông Nam Á; hỗ trợ của IDI theo chương trình liên kết IDI - ASOSAI về Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, khóa đào tạo về Kiểm toán quỹ phục hồi khủng hoảng của quốc gia SAI thành viên, cuộc kiểm toán hợp tác về Hệ thống y tế bền vững.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2020 và 2021, nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASOSAI bị hoãn, hủy, KTNN Việt Nam đã chủ động điều chỉnh hoạt động theo hình thức trực tuyến, đặc biệt cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 thành công tốt đẹp, được cộng đồng ASOSAI đánh giá cao. Hiện, KTNN Việt Nam đang chủ động, tích cực cùng với Ban Thư ký ASOSAI (KTNN Trung Quốc) và KTNN Thái Lan (SAI chủ nhà - Chủ tịch kế nhiệm) chuẩn bị tổ chức Đại hội ASOSAI 15 theo hình thức trực tuyến nhằm chủ trì điều hành Đại hội diễn ra thành công.

Tích cực tham gia, đóng góp có trách nhiệm

Đại diện cho 47 thành viên ASOSAI, KTNN Việt Nam tham gia tích cực và trách nhiệm đối với các hoạt động của INTOSAI. Trên cương vị Chủ tịch, KTNN Việt Nam đã đại diện ASOSAI tham dự nhiều diễn đàn chuyên môn quốc tế quan trọng như: Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán công chứng Anh (ACCA) về chủ đề Khu vực công bền vững tại Cộng hòa Czech; Hội nghị chung giữa ASOSAI và Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu (EUROSAI) với chủ đề Những vấn đề mới nổi và những tình trạng báo động tại Israel; Đại hội của Tổ chức các Cơ quan tối cao khu vực Caribe (CAROSAI) lần thứ 11 về chủ đề Tầm nhìn về hoạt động: Các vấn đề liên quan và sự thành công tại Guyana; Cuộc họp của lãnh đạo các Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) và các bên liên quan về chủ đề SAI tạo ra sự khác biệt: Kiểm toán việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại Hoa Kỳ; Đại hội INTOSAI lần thứ 23 về chủ đề Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong việc đạt được các mục tiêu và ưu tiên quốc gia tại Nga; Đại hội của Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Mỹ Latinh (OLACEFS) lần thứ 29 về chủ đề Nâng cao việc quản lý tính liêm chính của tổ chức, sự liên quan của SAI trong lĩnh vực công tại El Salvador.

Tại các diễn đàn quan trọng này, KTNN Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực thông qua các ý kiến, bài tham luận về vai trò của SAI trong việc minh bạch nền tài chính công, nâng cao trách nhiệm giải trình, sử dụng hiệu quả ngân sách quốc gia, tăng cường phòng, chống tham nhũng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, KTNN Việt Nam chủ động và khuyến khích các SAI thành viên ASOSAI tham gia hiệu quả, uy tín và trách nhiệm vào hoạt động các Nhóm công tác và đề án nghiên cứu của INTOSAI.

Qua 3 năm đảm đương cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, những đóng góp của KTNN Việt Nam vì sự phát triển chung của cộng đồng ASOSAI được các SAI khu vực và quốc tế ghi nhận, thu hút sự quan tâm của các đối tác phát triển quốc tế, củng cố năng lực, kỹ thuật và chuyên môn nghề nghiệp để giúp ASOSAI trở thành Tổ chức kiểm toán tối cao chuyên nghiệp, hiện đại, tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, từ đó nâng cao năng lực, uy tín của cơ quan KTNN nói chung và Việt Nam nói riêng trên các diễn đàn quốc tế.