Kiểm tra chuyên ngành giảm ít nhất 15% vào quý IV/2016

PV.

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, các bộ ngành cùng đại diện nhiều doanh nghiệp hôm 18/8. Trước đó, Phó Thủ tướng cũng đã đi thị sát hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa tại Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Cục Hải quan TPHCM, các bộ, ngành cùng đại diện nhiều DN, hiệp hội doanh nghiệp. Nguồn: chinhphu.vn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Cục Hải quan TPHCM, các bộ, ngành cùng đại diện nhiều DN, hiệp hội doanh nghiệp. Nguồn: chinhphu.vn

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt yêu cầu cụ thể trong thời gian tới số lượng các mặt hàng bắt buộc kiểm tra chuyên ngành phải ít nhất, thời gian kiểm tra nhanh nhất, tần suất giảm ít nhất 15% vào quý IV/2016.

Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trả cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành là rất lớn và trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng lớn hơn rất nhiều lần là chi phí cơ hội mà doanh nghiệp phải chịu vì thời gian thông quan bị kéo dài, doanh nghiệp sẽ không thể đưa hàng hóa vào sản xuất, kinh doanh kịp thời.

Quản lý chuyên ngành là một trong những trọng tâm cải cách tại Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo đó, Nghị quyết 19 yêu cầu cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm, đồng thời đề ra hàng loạt giải pháp cụ thể.

Đến hết năm 2016, phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 – 35% như hiện nay xuống còn 15%.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2017, môi trường kinh doanh phải đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu và đến năm 2020 môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN-3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.