Thủ tục kiểm tra chuyên ngành: 344 văn bản níu chân doanh nghiệp

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

“Thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu còn phức tạp, do văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chậm được rút gọn.

Ông Ngô Minh Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát hải quan trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Ông Ngô Minh Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát hải quan trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Cần có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành trong thời gian tới, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP” - Phó Cục trưởng Cục Giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan Ngô Minh Hải đã nêu quan điểm này tại cuộc họp báo diễn ra chiều 16/8/2016.

Hải quan và doanh nghiệp gặp khó

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 30/6/2016 có 344 văn bản pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành, trong đó có: 21 luật, pháp lệnh; 65 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 258 thông tư, quyết định của các bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực KTCN.

Với số lượng văn bản quy phạm pháp luật về KTCN ban hành nhiều, phạm vi rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS (mã số hàng hóa), chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra, khiến cho cơ quan hải quan cũng như DN gặp khó. Mặt hàng thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu là rất nhiều và phức tạp như kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm tra an toàn thực phẩm; kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế); kiểm tra văn hóa; các quy định về cấp giấy phép XNK, điều kiện XNK hàng hóa. Việc quy định KTCN cho từng lô hàng cũng gây tốn kém về thời gian, chi phí của DN.

Ông Ngô Minh Hải dẫn chứng, khoản 1b Điều 38 của Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định “Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải được cấp thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng của các cơ quan kiểm tra được chỉ định”. Theo quy định của Điều này thì hầu hết các lô hàng nhập khẩu thuộc các nhóm hàng trên đều phải thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, khảo sát của cơ quan hải quan cho thấy, việc phối hợp, trao đổi thông tin về kết quả KTCN giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ quan, tổ chức KTCN chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong việc phân tích đánh giá thông tin về DN để thực hiện KTCN, dẫn đến kiểm tra trùng lắp cùng một mặt hàng, một hãng sản xuất mà lần nào DN cũng bị kiểm tra.

“Trên thực tế, trong 100% thời gian thông quan hàng hóa, cơ quan hải quan đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục trong thẩm quyền chỉ còn 28%. Vấn đề quan trọng ở đây là cần phải rút ngắn thời gian KTCN đang chiếm tới 72% tổng thời gian thông quan hàng hóa từ phía các bộ, ngành”, ông Ngô Minh Hải nhấn mạnh.

Kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn yếu

Trả lời câu hỏi của báo chí về nguyên nhân vì sao các địa điểm KTCN tại cửa khẩu chưa thu hút được DN tham gia, ông Ngô Minh Hải cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 đến năm 2016, từ cuối năm 2015 đến nay, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai 10 địa điểm KTCN tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại 8 địa bàn hải quan nơi có lưu lượng hàng hóa XNK lớn như:

Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, sau một thời gian đưa vào vận hành thí điểm, các địa điểm KTCN tập trung đã bộc lộ tồn tại, vướng mắc như: Diện tích chật hẹp, không trang bị máy móc cần thiết để kiểm tra ngay, nguồn nhân lực bố trí tại địa điểm này còn thiếu; có mặt hàng cần KTCN nhưng không có đại diện đơn vị KTCN.

“Việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được các cơ quan KTCN thực hiện trên mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về phòng thí nghiệm trong nội địa hoặc được thực hiện tại kho bảo quản hàng hóa của DN dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa. Phương tiện kỹ thuật, máy móc, thiết bị, còn thiếu và yếu, nhiều trường hợp đưa ra kết quả chậm dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của DN...”, ông Ngô Minh Hải phát biểu.

Vậy đâu là giải pháp nâng cao hiệu quả KTCN thiết thực tạo thuận lợi cho DN XNK? Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Ngô Minh Hải cho hay, Tổng cục Hải quan đề xuất với các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện một số giải pháp như áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong KTCN; xây dựng cổng thông tin về KTCN trong Cổng Thông tin một cửa quốc gia. Cách làm này đã được Hải quan TP. Hồ Chí Minh triển khai thí điểm tại cảng Cát Lái từ 15/6 và tại sân bay Tân Sơn Nhất từ 12/7/2016 thu được hiệu quả.

“Cục Kiểm định hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai hoạt động của phòng kiểm định di động (xe mobile lab) tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai) nơi có lưu lượng XNK hàng hóa lớn phải kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...”, ông Ngô Minh Hải cho biết thêm.