Kiểm tra, xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng


Trong thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng và bổ sung các quy định về thuế mạnh hơn nữa đối với nhà sản xuất thuốc lá và người tiêu thụ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Bộ Tài chính nhận được Công văn số 7467/VPCP-QHĐP ngày 21/8/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng và bổ sung các quy định về thuế mạnh hơn nữa đối với nhà sản xuất thuốc lá và người tiêu thụ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Sau khi tổng hợp ý kiến của Bộ Y tế tại Công văn số 5252/BYT-VPB1 ngày 09/9/2019, Bộ Tài chính đã có Công văn số 10793/BTC-HCSN trả lời những vấn đề mà Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 32 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc xử phạt các hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng, cơ quan, trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện.

Ngày 26/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa 13, Quốc hội đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó quy định tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá theo lộ trình như sau: Từ ngày 01/01/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 01/01/2019 tăng từ 70% lên 75%.

Hằng năm, với trách nhiệm của mình, Bộ Y tế đều tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm tra liên ngành về việc thực thi công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và có biên bản kiến nghị Ủy ban nhân dân các cấp xử phạt theo quy định. Bộ cũng ban hành nhiều công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị đôn đốc, đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại địa phương. Để tăng cường công tác phòng, chống thuốc lá trong giai đoạn tới, Bộ Y tế sẽ triển khai các biện pháp sau:

Một là, tiếp tục hỗ trợ các đơn vị trong việc nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá trong đó tăng cường việc nhắc nhở, yêu cầu chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Hai là, tiếp tục phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ Công an, Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá công an các đơn vị, địa phương để chỉ đạo tăng cường kiểm tra độc lập và lồng ghép với các đợt kiểm tra của công an các tỉnh tại các cơ sở trên địa bàn.

Ba là, phối hợp với các Bộ, ngành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp Bộ kiểm tra việc thực hiện việc quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các Bộ, ngành, địa phương, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá.

Bốn là, hiện nay, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định thực hiện thí điểm việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá.

Bổ sung các quy định về thuế mạnh hơn nữa đối với nhà sản xuất thuốc lá và người tiêu dùng

Đối với các kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc bổ sung các quy định về thuế mạnh hơn nữa đối với nhà sản xuất thuốc lá và người tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài chính cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch…

Để phòng chống tác hại của thuốc lá, ngày 26/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa 13, Quốc hội đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó quy định tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá theo lộ trình như sau: Từ ngày 01/01/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 01/01/2019 tăng từ 70% lên 75%.

Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ ”Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng. Tại khoản 2, Điều 4 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng quy định rõ: “Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”.

Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 thực hiện Nghị quyết số 20 giao các bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng.

Trên cơ sở các quan điểm, đường lối của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính đang rà soát, tổng kết đánh giá và thực hiện Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt trong thời gian qua, trong đó có mặt hàng thuốc lá mới tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 5% theo lộ trình từ ngày 01/01/2019.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá trong quá trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.