Kiến nghị làm giảm chi phí logistics
Chi phí logistics trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn cao, Chính phủ cần có các giải pháp làm giảm chi phí dịch vụ logistics.

Đó là kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong báo cáo mới nhất trình Chính phủ về kết quả khảo sát thực trạng chi phí kinh doanh năm 2017 theo tinh thần Nghị quyết 35/2016/CP hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
VCCI cho biết, hiện vận chuyển một container hàng hóa từ cảng Hải Phòng về Hà Nội (và ngược lại) chỉ khoảng 100km, nhưng chi phí đắt gấp 3 lần so với vận chuyển một container hàng hóa từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Tỷ trọng chi phí dịch vụ logistics trong cơ cấu chi phí kinh doanh của Việt Nam còn rất cao, chiếm khoảng 20% GDP, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa cũng như doanh nghiệp. Giá thành sản phẩm hàng hóa Việt Nam thường bị đội lên nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng cũng như khi xuất khẩu một phần quan trọng do chi phí vận chuyển không ổn định và luôn ở mức cao.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam hiện nay thuộc diện cao nhất thế giới, so với các nước trong khu vực còn cao hơn Thái Lan khoảng 6%, cao hơn Malaysia khoảng 12%, cao gấp 3 lần so với Singapore.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, VCCI đề xuất, trước mắt Chính phủ cho rà soát và có biện pháp kiểm soát các chi phí liên quan đến các khoản phí và phụ thu tại các cảng biển Việt Nam. Cần có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam giảm lệ thuộc vào sự độc quyền của các hãng vận tải tàu biển quốc tế khi xuất nhập khẩu hàng hóa. Tăng cường năng lực hoạt động cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics trong nước thông qua việc thúc đẩy phát huy hiệu quả hơn vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề.
Trong dài hạn, VCCI cho rằng, Chính phủ cần quy hoạch lại hệ thống logistics ở Việt Nam nhằm phát huy hết công suất các cảng biển thông qua cải thiện kết nối. Cần có các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế theo các cụm ngành/cụm liên kết giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như trong quá trình phân phối hàng hóa đầu ra làm sao có thể rút ngắn nhất được thời gian, không gian khi vận chuyển, lưu kho...
Đối với các doanh nghiệp logistics trong nước, cần phải tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ./.