2022 loại phế liệu khỏi danh mục nhập khẩu
Đây là tinh thần trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ đến các bộ, ngành trong việc ngăn chặn phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.
Tinh thần chung là chống và cấm nhưng có lộ trình nhằm tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6/2019, Hải quan đã phát hiện 503 container khai báo trên manifest là phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu và yêu cầu các hãng tàu vận chuyển số phế liệu đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Đã ngăn chặn được hơn 500 container phế liệu
Tuy nhiên, tính đến ngày 28/6, số lượng container hàng hóa là phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển lên tới 12.272 container. Trong đó, số lượng container phế liệu lưu giữ trên 90 ngày là 7.450 container; số lượng container phế liệu lưu giữ tại cảng biển từ 30 đến 90 ngày là 14 container; số lượng container phế liệu lưu giữ tại cảng biển dưới 30 ngày là 4.808 container.
Tổng cục Hải quan cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn đang tiếp tục đến nhận hàng phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển. Tổng cục Hải quan đã có văn bản quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tăng cường các giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu chất thải và phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu; hướng dẫn về việc khai sửa, bổ sung Manifest về tên người nhận hàng đối với hàng hóa nhập khẩu là phế liệu.
Đối với các phế liệu không đạt tiêu chuẩn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết buộc các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Sẽ cấm nhưng có lộ trình
Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) cho biết, qua quá trình làm với các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm trong quá trình nhập khẩu, tái chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ nhận thấy có một số loại phế liệu đang được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo quy định tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp trong nước vẫn có nhu cầu lớn nhập khẩu một số loại phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất, nếu quy định dừng việc nhập khẩu các loại phế liệu này sẽ gây ảnh hưởng tới nhu cầu nguyên liệu cũng như quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Để tạo điều kiện đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp tái chế, Bộ đề xuất đến 1/1/2022 mới loại bỏ các loại phế liệu này khỏi Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.
Từ nay đến 2020, Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính phê duyệt nội dung Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu giữa Bộ Tài chính, Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan.