Kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 60,1% so với cùng kỳ


Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 01/2021 nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sự đóng góp lớn vào số liệu tăng trưởng xuất nhập khẩu tháng đầu năm với tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 39,16 tỷ USD, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 14,69 tỷ USD).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, tính đến hết tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 28,55 tỷ USD, tăng mạnh 55,1%, tương ứng tăng tới 10,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Ở chiều nhập khẩu, hết tháng 1/2021, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 26,46 tỷ USD, tăng 41,3% (tương ứng tăng 7,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sự đóng góp lớn vào số liệu tăng trưởng xuất nhập khẩu tháng đầu năm với tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt 39,16 tỷ USD, tăng 60,1% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 14,69 tỷ USD). 

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 21,57 tỷ USD, tăng mạnh 70% (tương ứng tăng 8,88 tỷ USD) so với cùng kỳ, chiếm 75,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; tổng trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 17,59 tỷ USD, tăng 49,4% (tương ứng tăng 5,81 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 66,5% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2021 sẽ tiếp tục đối diện với nhiều rủi ro do dịch Covid-19, song triển vọng tích cực nhờ các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, sau thời gian bị trì hoãn bởi dịch bệnh, dự báo sẽ chứng kiến sự dịch chuyển luồng đầu tư của các doanh nghiệp FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dịch bệnh Covid-19 được đánh giá là "trong nguy có cơ", đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tái cấu trúc lại, nâng cao khả năng ứng phó trước các biến động của thương mại thế giới, phù hợp với độ mở lớn của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực hơn, bền vững hơn sau đại dịch.