Kinh doanh bán lẻ tìm cách "sống chung" với dịch
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, xu hướng tiêu dùng của khách hàng đã dịch chuyển sang tiêu dùng online, do đó dân kinh doanh cũng phải chuyển sang phương thức bán hàng online để bù đắp phần nào lượng khách đến ăn uống trực tiếp tại cửa hàng đang giảm sút.
Kể từ khi xuất hiện bệnh nhân thứ 17 bị mắc bệnh Covid-19, hàng loạt cửa hàng trên các tuyến phố cổ Hà Nội đóng cửa. Đây là những con đường có tiếng ở Hà Nội quy tụ hàng loạt thương hiệu thời trang, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, kể cả những hàng ẩm thực nổi tiếng và giá thuê mặt bằng không thua các trung tâm thương mại ở Hà Nội.
Đổi thói quen bán hàng
Theo tìm hiểu, có những cửa hàng treo biển tạm nghỉ, lại có nơi sang nhượng và cả những cửa hàng treo biển cho thuê mặt bằng. Chị Nguyễn Thu Hà, chủ một cửa hàng quần áo thời trang trên phố Hàng Bông vừa tạm ngừng hoạt động chia sẻ: "Từ sau Tết Nguyên đán, việc buôn bán, kinh doanh của cửa hàng ế ẩm do dịch Covid-19, nhưng cửa hàng vẫn cố gắng duy trì để đủ trả tiền thuê nhà vì đã đóng tiền đến hết tháng 6. Tuy nhiên, kể từ khi phát hiện bệnh nhân thứ 17 dương tính với Covid-19, cả ngày không có một bóng khách đến mua hàng, nên chúng tôi tính đến việc đóng cửa, sang nhượng cửa hàng để cắt lỗ".
Trong khi đó, cửa hàng ẩm thực Khoai lang xí muội trên phố Hàng Cót cũng treo biển ngừng hoạt động. Chị Nhung chủ cửa hàng cho biết dịch Covid-19 có ảnh hưởng, sụt giảm lượng khách đến mua trực tiếp.
Tuy vậy, chị Nhung cho hay để việc kinh doanh không bị gián đoạn, chị đã phải đăng thông báo trên trang fanpage vẫn nhận đơn online: “Dịch bệnh phức tạp, nhân viên nghỉ về quê, Khoai lang xí muội xin phép chuyển sang bán hàng online”, thông báo được đăng trên fanpage.
Những ngày này, lượng khách đặt thức ăn qua các ứng dụng đặt hàng, giao tận nơi như GrabFood, Now... đang tăng lên. Chị Nhung cho biết số lượng đơn hàng giao tận nơi tăng liên tục, nhiều ngày đơn hàng tăng mạnh so với cao điểm trước Tết. Do đó, cửa hàng vẫn đảm bảo doanh thu bởi số lượng đơn hàng bán ra ổn định và khách mua về nhà qua ứng dụng sẽ giúp cửa hàng giảm các chi phí duy trì phục vụ tại quán.
Tương tự, anh Duy Phong, chủ cửa hàng lưu niệm trên phố Hàng Bông cho biết, lượng khách trực tiếp đến mua hàng tại cửa hàng giảm 70-80%, trong khi những chi phí cố định như tiền thuê nhà, người trông cửa hàng, chi phí điện, nước... vẫn giữ nguyên.
“Dịch bệnh thì không biết đến bao giờ mới hết. Mình đứng yên nhìn thì sớm dẹp tiệm. Vì thế, chúng tôi phải đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội và các website bán hàng trực tuyến. Trong dịp 8/3, số lượng khách đặt hàng qua website của cửa hàng tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Doanh số bán hàng trong tháng vẫn được duy trì ổn định so với trước khi có dịch xảy ra", anh Phong cho hay.
Doanh thu tăng 30 - 70%
Dịch Covid-19 xuất hiện, khuyến cáo của ngành chức năng “hạn chế tới nơi đông người” đã làm cho quá trình mua hàng trực tuyến diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Nhiều cửa hàng hiện nay đã có những cách "sống chung" với dịch, thúc đẩy doanh số bằng nhiều phương pháp khác nhau như miễn phí vận chuyển, khuyến mãi, giảm giá, tặng khẩu trang, nước rửa tay cho khách mua hàng.
Đồng thời, đa số các nhân viên bán hàng đều mang khẩu trang y tế, tại cửa hàng cũng trang bị khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn cho khách mua hàng và cam kết thường xuyên lau chùi tủ đựng đồ, cửa kính, tay nắm cửa để khách yên tâm mua sắm.
Cũng không bỏ lỡ cơ hội này, những ngày vừa qua, các siêu thị lớn đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua nhiều hình thức, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách.
Cùng với đó, để kích thích tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử đã hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng từ tháng 2 - 3/2020.
Theo tìm hiểu, nhu cầu giao dịch hàng hóa qua các hình thức mới đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Các cửa hàng online có doanh thu tăng khoảng 30-70%. Số lượng hàng bán ra thông qua các ứng dụng Grab, Foody, Now... cũng tăng lên đáng kể.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thời Covid-19 có thể xem là dịp để thị trường bán lẻ hàng hóa chuyển dịch mạnh từ việc bán hàng truyền thống sang nhiều hình thức khác như bán hàng qua sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bán hàng qua điện thoại, bán online…
Tuy nhiên, do nhiều đơn vị chạy đua kinh doanh online, vận chuyển hàng nhanh để chiếm thị phần, nên khách hàng cần lựa chọn những cửa hàng cũng như các đơn vị vận chuyển uy tín, bởi có nhiều shipper khi vận chuyển đã mở hàng hoặc làm mất hàng không lý do, hay người mua nhận được hàng không giống như hàng đăng trên mạng trước đó, hoặc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.