Kinh doanh đa cấp biến tướng phức tạp

Theo Hà Vũ/vneconomy.vn

Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có nhiều biến tướng phức tạp, Chính phủ nhận định trong một báo cáo mới gửi đến Quốc hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết số 33/2016 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực công thương, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa uỷ quyền Thủ tướng ký.

Một trong những yêu cầu được nêu tại nghị quyết 33 là sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này.

Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2018, Bộ Công Thương điều tra, xử phạt đối với Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife số tiền 510 triệu đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này.

Bộ cũng xử phạt 140 triệu đồng đối với một số vi phạm của Công ty TNHH Herbalife Việt Nam, xử phạt Công ty Cổ phần Nhượng quyền Thương mại Toàn thắng 60 triệu đồng.

Bộ Công Thương cũng đã kết thúc thanh tra và xử phạt đối với 2 doanh nghiệp bán hàng đa cấp là Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân 170 triệu đồng và Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam 240 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, Bộ vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy và thực hiện thanh lý hợp đồng đối với người tham gia sau khi Công ty chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, năm 2018, bên cạnh Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại Quốc tế Greenlife bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tiếp tục có thêm 2 doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp là Công ty TNHH Visi Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, Bộ Công Thương đã tiến hành xử lý thu hồi giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp của 18 doanh nghiệp, có 18 doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động. Theo đó, tính đến nay, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hiện chỉ còn 31 doanh nghiệp (giảm 54% so với đầu năm 2016), báo cáo nêu rõ.

Ở cấp địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2018, các địa phương đã xử phạt vi phạm đối với 3 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với số tiền phạt là 490 triệu đồng, theo báo cáo.

Nêu những khó khăn, tồn tại chủ yếu, Bộ trưởng Tuấn Anh nhận định, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có nhiều biến tướng phức tạp.

Cụ thể, sau khi Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động bán hàng đa cấp bất chính đã có dấu hiệu bị đẩy lùi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính bị loại bỏ khỏi thị trường.

Tuy nhiên, các chủ thể kinh doanh đa cấp bất chính đã có xu hướng chuyển sang các mô hình hoạt động sử dụng phương thức đa cấp nhưng không mua bán hàng hóa thực sự để né tránh sự quản lý của cơ quan quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Mặc dù Bộ Công Thương và các đơn vi báo chí, truyền thông đã có nhiều cảnh báo (ví dụ như cảnh báo về hoạt động đầu tư tiền ảo sử dụng mô hình đa cấp, hoạt động của Freedom Group, hoạt động của FutureNet...) nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại và lôi kéo sự tham gia của nhiều người dân.

Khó khăn nữa được Bộ trưởng nêu là Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bổ sung điều 217a về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý các đối tượng vi phạm này nhưng đến nay chưa có vụ việc nào bị xử lý do Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Bên cạnh đó còn có khó khăn là số lượng cán bộ được giao thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp rất hạn chế, trong khi khối lượng công việc rất lớn.

Ở các địa phương, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chỉ giao cho một hoặc hai cán bộ kiêm nhiệm bên cạnh các công tác khác. Thiếu hụt nguồn nhân lực là một trong những khó khăn lớn nhất đối với cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận.