Kinh doanh thực phẩm sạch: Cần thay đổi tư duy

PV.

Thực phẩm sạch là một thị trường vô cùng hấp dẫn, nhiều tiềm năng phát triển đối với những người sản xuất, kinh doanh. Để thành công trong lĩnh vực này, DN và người sản xuất cần phải có sự liên kết, đặc biệt là minh bạch thông tin mọi mặt để người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm.

Thực phẩm sạch là một thị trường vô cùng hấp dẫn
Thực phẩm sạch là một thị trường vô cùng hấp dẫn

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Đón sóng thực phẩm sạch” do Bộ NN&PTNT và Báo điện tử Tri thức trẻ và Shoha New phối hợp tổ chức mới đây. 

35% người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn

Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, dù sợ hãi thực phẩm bẩn nhưng việc tiếp cận thực phẩm sạch của người Việt lại là con đường vô cùng gập ghềnh. 

Đơn cử như Hà Nội, với dân số 10 triệu người, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại, nhưng trong danh sách các địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm được Bộ NN&PTNT công bố gần đây, mới chỉ có 7 địa điểm.

Ông Trần Quân- chủ thương hiệu hải sản và thực phẩm "Sói biển" cho biết: “Tại Hà Nội, dù nhu cầu lớn nhưng cạnh tranh trong ngành này không thật sự gay gắt. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy vô số địa điềm mà quanh đó, trong bán kính 2 km, không có cửa hàng thực phẩm sạch nào… Với một cửa hàng nhỏ, tỷ suất lợi nhuận của mặt hàng này cũng khá cao từ 15%-30% doanh số; quay vòng vốn lại nhanh gần như trong ngày là có thể biết lãi lỗ…”.

Điều này cũng có nghĩa, chỉ một tỷ lệ nhỏ người dân tiếp cận được với thực phẩm sạch. Nhưng đồng thời, con số này cũng hé lộ thực phẩm sạch là một thị trường vô cùng hấp dẫn đôi với người sản xuất và kinh doanh.

Ngoài ra, thị trường thực phẩm sạch được dự báo sẽ còn nhiều dư địa phát triển, khi hiện nay thực phẩm bẩn đang hành hoành, đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng. 

TS. Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đã nêu ra những con số đáng báo động. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Kiểm nghiệm thực phẩm: có 40/120 mẫu rau chứa chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; 455/735 mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn cho người sử dụng. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng. Hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Tỷ lệ ung thư bắt đầu trẻ hóa và liên quan nhiều đến yếu tố môi trường. Tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá chiếm 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5- 10%.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn đưa ra con số “rùng mình” hơn: “Hiện nay chúng ta nhập về 4.100 loại thuốc trừ sâu, trong đó có 1.634 hoạt chất khác nhau. Trong khi Trung Quốc là nước rộng hơn hẳn chúng ta mà chỉ dùng có 600 hoạt chất. Bình quân mỗi năm mình nhập về 70.000- 100.000 tấn thuốc trừ sâu, trừ bệnh cây trồng. Vậy ngần ấy tấn thuốc trừ sâu trừ bệnh ấy vào đâu? Một lượng lớn vào rau và sau đó vào người không ít”.
 
Thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Trước những cơ hội và thách thức đó, các đại biểu cũng đặt ra câu hỏi, phải làm như thế nào để đón làn sóng thực phẩm sạch một cách hiệu quả, doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Theo bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH Trul Milk: "Để DN thành công trong lĩnh vực thực phẩm sạch, trước tiên tôi muốn nói là phải minh bạch. Nếu thị trường thiếu minh bạch và DN cũng thiếu minh bạch trong sản xuất, kinh doanh thì việc thất bại trong lĩnh vực thực  phẩm sạch là điều có thể đoán trước”. 

Theo bà Thái Hương, các DN cần có tư duy vượt trội, chất lượng sản phẩm vượt trội, quan trọng là vì sức khỏe cộng đồng và phải hài hòa với lợi ích cộng đồng.

Ông Trương Đình Tuyển- nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng: “Bảo đảm nông sản – thực phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu, mà quan trọng hơn là bảo đảm sức khỏe của người dân Việt Nam chúng ta. Vì vậy việc kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm là điều đáng hoan nghênh và cần thiết nhưng chỉ là phần ngọn, điều quan trọng nhất là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.

Theo ông Tuyển, để hỗ trợ DN phát triển thực phẩm sạch, các cơ quan chức năng cũng cần phải thay đổi tư duy. Bộ NN&PTNT cần thay đổi tư duy, xác định nền nông nghiệp đa chức năng, với 3 chức năng chính, là: đảm bảo an ninh an toàn lương thực; tạo ra các vùng sinh thái; nông nghiệp chăm lo bảo vệ sức khỏe con người. Đồng thời, hãy coi nông nghiệp là ngành công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm sạch. 

"Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tập trung vào quỹ đất và đưa khoa học công nghệ vào trong nông nghiệp. Người nông dân có thể cho thuê đất, đẩy mạnh sản xuất hiệu quả với chu trình khép kín. Bên cạnh đó, cần phân phối lợi ích giữa người chế biến, người buôn bán”- ông Tuyển nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Việc quan trọng hiện nay để đưa thực phẩm sạch đến với người dân là tăng tính kết nối những sản phẩm an toàn có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước đến người tiêu dùng, kết nối những sản phẩm từ những DN làm ăn chân chính đến với người dùng. 

"Chúng ta có nhiều mô hình làm hay nhưng sự kết nối còn yếu. Chính vì vậy, thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng còn chưa nhiều. Điều này cần khắc phục trong thời gian tới. Chúng ta cũng cần tăng cường biểu dương những cơ sở sản xuất thực phẩm sạch, tốt; phê phán những cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn”- Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh./.