Kinh nghiệm gia nhập WTO và việc vận dụng cho FTA, TPP

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hiện nay, vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để khai thác được các cơ hội tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường, ưu đãi thuế quan… từ các FTA, TPP mang lại trong thời gian tới? Qua 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) các doanh nghiệp đã tích lũy, học hỏi được những gì để vận dụng vào khai thác các FTA, TPP? Các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ gì ngoài nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp? Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh trao đổi nội dung này.

Kinh nghiệm gia nhập WTO và việc vận dụng cho FTA, TPP - Ảnh 1
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh
Phóng viên: Thưa Ông, trước khi bàn về cách thức khai thác cơ hội từ các FTA, TPP trong thời gian tới, có lẽ chúng ta cần nhìn lại những gì Việt Nam thu được sau gần 8 năm gia nhập WTO. Vậy, theo ông, đâu là những kết quả đáng kể nhất mà chúng ta đã đạt được?

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh: Nhìn lại 8 năm gia nhập WTO, cái được lớn nhất là Việt Nam trở thành thành viên bình đẳng về pháp lý và có khuôn khổ pháp luật phù hợp với Tổ chức thương mại thế giới, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu đến 220 nền kinh tế trên thế giới. Trong 8 năm, kinh tế thế giới trải qua khủng hoảng trầm trọng nhưng xuất khẩu Việt Nam liên tục tăng. Sau 8 năm, xuất khẩu tăng 13 bậc, trong xếp hạng của Tổ chức thương mại thế giới, xuất khẩu chiếm tới 68% GDP. Việt Nam là một trong những nền kinh tế rất mở về thương mại. Các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh là dệt may, da giày, xuất khẩu cũng mở ra thời cơ rất lớn với nông dân các vùng như Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Từ đó, tạo thêm được việc làm, thu nhập và các sản phẩm của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Thưa Ông, bên cạnh những thành công thì cũng phải nhìn lại tồn tại, hạn chế. Vậy theo ông, thời gian qua, Việt Nam đã bỏ lỡ những gì mà WTO có thể đem lại, tạo ra cho quá trình phát triển kinh tế?

Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật khi chúng ta gia nhập WTO, đầu năm 2007, thì thế giới bắt đầu xảy ra khủng hoảng tài chính. Chúng ta cũng chưa chuẩn bị đầy đủ cho các doanh nghiệp tham gia WTO. Điều đó, tác động tiêu cực đến việc Việt Nam phát huy lợi thế là thành viên bình đẳng của WTO. Khi gia nhập WTO, đúng ra chúng ta phải định hướng đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả, năng suất lao động thì từ năm 2007 lại phát sinh ra hiện tượng đầu cơ bất động sản. Vốn vào bất động sản tăng vọt, cùng với việc vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng lên. Năm 2008 thì quả bóng bất động sản xẹp dần, thị trường chứng khoán cũng vậy bởi các nhà đầu tư nước ngoài bị khủng hoảng tài chính thế giới tác động, họ rút vốn và chỉ số chứng khoán đã giảm 40%, chúng ta đã bị chôn vào đấy số vốn khá lớn. Vì vậy, sau khi gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng GDP giảm đi, bội chi ngân sách chúng ta tăng lên, lạm phát tăng, bất ổn vĩ mô tăng... Thưa Ông, dư luận cho rằng doanh nghiệp Việt Nam khai thác được quá ít các cơ hội từ WTO, trong khi doanh nghiệp FDI hưởng trọn. Ông đánh giá thế nào về luồng ý kiến này?

Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với chủ đích rất rõ, họ tận dụng được lợi thế lao động dồi dào, giá rẻ, tận dụng lợi thế chiến lược của Việt Nam, sản xuất từ Việt Nam, rồi xuất đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản với chi phí rẻ... Còn doanh nghiệp Việt Nam quen kinh doanh qua mối quan hệ. 96% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Nhiều doanh nghiệp nhỏ chủ yếu chỉ đáp ứng cho nhu cầu địa phương, chưa nói đến toàn quốc. Trong khi đó, muốn gia nhập thị trường thế giới thì phải đầu tư vào khoa học công nghệ, phải có năng lực cạnh tranh, thương hiệu, mẫu mã… Điều đó rất ít doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được.

Việc gia nhập WTO hay đàm phán, ký kết các FTA, TPP là Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện tại doanh nghiệp FDI chiếm tới 2/3 tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, còn doanh nghiệp trong nước nhập siêu. Vậy bài học rút ra cho các doanh nghiệp thời hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là gì, thưa Ông?

Các doanh nghiệp cần hiểu bản chất của sự hội nhập, không phải mở cửa thị trường vô điều kiện, mà họ mở bằng cách giảm thuế quan xuống. Nhưng nếu anh chiếm lĩnh thị trường của họ quá tỷ lệ nhất định, thông thường là 8% thì họ bắt đầu báo động. Các doanh nghiệp trong nước cảm thấy đối thủ cạnh tranh, đe dọa thì họ bắt đầu dùng các biện pháp kỹ thuật, nào là đóng gói bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe. Muốn làm như vậy, doanh nghiệp phải đầu tư vào khoa học công nghệ, nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cao, doanh nghiệp phải hết sức năng động, sáng tạo.

Xin cảm ơn Ông!