Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam

ThS. Vũ Quốc Phong Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Trước xu hướng tài nguyên ngày càng khan hiếm và cạn kiệt, việc phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã và đang là một giải pháp và lựa chọn tối ưu của nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng phương pháp tổng kết kinh nghiệm từ một số mô hình KTTH trong và ngoài nước, tác giả đã đề xuất một số kiến nghị thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế này ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hình minh họa. Nguồn: Internet
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Bản chất và lợi ích của kinh tế tuần hoàn

Những ý tưởng đầu tiên về tuần hoàn vật liệu đã xuất hiện trong nông nghiệp từ thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, phải đến những năm 1970, khi Water R. Stahel ủng hộ triết lý kéo dài thời gian sử dụng của hàng hóa, tái sử dụng, tái chế, sửa chữa, tái sản xuất, nâng cấp công nghệ cho ngành công nghiệp thì ý tưởng về KTTH mới thực sự ra đời.

Ý tưởng về KTTH đã được áp dụng thành công từ những năm 1990 tại khu công nghiệp sinh thái như Kalundborg Symbiosis (Đan Mạch) và trong các công ty như Caterpillar về tái sản xuất động cơ diesel đã qua sử dụng, Xerox về bán hàng hóa dưới dạng dịch vụ như một chiến lược hiệu quả nhất của nền KTTH. Cách tiếp cận này đã được Water R. Stahel mô tả chi tiết trong cuốn sách Kinh tế hiệu suất, xuất bản năm 2006.

Theo báo cáo của tổ chức Ellen MacArthur Foundation tại Hội nghị Kinh tế toàn cầu năm 2012: ”KTTH là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm "kết thúc vòng đời" của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của nó”. Theo định nghĩa này, KTTH đề cập đến 3 nội dung cơ bản sau:

Một là, bảo tồn và tái tạo các nguồn lực tự nhiên: Thông qua việc kiểm soát và sử dụng hợp lý các tài nguyên, hạn chế sử dụng tài nguyên hóa thạch và tăng cường sử dụng nguồn lực tái tạo.

Hai là, tối ưu hóa lợi ích của tài nguyên: Bằng cách thiết kế các vòng tuần hoàn của sản phẩm và vật liệu trong các chu trình kỹ thuật và sinh học.

Ba là, hạn chế ngoại tác tiêu cực của việc khai thác và sử dụng tài nguyên: Thông qua việc nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát chất thải, ô nhiễm môi trường.

Như vậy, KTTH đã đưa ra một cách tiếp cận cụ thể và rõ ràng để giải quyết vấn đề: Đó là tuần hoàn các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu…, nhấn mạnh vai trò của thiết kế sản phẩm và chất thải, đề cao việc tái tạo các hệ thống tự nhiên. KTTH hướng tới việc kết nối điểm cuối với điểm đầu để trở thành một vòng tuần hoàn của vật chất. Hơn nữa, KTTH còn tạo ra các vòng tuần hoàn nhỏ trong mỗi khâu khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể.

Ngày nay, xu hướng khan hiếm và cạn kiệt của tài nguyên ngày càng tăng, KTTH đã và đang mở ra các cơ hội tiếp cận hiệu quả để tạo ra giá trị và hưởng lợi từ vật liệu, năng lượng… được tái sử dụng.

Theo mô hình ước tính của Tổ chức Accenture Strategy, KTTH có thể tạo ra lợi ích 4,5 nghìn tỷ USD ở quy mô toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2030. Riêng ở châu Âu, KTTH có thể đem lại lợi ích 600 tỷ Euro/năm, tạo ra 580.000 việc làm mới và đồng thời giúp giảm một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính của khu vực này.

Khái quát một số mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới

Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, KTTH được hình thành trên cơ sở tiếp cận thị trường (Market Based Approaches – MABs). Một ví dụ điển hình là thị trường rác thải điện tử tại bang Colorado: Cụ thể năm 2013, việc chôn lấp các rác thải điện tử bị cấm tại bang này, ngay lập tức các doanh nghiệp (DN) đứng ra thu gom và tái chế rác thải thải điện tử, kết quả thị trường thị trường rác thải điện tử được hình thành, môi trường được bảo vệ, DN thu thêm được lợi nhuận, người lao động có thêm công ăn việc làm mà chính quyền bang không tốn chi phí bảo vệ môi trường.

Từ đó, các thị trường tương tự được hình thành đã khiến cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải trở nên sôi động và mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư, thậm chí xuất hiện các tỷ phú rác nổi tiếng như Wayne Huizenga của Công ty Quản lý chất thải (Waste Management) và Maria Rios của Công ty Chất thải quốc gia (Nation Waste).

Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên đưa ra các chính sách một cách chính thức về KTTH ở cấp quốc gia. Trung Quốc triển khai KTTH ở cả ba cấp độ đã được định hình: Vĩ mô (thành phố, tỉnh và huyện), trung gian (khu vực cộng sinh) và vi mô (DN) với một số lĩnh vực trọng tâm trong công nghiệp, xây dựng, cơ sở hạ tầng đô thị và hệ sinh thái.

Chiến lược này được thử nghiệm từ năm 2005 trong bảy lĩnh vực công nghiệp, tại 13 khu công nghiệp, tại 10 tỉnh, thành phố sinh thái (Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quý Dương, Ninh Ba, Hà Bắc, Đồng Lăng, Liêu Ninh, Sơn Đông và Giang Tô) dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

Châu Âu

Ngày 11/03/2020 tại Brussels, một kế hoạch hành động mới của Liên minh châu Âu về KTTH với thông điệp “vì một châu Âu sạch và cạnh tranh hiệu quả hơn” đã được thông qua. Kế hoạch hành động này đã nhận định rằng, những trở ngại trong việc mở rộng nền KTTH trên các chuỗi cung ứng ở cấp độ toàn cầu chủ yếu là những khó khăn trong việc đóng vòng lặp về mặt địa lý và chất lượng.

Kế hoạch phác thảo ba con đường hành động, tất cả đều có khả năng mang lại tính tuần hoàn, chúng đại diện cho ba quan điểm khác nhau về cách biến chuỗi cung ứng toàn cầu thành các vòng cung cấp hoặc chu trình cung cấp, cụ thể:

- Thiết kế mạng, độ cấp thiết của vật liệu và đổi mới mô hình kinh doanh theo yêu cầu: Thiết lập mạng đảo ngược toàn cầu cho các sản phẩm và thành phần tức tập trung vào việc xây dựng các khả năng mạng đảo ngược để giải quyết thách thức phân tán địa lý. Điều này lý tưởng sẽ diễn ra ở cấp độ sản phẩm và thành phần, do đó nó sẽ được cụ thể theo ngành và yêu cầu hình thành liên kết dọc theo chuỗi giá trị hiện hành và các hoạt động liền kề, xếp tầng.

- Tổ chức lại và sắp xếp hợp lý các dòng nguyên liệu cần thiết: Tài nguyên đại diện cho mẫu số chung lớn nhất và phổ quát nhất cho các ngành và địa lý. Cuối cùng, chúng sẽ yêu cầu các vòng khép kín ở cấp độ toàn cầu để đạt được đủ tiềm năng. Chìa khóa này sẽ giải quyết sự phức tạp của vật liệu và tạo ra các kho nguyên liệu cần thiết đủ về quy mô tạo để tạo ra lợi ích kinh tế cho người tham gia.

- Đổi mới mô hình kinh doanh về phía nhu cầu: Điều này sẽ rất quan trọng để lồng ghép nền KTTH. Đổi mới sẽ là con đường thuận lợi để thiết lập, áp dụng và phối hợp rộng rãi các mô hình kinh doanh doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Các mô hình mới cũng sẽ là chìa khóa để khai thác xu hướng phát triển theo hướng hợp tác sử dụng các tài sản vật chất: nền kinh tế chia sẻ, giao dịch cũng như khắc phục khóa tuyến tính.

Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Ở Việt Nam, những yếu tố cấu thành của KTTH đã được thể hiện trong Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/06/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị đưa ra các định hướng về khuyến khích tái chế, sử dụng sản phẩm tái.

Đến năm 2020, lần đầu tiên thuật ngữ KTTH chính thức được giải thích tại khoản 59, điều 3 của Luật Bảo vệ Môi trường, cụ thể: “KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường”.

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Công nghiệp - Liên hợp quốc (UNIDO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu, Việt Nam đã thu hút được 72 DN tham gia vào 4 khu công nghiệp sinh thái ở Ninh Bình, TP. Cần Thơ và TP. Đà Nẵng (trong đó có 1 khu công nghiệp theo mô hình KTTH) đã áp dụng các công nghệ và các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, qua đó giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD.

Trong đó, hiện nay đã có một số mô hình triển khai thành công về KTTH như Heineken Việt Nam. Theo đó, mô hình KTTH RESOLVE của Heineken Việt Nam. Đây là phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm tạo ra giá trị bền vững cho môi trường, bao gồm giảm lượng khí thải carbon, bảo vệ tài nguyên nước và tối ưu hóa tài nguyên:

- Regenerate – Tái tạo: 5 trong số 6 nhà máy của Heineken Việt Nam hiện đang sử dụng năng lượng nhiệt tái tạo, không phát thải carbon.

- Sharing – Chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững cho toàn bộ nhân viên thông qua chương trình Văn phòng xanh.

- Optimizing – Tối ưu hóa tải trọng, sử dụng xe tải đạt chuẩn và tận dụng vận chuyển bằng xe lửa giúp giảm 2.000 tấn khí thải CO2.

- Loop – Tái sử dụng/Tái chế: Heineken Việt Nam hiện gần như không còn chất thải chôn lấp, nhờ tái sử dụng hoặc tái chế 99% chất thải và phụ phẩm. Chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi trở lại về nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để có thể tái sử dụng. Một chai thủy tinh có thể được tái sử dụng tới 20 lần, và một két bia có thể tái sử dụng trong 5-10 năm, sau đó sẽ được cán vụn và bán lại cho các công ty cung cấp thủy tinh và nhựa.

- Virtualize – Số hóa: Tiến hành chuyển đổi số hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Exchange – Chuyển đổi: Chuyển sang lắp đặt 100% tủ lạnh xanh thân thiện với môi trường, sử dụng quạt tiết kiệm năng lượng, đèn LED chiếu sáng, môi chất hydrocarbon và được trang bị hệ thống quản lý năng lượng. Điều này giúp giảm bớt chi phí vận hành cho khách hàng.

Ngoài Heineken, một số DN khác đang rất tích cực áp dụng mô hình KTTH như: Unilever Việt Nam, Ly and Man Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam… Theo Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam,  mô hình KTTH là mô hình hiện đại, phù hợp xu thế phát triển bền vững, đóng góp những giá trị tích cực về xã hội và bảo vệ môi trường. Những kinh nghiệm hay, những bài học tốt về KTTH Heineken cũng như một số DN khác đang áp dụng chắc chắn sẽ lan tỏa rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới.

Một số kiến nghị

Từ những bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu và thực tiễn phát triển KTTH ở Việt trong thời gian qua cho thấy, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của KTTH ở Việt Nam trong thời gian tới, cần phải tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế hóa KTTH: Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và DN là động lực trung tâm - đây là kinh nghiệm quốc tế mà nhiều quốc gia lựa chọn để phát triển KTTH. Do đó, ở Việt Nam hiện nay, cần phải bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện về Luật Bảo vệ môi trường và có các chính sách cụ thể, rõ ràng, cùng với các hình thức ưu đãi hợp lý về cơ chế, thủ tục hành chính, tài chính và chế tài minh bạch, rõ ràng... để khuyến khích và tạo hiệu ứng thúc đẩy sự phát triển của KTTH.

Thứ hai, đẩy mạnh thu hồi và phân loại vật liệu, rác thải để đánh giá và thiết kế mạng nghịch đảo nhằm tái chế và tái sử dụng vật liệu, rác thải. 

- Thu hồi và phân loại vật liệu, rác thải tại nguồn, mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất và thúc đẩy các thị trường thu hồi và cung cấp các sản phẩm tái chế. Đối với việc phát triển các thị trường này, vai trò của chi tiêu công xanh thường có tác động rất lớn, thậm chí Nhà nước phải tiên phong tham gia sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm này.

- Đẩy mạnh thu hồi và hạn chế sử dụng vật liệu khó tái chế cũng như một số loại hóa chất, túi nhựa mỏng… Điều này lý giải vì sao hầu hết các nước tại châu Âu và Mỹ, Canada, Nhật Bản… đều coi việc hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần là một nội dung quan trọng khi thực hiện KTTH.

- Tương ứng với từng loại vật liệu, rác thải cần thiết kế mạng nghịch đảo để tái chế và tái sử dụng. Việt Nam nên ưu tiên đầu tư triển khai KTTH ở rác thải nhựa và chất thải rắn vì đây là những chất thải đang gây lên tình trạng ô nhiễm môi trường lớn hiện nay.

- Tập trung phát triển KTTH ở các tài nguyên mà nhu cầu nền kinh tế lớn trong tương lai như nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) và tăng sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió…).

Thứ ba, tiếp tục sắp xếp lại và thu hút các DN vào khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghiệp cao theo sự liên kết các của dòng nguyên liệu. Trên cơ sở đó mới khắc phục được sự phân tán về địa lý, tạo ra các vòng lặp của nền KTTH để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ví dụ: Khi kinh doanh mía đường, thì bã mía là nguyên liệu để sản xuất giấy hoặc chế biến thức ăn gia súc; những cặn, bã của việc sản xuất mía đường lại là nguyên liệu cho ngành sản xuất phân bón… Như vậy, trong một khu công nghiệp phải tập trung DN ở các ngành có liên kết chặt chẽ với nhau như mía đường, sản xuất giấy, thức ăn gia súc, sản xuất phân bón…    

Thứ tư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTH: Các cơ sở dữ liệu này không chỉ là tập hợp thông tin về KTTH, mà còn giới thiệu các mô hình điển hình, sáng kiến tuần hoàn tốt để xem xét và nhân rộng. Đây cũng là dữ liệu quan trọng để theo dõi mức độ tuần hoàn của nền kinh tế như tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải, hiệu suất tuần hoàn tài nguyên… Ngoài ra, nó còn phục vụ cho việc quản lý và điều chỉnh việc thực hiện KTTH.

Thứ năm, thực hiện KTTH gắn cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Cần xây dựng phần mềm cài trên điện thoại, máy tính… cho phép người dùng tích điểm khi thực hiện thu gom các chất thải để được nhận khuyến mãi, hay chia sẻ tài nguyên trong hệ thống chuỗi giá trị trong kinh doanh. Điều này không chỉ khuyến khích người dân nâng cao nhận thức mà còn tham gia thu gom, tái chế rác thải, giảm chi phí cho DN.

Thứ sáu, tăng cường và đa dạng hoá nguồn đầu tư tài chính cho KTTH: Đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển KTTH từ nguồn ngân sách nhà nước, các dự án, chương trình tài trợ trong và ngoài nước, khuyến khích các DN của mọi thành phần kinh tế tham gia…

Thứ bảy, thí điểm và phát triển các dịch vụ cho thuê sản phẩm theo mô hình kinh doanh từ DN đến người tiêu dùng: Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của châu Âu và nhiều quốc gia khác phát triển dịch vụ cho thuê đối với các sản phẩm như máy tính, điện thoại, tủ lạnh… để kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất – người tiêu dùng nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng, thiết lập các vòng lặp về nguyên liệu và hạn chế ô nhiễm môi trường…

Kết luận

KTTH hứa hẹn mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực, do đó sự phối hợp hành động là chìa khóa để giải quyết các điểm rò rỉ tài nguyên và mạng lại sự thịnh vượng. Sự hợp tác giữa các bên liên quan, các ngành kinh tế và các vùng địa lý trở lên cần thiết để đưa ra các tiêu chuẩn, cơ chế cho việc sử dụng vật liệu, phương pháp chuyển đổi và thiết lập ngược. Với những lợi thế so sánh thúc đẩy việc xúc tiến hợp tác công tư trong nước và quốc tế sẽ thúc đẩy sự hiểu biết và hành động hướng tới nền KTTH. Hiện nay, sự phát triển KTTH của Việt Nam còn khá sơ khai, tư liệu tổng kết hiệu quả của các mô hình KTTH còn nhiều hạn chế. Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu và tổng kết kinh nghiệm về sự phát triển của mô hình KTTH của một số nước trên thế giới và Việt Nam, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển mô hình KTTH ở Việt Nam trong thời gian tới.            

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (1998), Chỉ thị số số 36/CT-TW ngày 25/06/1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

2. Bộ Chính trị (2004), Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

3. Quốc hội (2020),  Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14;

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017), Báo cáo môi trường quốc gia 2017 – Chuyên đề quản lý chất thải. Hà Nội: Nxb. Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam;

5. Nguyễn Thế Chinh (2020), Cơ hội và thách thức cho phát triển KTTH ở Việt Nam, Việt Nam. http://tapchitaichinh.vn;

6. Ngọc Quỳnh (2019), Lan tỏa mô hình KTTH tới DN nhựa. https://congthuong.vn; 

7. Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Trọng Hạnh (2019), Thực hiện KTTH: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam. VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 35, No. 4, tr.68 - 81;

8. Nguyễn Hoàng Nam (2020), KTTH và hướng hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Tạp chí Tài nguyên Môi trường, kỳ 2. tr.15 - 17;

9. Nguyễn Nhâm (2021), KTTH: Mô hình kinh tế lần đầu tiên được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII. https://vov.vn;

10. World Economic Forum. (2014), Towards the Circular Economy: Accelerating the scale-up across global supply chains. http://www.weforum.org;

11. Ellen MacArthur Foundation (2012), Towards the circular economy: Economic and business rationale for an accelerated transition. http://circularfoundation.org;

12. Ellen MacArthur Foundation (2015), Growth within: a circular economy vision for a competitive Europe. Ellen MacArthur Foundation, Stiftungsfonds für Umweltökonomie und Nachhaltigkeit (SUN). https://www.ellenmacarthurfoundation.org;

13. European Commission (2020), A new circular Economy Action Plan – For a cleaner and more competitive Europe. https://ec.europa.eu;

14. Heineken Việt Nam: KTTH kiến tạo giá trị bền vững. https://heineken-vietnam.com.vn.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2022