Kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

PV.

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra các chính sách về kinh tế tuần hoàn một cách chính thức ở cấp độ quốc gia. Trung Quốc đã tiến hành triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn với 3 cấp độ chính, gồm: (i) cấp độ vĩ mô (macro); (ii) cấp trung (meso) và (iii) cấp độ vi mô (micro) trong khâu xử lý và quy trình sản xuất phế liệu. Bài viết đánh giá về những kết quả đạt được trong mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Trung Quốc, qua đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra các chính sách về kinh tế tuần hoàn một cách chính thức ở cấp độ quốc gia.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra các chính sách về kinh tế tuần hoàn một cách chính thức ở cấp độ quốc gia.

Theo Báo cáo “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến việc phát triển kinh tế tuần hoàn từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX.

Hội đồng nhà nước Trung Quốc đã nhận thức những rủi ro về kinh tế và môi trường trong việc khai thác tài nguyên quá mức ở quốc gia này, đồng thời cho rằng nền kinh tế tuần hoàn là một biện pháp chủ đạo để ứng phó với những rủi ro này.

Tiếp đó, Uỷ ban Phát triển và Cải cách quốc gia cùng các cơ quan liên quan khác đã xây dựng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy các mô hình cộng sinh công nghiệp. Kèm theo đó, Trung Quốc cũng ban hành chính sách về thuế, tài chính và hình thành một quỹ hỗ trợ để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn.

Năm 2005, Trung Quốc đã chính thức thừa nhận kinh tế tuần hoàn là mô hình giữ vai trò chủ đạo trong chiến lược ứng phó với những rủi ro về kinh tế và môi trường, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng và khai thác tài nguyên. Theo đó, các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn và các mô hình cộng sinh công nghiệp được Chính phủ Trung Quốc quan tâm thúc đẩy phát triển.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc (giai đoạn 2006 - 2010) đã dành riêng 1 chương để đề cập đến kinh tế tuần hoàn. Năm 2008, lần đầu tiên Luật Bảo vệ nền kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc được ban hành. Luật quy định các cơ quan, ban hành ở cấp địa phương phải cân nhắc đến những vấn đề liên quan trong các chiến lược đầu tư và phát triển, trong đó nhắm tới các ngành than, sắt, điện tử, hoá chất và xăng dầu. Giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế tuần hoàn được nâng lên thành một chiến lược phát triển quốc gia với mục tiêu cụ thể đạt mức tái sử dụng 72% chất thải rắn công nghiệp và gia tăng 15% hiệu suất nguồn lực vào năm 2015.

Năm 2013, Chiến lược quốc gia để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn (chiến lược đầu tiên trên thế giới) được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc phê chuẩn với mục tiêu: Đến năm 2015 tăng hiệu suất sử dụng năng lượng (GDP trên đơn vị năng lượng) 18,5% so với năm 2010; nâng cao hiệu suất sử dụng nước 43%; ngành công nghiệp tái chế đạt doanh thu 276 tỷ USD.

Năm 2017, Chương trình chính sách kinh tế tuần hoàn được thông qua với việc mở rộng trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất trong việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo. Năm 2018, Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng kinh tế tuần hoàn với EU. Năm 2019, 200 doanh nghiệp của Trung Quốc và thế giới đã cam kết Hợp tác liên lục địa về nhựa.

Đề đảm bảo thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, Trung Quốc đã thành lập Tổ chức và giám sát thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Tổ chức này có sự tham gia của Uỷ ban Xây dựng và Phát triển kinh tế Trung Quốc và Tổng cục Môi trường Trung Quốc, gồm 3 khâu: (i) kinh tế tuần hoàn, vòng tròn nhỏthực hiện ở quy mô nhà máy và khu công nghiệp; vòng tuần hoàn vừa ở quy mô lớn hơn và vòng tuần hoàn lớn thực hiện trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái quốc gia về xử lý và tái sản xuất chất thải.

Trung Quốc đã tiến hành triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn với 3 cấp độ chính, gồm: (i) cấp độ vĩ mô (macro); (ii) cấp trung (meso) và (iii) cấp độ vi mô (micro) trong khâu xử lý và quy trình sản xuất phế liệu.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Trung Quốc có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam cần nâng cao nhận thức về vấn đề sẽ phát sinh đối với nền kinh tế tuyến tính nói chung và mô hình kinh doanh truyền thống nói riêng đó là vấn đề nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ được giải quyết nếu mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng với quy mô phổ biến. Việc áp dụng các mô hình giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế là một trong những bước quan trọng để hướng tới trạng thái đầy đủ về nguồn lực được kéo dài.

Bên cạnh đó, vấn đề về môi trường hiện nay cũng sẽ được giải quyết một phần quan trọng khi áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, chú trọng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một trong những trọng tâm có ý nghĩa quan trọng ở góc độ chủ trương, chính sách. Từ đó, có cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, trong đó có kinh tế tuần hoàn một cách tổng thể ở phạm vi quốc gia với khung thể chế phù hợp.

Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp luật và chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong các tổ chức kinh doanh là rất cần thiết. Tại Việt Nam cần phải có khung thể chế đồng bộ, cụ thể, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước.

Kinh nghiệm nhiều nước đã và đang thực hiện kinh tế tuần hoàn đều có luật và quy định pháp luật rõ ràng. Việt Nam cần có lộ trình và tiến tới xây dựng luật cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.