Kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo an sinh xã hội và hàm ý cho Việt Nam


Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) là chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, các trụ cột ASXH được quan tâm, thể hiện rõ quan điểm phát triển kinh tế gắn với sự tiến bộ và công bằng xã hội. Đặc biệt, trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường, hoàn thiện hệ thống ASXH là yêu cầu cấp thiết. Bài viết khái quát kinh nghiệm về đảm bảo ASXH của Mỹ, Nhật Bản, từ đó rút ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Nhiều năm nay, các trụ cột ASXH được quan tâm, thể hiện rõ quan điểm phát triển kinh tế gắn với sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Nhiều năm nay, các trụ cột ASXH được quan tâm, thể hiện rõ quan điểm phát triển kinh tế gắn với sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Kinh nghiệm của Mỹ, Nhật Bản  về đảm bảo an sinh xã hội

Tại Mỹ

Phải nói rằng, Mỹ là nước có các chương trình ASXH “kiểu mẫu” so với các quốc gia trên thế giới. Có thể kể tới các chương trình ASXH như: Bảo hiểm hưu trí, tử tuất và bảo hiểm tàn tật; Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Bảo hiểm y tế (BHYT) và phúc lợi y tế; ASXH cho người bản địa. Trong các chương trình ASXH trên, thì Chương trình ASXH lớn nhất là bảo hiểm hưu trí, tử tuất và tàn tật được Mỹ duy trì triển khai hiệu quả để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng.

Cụ thể, để được hưởng lương hưu, người lao động phải đảm bảo điều kiện đủ từ 62 tuổi, độ tuổi nhận lương hưu đầy đủ (đối với những người sinh năm 1960 trở lại đây là 67 tuổi) và độ tuổi được hưởng mức lương hưu cao hơn (70 tuổi), cũng như xây dựng khái niệm “trì hoãn nhận bảo hiểm”. Điều này giúp người lao động có thêm lựa chọn, hoặc tiếp tục cống hiến, "trì hoãn nhận bảo hiểm" đến năm đủ 70 tuổi để hưởng mức lương hưu cao hơn.

Đối với chương trình bảo hiểm tử tuất, người thụ hưởng không được hưởng trợ cấp một lần, mà chỉ được hưởng trợ cấp hàng tháng với khoản tiền khoảng 255 USD. Tùy vào tình hình thực tế và nhu cầu hưởng của người thụ hưởng để áp dụng thực hiện trên thực tiễn.

Đối với chương trình bảo hiểm tàn tật, đối tượng thụ hưởng là người lao động có tham gia đóng bảo hiểm tàn tật và không may bị tàn tật trong mọi điều kiện, hoàn cảnh đều được hưởng chế độ hỗ trợ từ Chương trình bảo hiểm tàn tật theo quy định.

Đối với Chương trình bảo hiểm thất nghiệp, mức hưởng trợ cấp tối đa mà người dân Mỹ nhận được cao hơn rất nhiều so với mức trợ cấp thất nghiệp ở các quốc gia khác. Theo đó, người lao động bị thất nghiệp do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có thể nhận được số tiền trợ cấp lên tới 1.000 USD/tuần.

Chính sách này cho thấy, Mỹ rất quan tâm đến đời sống của người dân, vấn đề việc làm, tình trạng thất nghiệp của người lao động, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế của nước này. Tuy nhiên, Chương trình này cũng có hạn chế là người lao động ỷ lại, trông chờ vào hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp, triệt tiêu động lực làm việc, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh các chương trình ASXH trên, nhằm tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp cận các dịch vụ xã hội để ổn định cuộc sống, Mỹ cũng triển khai các Chương trình ASXH đối với người có thu nhập thấp như: Phúc lợi y tế Medicaid; thu nhập an sinh bổ sung; hỗ trợ tạm thời cho gia đình khó khăn; chương trình từ thiện… 

Tại Nhật Bản

Nhật Bản là nước trong khu vực châu Á quan tâm đến vấn đề ASXH từ rất sớm. Nước này đã đưa vấn đề đảm bảo ASXH vào Hiến pháp năm 1946. Cụ thể, tại Điều 25, Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản quy định: Tất cả các công dân đều có quyền được hưởng cuộc sống với mức tối thiểu về văn hóa và sức khỏe.

Từ năm 1946 đến nay, Nhật Bản đã hình hành hệ thống ASXH theo hướng linh hoạt, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, cũng như tiến bộ, công bằng xã hội. Trong mô hình này, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp ASXH thông qua hệ thống bảo hiểm và trợ cấp xã hội. Trên thực tế, hệ thống ASXH của Nhật Bản gồm các chính sách sau: BHXH; bảo hiểm việc làm; bảo hiểm chăm sóc sức khỏe; trợ giúp xã hội.

Cụ thể, đối với chính sách BHXH, Chính phủ Nhật Bản có chính sách triển khai phù hợp trong hệ thống ASXH. Theo đó, trong chính sách BHXH gồm chế độ bảo hiểm hưu trí, BHYT và bảo hiểm lao động (bảo hiểm việc làm, bảo hiểm bồi thường tai nạn cho người lao động).

Hiện nay, ở nước này, bảo hiểm hưu trí là chế độ quan trọng nhất trong chính sách BHXH. Đây là chế độ BHXH đa tầng với hai phương thức là hưu trí nhà nước và hưu trí tư nhân. Đối với chính sách bảo hiểm việc làm, chức năng cơ bản của chính sách này là hỗ trợ tiền cho người làm công ăn lương trong trường hợp bị mất việc làm và giúp duy trì việc làm ổn định trong xã hội.

Quỹ Bảo hiểm việc làm ở Nhật Bản được hình thành trên cơ sở đóng góp của người lao động, chủ sử dụng lao động và ngân sách nhà nước. Trong những năm gần đây, do nền kinh tế bị suy thoái, Quỹ Bảo hiểm việc làm của Nhật Bản gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chi trả chế độ cho người thụ hưởng, do phải đối diện với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tình trạng mất cân đối giữa người đóng và người hưởng, giữa người già thất nghiệp và người trẻ...

Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến việc đảm bảo ASXH của nước này. Bên cạnh chính sách trên, Chính phủ Nhật Bản thực hiện chính sách bảo hiểm chăm sóc sức khỏe thông qua chế độ BHYT và chế độ bảo hiểm chăm sóc lâu dài. Điều đáng chú ý, ở Nhật Bản quy định người dân bắt buộc phải lựa chọn tham gia một trong hai loại hình bảo hiểm này.

Khi người dân lựa chọn tham gia một trong hai loại hình này sẽ được tính phí bảo hiểm theo mức lương và việc chi trả chế độ căn cứ vào từng loại hình bảo hiểm. Theo cách tính này, mức chi trả chăm sóc sức khỏe bình quân bằng khoảng 22% lương trung bình tháng, cộng thêm 1% chi phí nếu trên mức quy định đối với mỗi người bệnh...

Như vậy, có thể thấy, những thành tựu đạt được trong thực hiện chính sách ASXH dựa vào cộng đồng đã giúp Nhật Bản trở thành "hình mẫu" cho nhiều quốc gia trên thế giới. Thành công nổi bật nhất trong thực hiện chính sách ASXH ở nước này là góp phần duy trì sự ổn định, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Qua nghiên cứu chính sách ASXH của Mỹ, Nhật Bản có thể thấy, việc đảm bảo ASXH là chủ tương, nhiệm vụ lớn được Chính phủ các nước này đặc biệt quan tâm để đảm bảo thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, do điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của mỗi nước khác nhau, nên tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam như sau:

Một là, tiếp tục rà soát để có chính sách giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, thậm chí xuống 10 năm như Mỹ để tăng tính hấp dẫn cho người tham gia BHXH; đồng thời, có chính sách quy định chặt chẽ với các trường hợp rút, hưởng chế độ BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH.

Ở Mỹ, người lao động đều phải tham gia bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam, song người lao động chỉ nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng, không có chính sách BHXH một lần.

Hai là, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế thực hiện chính sách ASXH. Mô hình ASXH ở Nhật Bản cho thấy, Nhà nước luôn thể chế hóa nhiệm vụ bảo đảm ASXH thành chính sách, pháp luật cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề ASXH thống nhất, hiệu lực và bảo đảm sự công bằng trong xã hội.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, Việt Nam nên tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống ASXH đảm bảo tính linh hoạt, toàn diện, qua đó tăng tính hấp dẫn cho người tham gia các loại hình bảo hiểm như BHXH, BHTN và BHYT; đồng thời, nghiên cứu hình thành khung pháp luật về ASXH.

Ba là, hệ thống chính sách ASXH đa tầng, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt và có biện pháp phù hợp nhằm thực hiện xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ ASXH. Đặc trưng của hệ thống ASXH ở Nhật Bản là một hệ thống đa tầng và thiết kế linh hoạt, với nhiều chính sách hỗ trợ và tác động qua lại lẫn nhau.

Ở Việt Nam, có thể nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng chính sách ASXH của Nhật Bản tùy theo điều kiện, tình hình thực tế ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay...

*Theo ThS. Nguyễn Thuỵ Phương Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2022.