Kinh nghiệm quốc tế về mô hình PPP: Cần cú hích pháp lý

Theo daibieunhandan.vn

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nhân tố tiên quyết bảo đảm thành công cho mô hình PPP là cần một khung pháp lý hoàn chỉnh, đầy đủ và minh bạch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Qua một thời gian áp dụng, hầu hết các nước đều ban hành luật để quản lý mô hình. Chẳng hạn ở Đức, năm 2005, Chính phủ đã ban hành Luật Thúc đẩy các dự án PPP. Theo các chuyên gia, sự ra đời của Luật này được đánh giá là có tác động tích cực đến triển khai và nhân rộng mô hình PPP ở Đức.

Luật đã đưa ra khung pháp lý chung cho các dự án PPP mà thực chất là một văn bản tổng thể chứa đựng những điều chỉnh/sửa đổi và quy định thuộc các bộ luật và văn bản pháp lý khác nhau liên quan tới PPP.

Trước khi ban hành Luật Thúc đẩy các dự án PPP năm 2005, các văn bản pháp lý liên quan đến đầu tư theo phương thức PPP tại Đức là: Luật Chống hạn chế cạnh tranh; Nghị định về mua sắm công; Luật về việc tư nhân xây dựng và cấp vốn xây dựng đường quốc lộ liên bang năm 1994 (về mặt pháp lý, đây được coi là văn bản đầu tiên tạo cơ sở pháp lý cho các dự án PPP) và sửa đổi năm 2004; Luật Ngân sách liên bang; Luật Thuế chuyển giao bất động sản; Luật Thuế đất đai và Luật Đầu tư.

Tình hình gia tăng số lượng và quy mô của các dự án PPP đã đòi hỏi Đức phải sớm hoàn thiện khung thể chế cho loại hình này. Theo đó, sau khi ban hành Luật Thúc đẩy các dự án PPP năm 2005, Đức đã sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phương thức PPP.

Vương quốc Anh cũng là nước đi tiên phong trong đối tác công - tư với các chương trình tư nhân hóa nổi tiếng của Thủ tướng Margaret Thatcher. Với quan điểm chỉ những gì tư nhân không thể làm hoặc không thể tham gia thì nhà nước mới trực tiếp làm, nhà nước khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư ở hầu hết các lĩnh vực dưới hình thức khoán gọn cho tư nhân đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất cho công trình rồi thuê lại. Đánh giá chất lượng các dự án PPP ở Anh cho thấy, mô hình này được triển khai khá hiệu quả.

Yếu tố tạo nên thành công là nhờ Chính phủ Anh đã có những cải cách kịp thời, bảo đảm phát triển mô hình PPP bao gồm: Khuôn khổ pháp lý và thể chế phù hợp ở cấp quốc gia, khu vực và thành phố; có công cụ đánh giá thỏa đáng gắn với quá trình quản lý chương trình bảo đảm dự án hoàn thành đúng hạn mà không ảnh hưởng đến chất lượng; có cơ quan đặc trách, ví dụ tại Ủy ban Hợp tác của Vương quốc Anh và tổ công tác của Bộ Tài chính được thể chế hóa nhằm hỗ trợ Chính phủ giám sát hoặc hỗ trợ chuyên môn cho các bộ, ngành cung cấp hạ tầng cơ sở và dịch vụ công; trao quyền cho văn phòng Kiểm toán quốc gia để giám sát độc lập các dự án PPP.

Tại Nam Phi, thủ tục và các quy định PPP tập trung và điều chỉnh bởi Luật Quản lý tài chính công (PFMA) ban hành năm 1999 để điều chỉnh quản lý tài chính của Chính phủ và cấp tỉnh. Mục tiêu của PFMA là bảo đảm sử dụng hợp lý quỹ, xác định trách nhiệm của bên liên quan trong vấn đề tài chính. Việc xử lý được quản lý bởi Kho bạc ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trung tâm PPP đã được thiết lập để hướng dẫn các cơ quan cấp tỉnh và khu vực tư nhân liên quan đến quy trình và quy định PPP tham gia.

Tại Hàn Quốc, mô hình PPP chính thức được triển khai năm 1994 cùng với việc ban hành Luật Thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng. Khi Luật được áp dụng vào thực tế, có hơn 100 dự án trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở đã được triển khai theo hình thức PPP. Tuy nhiên, trong 4 năm đầu, chỉ có 42 dự án hoàn thành. Nghiên cứu về vấn đề này đã chỉ ra các thiếu sót trong Luật năm 1994 và một đạo luật về đối tác công - tư mới được ban hành vào năm 1999 thay thế các luật cũ.

Luật này đã cải thiện các hình thức hợp đồng, cách thức xử lý các dự án đơn lẻ, đồng thời quy định bắt buộc phải nghiên cứu tính khả thi khi triển khai dự án và hệ thống xử lý rủi ro khác, thành lập một Trung tâm nghiên cứu triển khai PPP (PICKO). Trung tâm này được sáp nhập với Trung tâm Quản lý đầu tư hạ tầng cơ sở tư nhân (PIMAC) sau khi Luật về Đối tác công - tư được sửa đổi năm 2005.

Theo quy định của Luật về Đối tác công - tư, PIMAC ban hành kế hoạch thường niên về PPP, trong đó có những chỉ dẫn cụ thể và thực tế để ứng dụng các dự án PPP, đồng thời ban hành Cẩm nang hướng dẫn thực hiện PPP nhằm tạo sự minh bạch, thu hút sự quan tâm của khu vực đầu tư tư nhân.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, để triển khai PPP thành công, cần cú hích về pháp lý. Việc xây dựng một luật quản lý PPP thống nhất sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân, cho họ khuôn khổ pháp lý để họ biết được phạm vi và quyền hạn của mình, giảm thiểu rủi ro do các quy định pháp lý, từ đó khuyến khích sự tham gia của đầu tư tư nhân cùng với đầu tư công thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ công.

Khuôn khổ điều tiết hay pháp luật liên quan đến PPP đòi hỏi phải tương đối ổn định, rõ ràng, và có năng lực thực thi, bởi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư dựa vào hợp đồng và hợp đồng này thường diễn ra trong khoảng thời gian dài.