Nghiên cứu, sửa đổi chính sách để thu hút đầu tư theo hình thức PPP

PV.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận số 308/TB-VPCP ngày 18/07/2017 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Thời gian tới, cần phải tập trung nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư PPP. Nguồn: internet
Thời gian tới, cần phải tập trung nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư PPP. Nguồn: internet
Thông báo kết luận số 308/TB-VPCP nêu rõ, trong thực tiễn triển khai các dự án PPP còn một số vướng mắc như: Chịu tác động của nhiều luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật xây dựng...; sự không rõ ràng giữa PPP và khái niệm "xã hội hóa" đầu tư; một số quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP chưa phù hợp; khó khăn về nguồn vốn đầu tư...; đặc biệt là năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế cả về năng lực tài chính và kinh nghiệm.
Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới cần phải tập trung nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; thống nhất ý chí huy động các nguồn lực nói chung để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của cả nước. 
Về định hướng sửa đổi các Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và số 30/2015/NĐ-CP, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các Thành viên Ban chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo sửa đổi hai Nghị định này, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ trong tháng 8/2017.
Các bộ, ngành và địa phương phải ưu tiên dành nguồn lực ngân sách để hỗ trợ các dự án có khả năng đầu tư PPP; sau khi không đấu thầu được nhà đầu tư mới xem xét hình thức đầu tư công; Nghiên cứu rút ngắn thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để đẩy mạnh hỗ trợ chuẩn bị các dự án ưu tiên từ nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư (PDF).
Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn dự kiến được phân bổ và các nguồn lực khác, tiếp tục rà soát thứ tự ưu tiên để lập và công bố danh mục dự án PPP làm cơ sở mời gọi đầu tư; Chủ động nghiên cứu giải pháp thu hút đầu tư trên nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá cụ thể nhu cầu vốn tín dụng cho các dự án PPP trong giai đoạn tới, đề xuất các giải pháp khả thi để thu xếp vốn.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu các cơ chế bảo lãnh để áp dụng thí điểm cho một số dự án PPP giao thông quan trọng; dự thảo cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án PPP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2017...
Mô hình đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Việt Nam đã được triển khai từ 20 năm trước (Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997), đến nay đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, tiếp cận với thông lệ quốc tế về mô hình đầu tư PPP.