Quy định về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư PPP
Ngày 21/7/2017, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 75/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 55/2016/TT-BTC quy định về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 05/9/2017.
Theo đó, Thông tư quy định về mức lãi suất vốn vay được tính trong các trường hợp cụ thể như sau:
Thứ nhất, trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, theo Thông tư quy định mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn.
Thứ hai, mức lãi suất vốn vay được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư.
Riêng với mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận Thông tư quy định phải đảm bảo theo các nguyên tắc sau:
Không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án PPP (hợp đồng dự án) trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án. Mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước hoặc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Trường hợp số phiên đầu thầu phát hành thành công trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án trong vòng 06 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án nhỏ hơn 10 phiên, mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng trong thời hạn 06 tháng trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.
Đồng thời, không vượt quá mức lãi suất trung bình cho vay trung hạn và dài hạn của 04 ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.
Thứ ba, Thông tư quy định đối với Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian hợp đồng dự án được xác định như sau:
Hợp đồng dự án có thời gian thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 10 năm: sử dụng lãi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 10 năm để xác định mức lãi suất vốn vay.
Hợp đồng dự án có thời gian thực hiện trên 10 năm và đến 15 năm: sử dụng lãi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 15 năm để xác định mức lãi suất vốn vay.
Hợp đồng dự án có thời gian thực hiện trên 15 năm: sử dụng lãi suất trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 20 năm để xác định mức lãi suất vốn vay.
Thứ tư, mức lãi suất vốn vay quy định trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư và Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian hợp đồng dự án được xác định là căn cứ để tính toán lãi suất vốn vay trong Đề xuất dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu để cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ về 3 trường hợp dự án được phép chuyển tiếp, bao gồm:
Một là, các dự án đã ký hợp đồng dự án và các phụ lục hợp đồng dự án trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng dự án và các phụ lục hợp đồng dự án đã ký.
Hai là, dự án có đề xuất dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành. Trường hợp này, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ quy định của Thông tư này rà soát điều chỉnh phương án tài chính để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Ba là, với dự án có hợp đồng dự án và các phụ lục hợp đồng dự án đang đàm phán, chưa ký đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ quy định của Thông tư này để rà soát điều chỉnh, cập nhật các điều, khoản liên quan trong hợp đồng dự án.