Kinh nghiệm quốc tế về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Nguyễn Thụy Phương

Qua khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho thấy, Nhà nước đóng vai trò quyết định tới việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội thông qua hoạch địnhchính sách và hình thành các quỹ Bảo hiểm xã hội. Từ kinh nghiệm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội của các nước có thể rút ra bài học cho Việt Nam trong triển khai công tác này.

Nhà nước đóng vai trò quyết định tới việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội thông qua hoạch định chính sách.
Nhà nước đóng vai trò quyết định tới việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội thông qua hoạch định chính sách.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo chiều ngang

Tại Thái Lan: Chính phủ nước này đã hình thành Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) do Văn phòng An sinh Xã hội thực hiện.

Do phạm vi bao phủ những người trong độ tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp còn hạn chế, vì số lượng người lao động trong khu vực không chính thức ở mức cao kết hợp với thực tế, do các điều kiện đánh giá nên hệ thống này đã phải mất ít nhất 15 năm để chi trả khoản lương hưu đầu tiên.

Chính phủ Thái Lan đã xây dựng, hình thành Quỹ Hưu trí thẩm tra thu nhập (Phụ cấp cao tuổi), sau này chuyển thành Quỹ Hưu trí toàn dân.

Các đối tượng hưu trí trong Quỹ Hưu trí toàn dân có thể cộng dồn lương hưu từ Quỹ này qua Quỹ Hưu trí thẩm tra thu nhập và trong bối cảnh mức chi trả ban đầu của Quỹ Hưu trí toàn dân còn thấp. Đây là một biện pháp quan trọng đảm bảo sự phù hợp của trợ cấp.

Tại Nhật Bản: Nước này đã xây dựng một hệ thống hưu trí có phạm vi bao phủ toàn dân dựa trên hệ thống đa cấp độ gồm nhiều chương trình công và
tư.

Cấp độ thứ nhất là Quỹ Hưu trí quốc gia, Quỹ hưu trí cơ bản có sự tham gia của mọi người dân trong độ tuổi lao động. Việc tham gia Quỹ này là quy định bắt buộc với tất cả mọi người và quỹ chi trả trợ cấp xác định dựa trên hệ thống hưu trí.

Các hệ thống hưu trí của Nhật Bản quản lý đối tượng bảo hiểm theo 3 nhóm dựa trên điều kiện của mỗi cá nhân.

- Đối tượng bảo hiểm nhóm 1 gồm: Toàn bộ cư dân đăng ký hợp pháp tại Nhật Bản trong độ tuổi trên 20 và dưới 60. Những người làm nghề tự do,
nông dân, học sinh, sinh viên, những người thất nghiệp cũng nằm trong nhóm này.

- Đối tượng bảo hiểm nhóm 2 gồm: Người lao động trong lĩnh vực tư nhân và làm việc cho Chính phủ.

- Đối tượng bảo hiểm nhóm 3 gồm: Bạn đời phụ thuộc của đối tượng bảo hiểm nhóm 2 trong độ tuổi trên 20 và dưới 60.

Quỹ Hưu trí quốc gia được áp dụng cho tất cả cư dân trong độ tuổi từ 20 tới 60 (Nhóm 1, 2 và 3). Đây là chương trình bắt buộc đối với tất cả người dân bất kể thu nhập hay tài sản và cung cấp cho người dân các khoản trợ cấp hưu trí, tử tuất và trợ cấp khuyết tật.

Các khoản trợ cấp được quy định theo mức cố định: 65.000 Yên Nhật/1 tháng (trợ cấp hưu trí dựa trên 40 năm đóng góp hoặc được miễn
đóng góp).

Mức trợ cấp này sẽ được điều chỉnh giảm nếu thời gian tham gia dưới 40 năm. Mức trợ cấp được điều chỉnh hàng năm theo tình trạng lạm phát và mức tăng thu nhập của năm trước đó.

Để được hưởng trợ cấp hưu trí, mỗi người dân phải tham gia đóng phí hoặc được miễn đóng phí trong khoảng thời gian không dưới 10 năm. Độ tuổi nghỉ hưu hiện tại là 65.

Quỹ Hưu trí quốc gia được thực hiện bắt buộc đối với mọi người dân trong độ tuổi từ 20 - 64, nhưng cũng quy định miễn đóng phí cho một số trường hợp. Những đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí cơ bản cho người khuyết tật và hỗ trợ từ cộng đồng được miễn không phải đóng phí.

Quy định này áp dụng đối với những người thu nhập thấp và có thể được hưởng lợi từ chính sách miễn, giảm đóng góp. Những người này có thể được miễn đóng góp toàn bộ hoặc miễn giảm tuỳ theo mức thu nhập và số thành viên trong gia đình.

Tại Hàn Quốc: Nước này hình thành Quỹ Hưu trí quốc gia vào năm 1988. Theo đó, Quỹ Hưu trí quốc gia quy định đóng bảo hiểm cho hai nhóm đối tượng gồm: Người đóng bảo hiểm bắt buộc và người đóng bảo hiểm tự nguyện.

Đối với nhóm người đóng bảo hiểm bắt buộc là đối tượng người lao động tự do, nông dân và ngư dân. Đối với người đóng bảo hiểm tự nguyện gồm các đối tượng không nằm trong lực lượng lao động như học sinh, sinh viên và đối tượng hưởng hỗ trợ của cộng đồng.

Quỹ Hưu trí quốc gia có thể được kết hợp với Quỹ Hưu trí cơ bản khi các khoản trợ cấp trong Quỹ Hưu trí quốc gia thấp hơn ngưỡng quy định trong
Quỹ Hưu trí cơ bản.

Vấn đề này đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho các đối tượng hưu trí có mức lương hưu thấp như quy định trong Quỹ Hưu trí quốc gia.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo chiều dọc

Tại Thái Lan: Bên cạnh khoản trợ cấp hưu trí toàn dân lấy từ ngân sách thuế của Bộ An ninh Con người và Phát triển Xã hội thì hệ thống bảo trợ còn có cấp độ thứ hai bao gồm Quỹ DB bắt buộc do Văn phòng An ninh Xã hội thuộc Bộ Lao động quản lý, nhắm chủ yếu tới người lao động trong lĩnh vực chính thức.

Những người lao động tự do có thể được Văn phòng này đóng bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện và chỉ được hưởng một khoản hưu trí trọn gói. Cấp độ thứ ba trong hệ thống hưu trí bao gồm các chế độ bổ sung dưới dạng đóng góp tự nguyện vào các tài khoản tiết kiệm cá nhân.

Năm 2015, Chính phủ Thái Lan đã áp dụng chế độ tài khoản tiết kiệm tự nguyện quốc gia do Bộ Tài chính quản lý với các khoản đóng góp được Chính phủ trợ cấp dành cho những người không thuộc diện bảo hiểm theo quy định của chế độ trợ cấp cho người lao động chính thức.

Trong trường hợp của công chức và một số doanh nghiệp (thường là các doanh nghiệp lớn) thì vấn đề này lại nằm trong các điều kiện thoả thuận hợp đồng và thông thường thì người chủ lao động và người lao động cùng chia sẻ khoản đóng góp.

Tại Nhật Bản: Chế độ hưu trí của nước này bao gồm Quỹ Bảo hiểm hưu trí người lao động dành cho người lao động trong lĩnh vực tư nhân và Quỹ Hỗ
trợ hưu trí cho công chức.

Năm 2015, hai quỹ này được hợp nhất thành Quỹ Bảo hiểm hưu trí người lao động để giúp hài hoà cách đối xử với người lao động ở khu vực công và tư. Đây là một quỹ mức hưởng xác định được tính toán dựa trên mức lương trung bình trọn đời của người được bảo hiểm, số tháng được bảo hiểm và hệ số thay đổi phụ thuộc vào năm sinh của người được bảo hiểm.

Ngoài ra, người được bảo hiểm có ít nhất 20 năm đóng góp có thể nhận phần bổ sung của người phụ thuộc trong trường hợp thu nhập của người bạn đời không vượt quá 8.500 Yên Nhật. Khoản đóng góp được kỳ vọng ở mức 18,3% vào năm 2017.

Tỷ lệ phần trăm này bao gồm mức đóng góp vào chế độ hưu trí quốc gia và chương trình bảo hiểm hưu trí người lao động và được chia giữa người được bảo hiểm và người sử dụng lao động. Độ tuổi hưu trí đang dần tăng lên là 65 vào năm 2025 đối với nam giới và 60 đối với phụ nữ.

Quỹ Hưu trí người lao động do người sử dụng lao động quản lý, vận hành nhưng phần lớn nguồn tài chính đến từ Quỹ Bảo hiểm hưu trí người lao động. Cùng với đó cũng có những chương trình hưu trí cá nhân được vận hành bởi các tổ chức như tập đoàn bảo hiểm tư nhân và ngân hàng uỷ thác...

Một số hàm ý cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển đối tượng BHXH của các quốc gia trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Một là, Nhà nước đóng vai trò quyết định trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH thông qua quản lý các quỹ BHXH và xây dựng các cơ chế, chính sách đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Hai là, việc mở rộng diện bao phủ hệ thống hưu trí quốc gia cần phải kết hợp nhiều cơ chế tài chính khác nhau, để giải quyết vấn đề của các nhóm khác nhau và các mục tiêu của hệ thống hưu trí đa tầng.

Việc kết hợp các chế độ trợ cấp khác nhau và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhiều tầng cung cấp các phương án khác nhau có thể hỗ trợ thúc đẩy, mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống theo cả chiều dọc và chiều ngang.

Ba là, để mở rộng diện bao phủ BHXH nói riêng và diện bao phủ an sinh xã hội nói chung, cần nghiên cứu bổ sung quy định mở rộng cả đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (chính thức việc làm phi chính thức, mở rộng sang nhóm các chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp quy mô nhỏ, các hợp tác xã, và nhóm người lao động làm việc không trọn thời gian).

Bốn là, xây dựng, sửa chính sách BHXH theo hướng hấp dẫn hơn, đảm bảo đơn giản hóa và hiệu quả các thủ tục đăng ký và giải quyết các chế độ, quyền lợi về BHXH, đảm bảo tính hấp dẫn của các gói dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về những lợi ích của việc tham gia BHXH để được hưởng lương hưu khi về già.