Đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với thực tiễn hiện nay
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ở mỗi thời điểm nhất định được đưa ra nhằm điều tiết, định hướng sản xuất và tiêu dùng. Theo Chủ tịch VTCA, việc nghiên cứu đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB là phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.
Phóng viên: Thưa bà, Bộ Tài chính đang xây dựng đề cương dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế. Bà đánh giá như thế nào về đề xuất này trong bối cảnh hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Trước hết phải nói lại lịch sử, vấn đề đưa nước giải khát có đường cũng như các loại đồ uống đại mạch, nước giải khát không đường… đã được đưa vào dự kiến Luật Thuế TTĐB trước đây, chứ không phải bây giờ mới đưa ra.
Một số quốc gia trên thế giới cho rằng, các loại đồ uống này ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Theo khảo sát đặc biệt là đối với trẻ em, có một số nước giải khát tạo hương vị, gây cảm giác rất muốn uống các sản phẩm đó, dẫn đến uống nhiều gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì hoặc một số bệnh khác.
Vì vậy, trước đây chúng ta đã đặt ra vấn đề cần đánh thuế TTĐB các sản phẩm này. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc thì đã xem xét lại thời gian áp dụng để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Đến thời điểm hiện nay, chúng ta thấy rằng, sức khoẻ cộng đồng thay đổi cùng với chế độ dinh dưỡng chú trọng đến vấn đề hạn chế những đồ ăn, đồ uống có hại cho sức khoẻ, đảm bảo sức khoẻ lành mạnh, an toàn. Vì vậy, chúng ta tiếp tục đề cập đến vấn đề hạn chế các sản phẩm có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, trong đó có đồ uống.
Quan điểm của cá nhân tôi là khi chúng ta đưa ra chính sách đều có lý do và cân nhắc theo từng thời điểm. Riêng thuế TTĐB, loại thuế này mang tính chất riêng với mỗi quốc gia tại mỗi thời điểm nhất định để đưa các chính sách thuế điều tiết ở mức hợp lý nhằm định hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm đó.
Do đó, tôi cho rằng, việc nghiên cứu đưa sản phẩm nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong dự án Luật Thuế TTĐB lần này là phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.
Phóng viên: Một số doanh nghiệp cho rằng, thu thuế với nước giải khát có đường sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Quan điểm của bà như thế nào về những lo ngại này so với những lợi ích an sinh xã hội mà chính sách đang hướng tới?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Khi một chính sách được đưa ra đều mong muốn đưa vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất, do đó khi xây dựng chính sách, các cơ quan soạn thảo đã chú trọng đến việc lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý, các hiệp hội, tổ chức và cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế qua quá trình tham gia xây dựng chính sách, chúng tôi thấy rằng, các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách thì rất quan tâm nhưng đối tượng chịu tác động, được điều chỉnh thì lại không mấy quan tâm tới góp ý vào chính sách. Tức là khi lấy ý kiến thì không tham gia có ý kiến, coi như đồng ý, nhưng khi chính sách ban hành rồi thì lại vướng mắc và lại không đồng ý.
Quan điểm cá nhân tôi là các nhà sản xuất, đơn vị phân phối tiêu dùng những sản phẩm này, kể cả người tiêu dùng cần đóng góp nghiêm túc cho xây dựng chính sách để cơ quan quản lý tổng hợp, phân tích và chọn lựa mức điều chỉnh phù hợp.
Ở Việt Nam, khi xây dưng chính sách nói chung và chính sách thuế nói riêng, chúng ta luôn đặt vấn đề an sinh xã hội và sức khoẻ người dân cao hơn vấn đề tăng thu thuế cho ngân sách nhà nước. Tôi cho rằng, cần xét tổng thể và cân đối mức áp dụng phù hợp để vừa đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, vừa đảm bảo hoạt động của ngành sản xuất. Đó là bài toán cần cân nhắc đối với ban soạn thảo.
Tuy nhiên, vấn đề điều tiết tiêu dùng không chỉ phụ thuộc vào chính sách thuế mà còn các biện pháp khác như: Một số quy định phạt hành chính giống như cấm hút thuốc ở nơi công cộng, uống rượu bia thì không được lái xe…; đặc biệt là cần tuyên truyền, giáo dục để người dân thấy được tác hại của đồ uống có đường. Tôi cho rằng, đây là biện pháp rất tốt và sẽ mang lại hiệu quả cao.
Phóng viên: Được biết, đã có nhiều quốc gia đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường và đạt kết quả tích cực trong định hướng tiêu dùng. Bà có khuyến nghị gì trong xây dựng và triển khai chính sách này ở Việt Nam để phát huy hiệu quả?
Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi cho rằng, chính sách thuế TTĐB với nước giải khát có đường cần nghiên cứu các mức thuế phù hợp, hài hoà, thống nhất với các chính sách thuế khác có liên quan. Việc đánh thuế như thế nào, đánh thuế theo sản phẩm hay đồng bộ thì cần được xem xét.
Hiện nay, chúng ta có thể áp dụng cơ chế thuế theo tỷ lệ % trên giá bán, hoặc theo số lượng trên 1 lon, 1 lít… Bên cạnh đó, có thể áp dụng theo phương pháp thuế hỗn hợp, tức là áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % và phương pháp tính thuế tuyệt đối, ví dụ như 1 lít thì sẽ có thuế cố định tuyệt đối là bao nhiêu và tỷ lệ % là bao nhiêu…
Nhưng đó là với sản phẩm chung, còn nếu tách riêng các sản phẩm nước giải khát có đường thì rất khó. Theo tôi, có thể lựa chọn các sản phẩm đánh các mức thuế khác nhau theo mức độ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Ví dụ như dòng sản phẩm có tác động lớn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thì đánh mức thuế cao hơn các dòng sản phẩm có mức độ ảnh hưởng thấp hơn.
Nếu không phân định được các dòng sản phẩm nước giải khát có đường thì chúng ta cũng có thể áp dụng mức thuế suất chung cho các mặt hàng với một mức thuế suất hài hoà, vừa góp phần định hướng tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội, vừa đảm bảo hoạt động ổn định của ngành sản xuất.
Như tôi đã nói, vấn đề định hướng tiêu dùng có lợi cho sức khoẻ không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn phụ thuộc vào nhiều biện pháp khác. Do đó, cùng với chính sách thuế, cần kết hợp triển khai đồng bộ các biện pháp khác như tôi đã nêu ở trên.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!