Cần có lộ trình cụ thể khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên Thường trực Hội Tư Vấn Thuế Việt Nam cho rằng, cần có lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cụ thể, rõ ràng để các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện và thời gian kịp thời chuẩn bị thay đổi quy mô, quy trình sản xuất.
Phóng viên: Việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là với mặt hàng rượu, bia, đồ uống có đường vào thời điểm này có hợp lý và có tác động tới "sức khoẻ" doanh nghiệp không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Được: Đề xuất này thực tế là không phải là mới bởi trước đây Bộ Tài chính cũng đã đưa mặt hàng này vào danh mục thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan nên thời điểm đó Quốc hội chưa thông qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt là rất cần thiết, nhất là đối với đồ uống có đường gây nguy hại cho sức khỏe nhằm hạn chế tác hại của sản phẩm này đối với người dân, đặc biệt là cho trẻ em.
Mặt khác, do thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu cấu thành trong giá bán nên sự thay đổi về thuế thiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến giá bán. Thuế tăng đồng nghĩa với giá tăng, dẫn đến cầu giảm, khiến cán cân cung - cầu thay đổi. Điều này có tác động khiến người dân từ bỏ hoặc hạn chế tiêu dùng. Như vậy, sẽ đảm bảo mục tiêu điều tiết vỹ mô của Nhà nước.
Xét theo chiều ngược lại khi thuế tăng, cầu giảm thì nhà sản xuất lại gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới góc độ điều tiết vĩ mô thì chúng ta cần phải hy sinh lợi ích này để đổi lại những lợi ích khác lớn hơn. Cụ thể, trong trường hợp này, chúng ta sẽ không thu được nhiều thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng từ khoản tăng doanh số đối với rượu, bia, đồ uống có đường nhưng đổi lại lại có thể tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Do đó, khi chính sách này được hiện thực thì tác động tới ngân sách nhà nước sẽ không lớn, nói cách khác là ngân sách có thể không bị giảm. Hơn thế nữa mục tiêu chính và quan trọng của chính sách này là tác động nhằm hạn chế tiêu dùng với các mặt hàng có hại cho sức khoẻ nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sức khoẻ của người dân. Đây là mục tiêu mà Bộ Tài chính hướng tới và cũng rất phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Phóng viên: Theo ông, lộ trình đánh thuế như thế nào sẽ là hợp lý để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu trên, nhất là đối với các loại đồ uống có đường?
Ông Nguyễn Văn Được: Như tôi đã phân tích ở trên khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến các bên liên quan, do đó cần nhắc rất kỹ khi điều chỉnh chính sách này. Đặc biệt, sản phẩm thuộc đối tượng điều chỉnh lần này không chỉ liên quan đến người tiêu dùng là người lớn mà bao gồm cả đồ uống có đường có liên quan đến trẻ em. Thực tế, hành vi tiêu dùng của trẻ em còn hạn chế, vì vậy cần phải có nhiều phương pháp khác để điều chỉnh hành vi tiêu dùng của trẻ em ngoài chính sách thuế.
Ví dụ, với rượu bia thì chúng ta có thể điều chỉnh bằng chính sách thuế sẽ có tác dụng nhanh và hiệu quả vì người tiêu dùng (cụ thể là người lớn) có thể nhận thức được. Nhưng với đồ uống có đường liên quan đến trẻ em thì chính sách thuế không thể tác dụng ngay và hiệu quả như đối tượng khác vì hành vi tiêu dùng của trẻ em còn phụ thuộc thông qua người giám hộ, tức là điều chỉnh gián tiếp thông người lớn.
Chính vì vậy, việc điều tiết tiêu dùng là cần thiết nhưng phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau, không chỉ riêng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà còn gồm cả tuyên truyền, giáo dục về các tác hại của các phản phẩm này... Quan trọng phải hướng tới làm sao để tất cả các đối tượng, trong đó bao gồm cả trẻ em hiểu được tác hại của đồ uống có đường. Đây mới là phương án tối ưu và hiệu quả nhất.
Cùng với đó, cũng cần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường theo tiêu chí về tỷ lệ hoặc hàm lượng đường có thể gây nguy hại cho sức khỏe hoặc điều chỉnh theo phương án tuyệt đối nếu như không thể hoặc khó xác định được tỷ lệ hoặc hàm lượng đường có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, tôi cho rằng, cần có lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cụ thể rõ ràng để các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện và thời gian kịp thời chuẩn bị thay đổi quy mô, quy trình sản xuất; thích ứng với các chính sách thuế mới được tốt hơn.
Do đó, chúng ta cần phải cân đo đong đếm để làm sao vừa đạt được mục tiêu điều tiết vĩ mô hạn chế tiêu dùng với sản phẩm này; nhưng vẫn hỗ trợ và không ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, cần thực hiện điều chỉnh thuế theo từng bước, từng giai đoạn khác nhau và với mức thuế phù hợp để không tạo ra cú sốc cho thị trường cũng như nhà sản xuất.
Ngoài ra, cũng có thể xây dựng các cơ chế hỗ trợ khác đối với doanh nghiệp như hỗ trợ về tài chính, vốn để, lao động… để doanh nghiệp có thêm động lực định hướng phát triển kinh doanh lâu dài và bền vững để đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!