Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Việt Nam là một nước đang phát triển, do đó, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nói riêng rất cần thiết; có tác động quan trọng đến sự hình thành và phát triển của khu vực doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Bài viết đề cập tới hệ sinh thái khởi nghiệp và kinh nghiệm xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở một số quốc gia, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Một số vấn đề về hệ sinh thái khởi nghiệp
Khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp được đề cập rộng rãi vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Thực chất, khái niệm này đã xuất hiện từ những năm cuối của thập kỷ 1950 tại Mỹ, khi Thung lũng Santa Clara (tiền thân của Thung lũng Silicon) được hình thành và phát triển nhanh chóng. Trên cơ sở sự ra đời của mô hình tổ chức kinh doanh dựa trên sự phát triển gắn với vùng địa lý, khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp đã được đưa ra và trở thành một thuật ngữ được đề cập ngày càng rộng rãi trên thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa hệ sinh thái khởi nghiệp là “tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (tiềm năng hoặc hiện tại), tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư “thiên thần”, hệ thống ngân hàng…) các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công…) và tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp (DN), số lượng DN có tỷ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp…) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương”.
Tại Việt Nam, định nghĩa khởi nghiệp sáng tạo là có các ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Như vậy, có thể khái quát hệ sinh thái khởi nghiệp là cách thức một quốc gia hay một vùng lãnh thổ thiết lập các tác nhân kinh doanh (như các công ty, các nhà đầu tư mạo hiểm, các thiên thần đầu tư, các ngân hàng, trường đại học, các cơ quan thuộc khu vực nhà nước, các thực thể tài chính) kết nối với nhau để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại quốc gia hoặc địa phương đó.
Theo Isenberg (2010) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm 09 thành phần sau: (i) Chính sách của chính phủ; (ii) Khung luật pháp và cơ sở hạ tầng; (iii) Nguồn vốn, tài chính; (iv) Văn hóa; (v) Các nhà tư vấn, cố vấn, hệ thống hỗ trợ; (vi) Các trường đại học đóng vai trò xúc tác; (vii) Giáo dục và đào tạo; (viii) Nguồn nhân lực; (ix) Các thị trường trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu quốc tế về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Dựa trên đặc điểm của các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thường chia theo 4 nhóm mục tiêu chính (Mason và Brown, 2014), gồm: (i) Chủ thể thực hiện khởi nghiệp trong hệ sinh thái; (ii) Các nhà cung cấp nguồn lực khởi nghiệp trong hệ sinh thái; (iii) Các nhà kết nối khởi nghiệp trong hệ sinh thái; (iv) Định hướng khởi nghiệp trong hệ sinh thái. Căn cứ trên 04 nhóm mục tiêu, chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cụ thể được áp dụng như sau:
Thứ nhất, đối với các chủ thể tiến hành khởi nghiệp trong hệ sinh thái: Hầu như mọi quốc gia đều tiến hành một loạt chính sách DN để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các dự án mạo hiểm kinh doanh mới. Các hình thức hỗ trợ chủ yếu thường là cung cấp thông tin và tư vấn cho các doanh nhân mới. Những chính sách này có đặc trưng là không phân biệt các loại khởi nghiệp mục tiêu. Các cách tiếp cận chính bao gồm: (i) Hỗ trợ cho các doanh nhân trong thời gian tiền khởi sự và các giai đoạn đầu khởi nghiệp thông qua sự hỗ trợ chuyên sâu và tư vấn; (ii) Hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp thông qua ươm tạo DN, cung cấp mặt bằng kinh doanh, tư vấn, cơ hội kết nối mạng lưới và tài chính (Miller và Bound, 2011).
Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân cũng được thành lập để giúp nuôi dưỡng các dự án mạo hiểm còn non nớt (ví dụ như: Blueseed, Y Combinator, 500 Start-Up ở Silicon; Techstars ở Boston, DreamIt Ventures ở Israel…). Vì vậy, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia là một yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự hình thành và phát triển thành công của một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thứ hai, đối với các nhà cung cấp nguồn lực khởi nghiệp: Các nhà tổ chức trong hệ sinh thái sẽ là những người cung cấp các nguồn lực cơ bản cho các DN khởi nghiệp. Các nhà tổ chức ở đây bao gồm các nhà cung cấp tài chính như ngân hàng, các nhóm đầu tư “thiên thần”, các công ty đầu tư mạo hiểm và cả các nhà cung cấp dịch vụ.
Vai trò của khu vực công (nhà nước) là cần tích cực, trực tiếp và gián tiếp tham gia vào việc tạo ra các nguồn vốn mới, bao gồm việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm khu vực, có thể có sự góp vốn từ cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân và dưới sự quản lý của khu vực tư nhân; khuyến khích hoạt động đầu tư “thiên thần”.
Mặc dù vốn đầu tư mạo hiểm, đầu tư “thiên thần” rất quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp, song thực tế cho thấy, rất ít các DN khởi nghiệp sử dụng hình thức tài chính này. Do đó, cần có chính sách khuyến khích các hình thức cấp vốn, hợp tác khác như kết nối các DN khởi nghiệp định hướng tăng trưởng với các nguồn vốn thông thường như các khoản vay ngân hàng hoặc hình thức tài chính mới hơn như tài trợ đám đông, cho vay lẫn nhau và cung cấp tài chính dựa trên hóa đơn, hoặc tạo cơ hội tiếp cận các thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà hoạch định chính sách và các công ty lớn cũng sẽ góp phần phát triển và thúc đẩy quá trình ươm tạo khởi nghiệp trong hệ sinh thái.
Thứ ba, đối với các nhà kết nối khởi nghiệp trong hệ sinh thái (hiệp hội chuyên nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp và các cộng đồng DN khởi nghiệp, các trung tâm DN, dịch vụ cầu nối nhà đầu tư - người tiếp nhận đầu tư, môi giới kinh doanh): Các chính sách quan trọng nhất đối với nhóm tác nhân này là kết nối các chủ thể khởi nghiệp khác thông qua việc hình thành các cộng đồng thực hành hoặc các mạng lưới khởi nghiệp. Ở đây có thể là tổ chức mạng lưới chuyên nghiệp, các câu lạc bộ doanh nhân, các nhóm ủng hộ vốn đầu tư mạo hiểm, các hội nghề nghiệp, các cộng đồng hải ngoại. Họ có thể là các tổ chức chính thức vận hành các quy tắc, quy định và tiêu chí thành viên khác nhau. Ví dụ tiêu biểu về mạng lưới kết nối khởi nghiệp có thể kể đến là Connect (có trụ sở tại San Diego, Mỹ) một trong những tổ chức thành công nhất trên thế giới trong việc liên kết các nhà phát minh và nhà khởi nghiệp với các nguồn lực cần thiết để thương mại hóa các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Ở châu Á, có thể kể đến trung tâm D Camp do Banks Foundation for Young Entrepreneurs tại Seoul (Hàn Quốc).
Thứ tư, đối với định hướng khởi nghiệp trong các hệ sinh thái: Thực tiễn từ nhiều quốc gia cho thấy, để thành công, yếu tố định hướng khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp cần đảm bảo: (i) Phải có một “nền văn hóa” chấp nhận rủi ro và thất bại, sẵn sàng đấu tranh vì sự khởi nghiệp thành công của các cá nhân và DN như những hình mẫu tiêu biểu để khuyến khích và thúc đẩy những DN khác; (ii) Có các chương trình giáo dục không chỉ giúp thúc đẩy hành vi khởi nghiệp mà còn trang bị cho các chủ DN những kỹ năng cần thiết để vận hành các công ty phát triển bền vững và định hướng tăng trưởng; (iii) Chính sách thu hút cộng đồng kiều bào ở nước ngoài đầu tư về nước và di cư DN cũng đóng vai trò quan trọng; (iv) Tư duy sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng mới, sáng tạo và nắm lấy thay đổi; (v) Chuẩn mực xã hội và cách nhìn nhận tích cực đối với tinh thần khởi nghiệp.
Theo Isenberg (2010), mặc dù chính phủ có quyền can thiệp trực tiếp đối với việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, các chính phủ không nhất thiết phải tự thực hiện. Việc trực tiếp thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nên được giao cho một tổ chức mới - một nhà tạo khả năng khởi nghiệp - có năng lực và động cơ thúc đẩy để củng cố hệ sinh thái. Tổ chức này cần có những đặc điểm cơ bản sau: (i) Được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ công; (ii) Có triển vọng; (iii) Có năng lực về đào tạo; (iv) Có các nguồn lực cơ bản theo yêu cầu. Tổ chức này phải độc lập, không thuộc sở hữu của bất kỳ một bộ phận nào trong cộng đồng; Có khả năng thực hiện các thử nghiệm, học hỏi, tái định hướng, mở rộng quy mô và hoạt động phái sinh.
Cuối cùng, để xây dựng và phát triển được một hệ thống các hệ sinh thái khởi nghiệp hoạt động hiệu quả, cần phải có một hệ thống các tiêu chí đo lường làm cơ sở đánh giá mức độ hoạt động hiệu quả, từ đó có thể đưa ra những điều chỉnh chính sách phù hợp.
Mặc dù việc xây dựng hệ thống các chỉ số là không đơn giản, tuy nhiên việc có được một hệ thống các chỉ số đo lường đối với hệ sinh thái khởi nghiệp là không thể thiếu. Theo Vogel (2013), hệ thống các chỉ số đo lường hệ sinh thái khởi nghiệp chia theo ba cấp độ: Cá nhân (gồm chỉ số văn hóa, chỉ số tài sản cá nhân và chỉ số hài lòng trong công việc và cuộc sống), tổ chức (kết quả hoạt động của tổ chức) và cộng đồng (gồm chỉ số chính sách, thị trường, địa bàn, chỉ số tạo việc làm, về cơ sở hạ tầng, chỉ số tính minh bạch, hỗ trợ, kết nối, nhân tài, tài trợ vốn, giáo dục, chỉ số đổi mới và chỉ số dự án mạo hiểm mới). Bên cạnh đó, một số tổ chức cũng đã đưa ra hệ thống các chỉ tiêu riêng để đo lường hệ sinh thái khởi nghiệp, tiêu biểu như Chương trình thúc đẩy khởi nghiệp theo vùng của Viện Công nghệ Massachusetts.
Tổng quát về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang ở những giai đoạn đầu của cấp độ 3 (hệ sinh thái đang phát triển) về văn hóa khởi nghiệp, cũng như về mật độ khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; Cấp độ 2 (hệ sinh thái nền tảng) về chính sách nhà nước, môi trường pháp lý cũng như về nhân lực cho khởi nghiệp. Hiện tại, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ chế gọi vốn cộng đồng của Việt Nam đã và đang dần được hoàn thiện.
Để hướng dẫn hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, ngày 11/3/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định này quy định cụ thể cách thức hình thành và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ra đời của các tổ chức cũng hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Ðây là tiền đề cơ bản để sự phát triển của thị trường vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các DN khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam thường gặp những vướng mắc, hạn chế cơ bản sau:
Thứ nhất, hạn chế về vốn: Các DN khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư thấp.
Thứ hai, hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển: Các DN khởi nghiệp thường không có đủ điều kiện để trang trải các chi phí phòng thí nghiệm, chi phí cho máy móc thiết bị phục vụ nghiên cứu, dẫn tới hạn chế trong phát triển ý tưởng, sản phẩm
Thứ ba, hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển: Các DN khởi nghiệp và đặc biệt là các sáng lập viên, nhân sự chủ chốt chủ yếu là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, không có kiến thức đầy đủ về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý DN, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Thứ tư, hạn chế về khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết: Các DN khởi nghiệp thường có rất ít các kinh nghiệm trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép kinh doanh…), bảo hộ sở hữu trí tuệ (đăng ký bảo hộ các sản phẩm sở hữu trí tuệ), thương mại hóa sản phẩm (đăng ký tiêu chuẩn, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật), tài chính (tiêu chuẩn kế toán, hóa đơn, kê khai thuế, ưu đãi thuế…).
Bài học cho Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và những khuyến nghị của Isenberg (2010), khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam cần tuân thủ và đáp những yêu cầu sau:
Một là, cần chú ý đến những đặc thù về thời gian cũng như trình độ phát triển của từng vùng, địa bàn khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Cần tránh việc mô phỏng hoàn toàn một hệ sinh thái khởi nghiệp cụ thể nào trên thế giới vào Việt Nam.
Hai là, tiếp tục cải cách khung pháp lý, cải cách hành chính. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, hạn chế tình trạng hành chính quan liêu và các quy định như thuế, cấp phép và sự tuân thủ để loại bỏ những trở ngại không cần thiết cho các DN khởi nghiệp và DNNVV.
Ba là, xem xét, đánh giá kỹ các yếu tố như sự phát triển ngành nghề, năng lực, khả năng hiện tại, tiềm năng tăng trưởng của địa phương - nơi dự kiến xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, để xác định các mục tiêu cụ thể và giải pháp phù hợp. Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nên dựa trên thực tiễn phát triển của các ngành tại địa bàn, không nên theo đuổi việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên việc hình thành các ngành công nghiệp mới.
Bốn là, cần thu hút khu vực tư nhân ngay từ khi bắt đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Các hệ sinh thái khởi nghiệp nên để khu vực tư nhân dẫn dắt, chính quyền chỉ nên đóng vai trò là người tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển, không lãnh đạo hoặc kiểm soát.
Năm là, cần ưu tiên cho những DN có tiềm năng cao. Các DN thành công cũng cần được quảng bá và làm trường hợp điển hình cho những DN khác.
Sáu là, giải quyết những thách thức từ thay đổi văn hóa. Thực tế cho thấy, hoạt động khởi nghiệp ở một số nơi có thể bị hạn chế bởi một nền văn hóa bảo thủ không chấp nhận rủi ro. Để giải quyết vấn đề này các giải pháp về truyền thông và giáo dục tích cực là rất cần thiết.
Bảy là, các DN hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp cần chú ý đến năng lực của mình khi triển khai các dự án khởi nghiệp sáng tạo.
Tám là, hệ sinh thái khởi nghiệp và các chính sách hỗ trợ DN trước đó (ví dụ hình thức cụm liên kết ngành, vườn ươm DN…) có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Vì vậy, cần có chính sách để khuyến khích sự tiếp tục phát triển trong không gian xây dựng của hệ sinh thái khởi nghiệp mới.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cũng cần phải tuân thủ một số điều kiện sau: Chính sách nên được phát triển theo hướng toàn diện và bao quát tất cả các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp hơn là lựa chọn một cách thận trọng một số lĩnh vực đặc biệt quan tâm; Áp dụng cách tiếp cận “từ trên xuống” và “từ dưới lên”, phân cấp trách nhiệm cho chính quyền các địa phương và vùng trong hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. VCCI (2017), Báo cáo nghiên cứu cơ chế hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo. Kinh nghiệm quốc tế - Đề xuất giải pháp cho Việt Nam;
2. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2015). “Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: Vai trò của chính sách chính phủ”;
3. Cohen B. (2006), Sustainable Velley Entrepreneurial Ecosystems, Business Strategy and the Environment, vol 15, trang 1-14;
4. Goswami K, Mitchell J. R, và Bhagavatula S. (2018), Accelerator expertise: Understanding the intermediary role of accelerators in the development of the Bangalore entrepreneurial ecosystem, Strategic Entrepreneurship Journal, vol.12, trang 117- 150;
5. Isenberg, D. J. (2010). How to start an Entrepreneurial Revolution”, Harvard Business Review số 88(6);
6. Topica Founder Institute (2018), 2017 Startup Deal Vietnam.