Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số

Yến Tâm

Theo các chuyên gia, doanh thu từ phát hành báo in giảm chưa từng có trong lịch sử phát hành báo của Việt Nam. Trong khi đó, doanh thu từ quảng cáo cũng gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội mới xuất hiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí. Do vậy, trong thời gian tới, các đơn vị báo chí - truyền thông cần tìm cách đa dạng hóa nguồn thu.

Toàn cảnh tại Hội thảo.
Toàn cảnh tại Hội thảo.

Ngày 14/6/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Dự và phát biểu tại Hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông cùng lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thường niên mang tên “Diễn đàn báo chí tháng Sáu” do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn) phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong lĩnh vực báo chí, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí phát triển lớn mạnh được.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Theo Báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023, tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí, tỷ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%. Đối với phát thanh, truyền hình, tỷ lệ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.

Doanh thu của các báo, tạp chí trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh, truyền hình giảm 23% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền)...

 

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… 

Từ những số liệu thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, dù là báo in, báo điện tử hay Phát thanh truyền hình vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Có lúc, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống.

Ngoài ra, hiện tại, cũng theo Thứ trưởng, các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

Cần đa dạng hóa nguồn thu

Tại Hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị báo chí-truyền thông cần tìm cách đa dạng hóa nguồn thu.

Về quảng cáo, theo Tổng biên tập Lê Quốc Minh, dù thị trường quảng cáo toàn cầu trong những năm gần đây tăng nhưng với báo chí thì lại giảm đi. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2024, doanh thu ấn phẩm số giảm từ 35,1 tỷ USD xuống còn hơn 21 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu ấn phẩm số tăng không đáng kể, từ 10,6 tỷ USD lên 11,9 tỷ USD.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Trước thực tế này, các cơ quan báo chí trên thế giới đã quan tâm tới việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó tập trung vào các giải pháp như tổ chức sự kiện, thu hút tài trợ, hợp tác với mạng xã hội cũng như các nền tảng công nghệ-trí tuệ nhân tạo...

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đưa ra một số xu hướng các cơ quan báo chí lớn trên thế giới thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: quảng cáo truyền thống; thực hiện tường thu phí; làm truyền thông; tổ chức sự kiện; thương mại điện tử; cấp phép thương hiệu; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin; tổ chức nghiên cứu...

Về quảng cáo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, giai đoạn trước mắt, nguồn thu từ quảng cáo vẫn chiếm vị trí quan trọng của các cơ quan báo chí. “Quảng cáo đã giảm đi nhiều, có cơ quan chỉ chiếm 40-50% doanh thu nhưng dẫu sao đây vẫn là nguồn thu rất quan trọng”, nhà báo Lê Quốc Minh nói.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, hiện Google và Facebook chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo. Do vậy, thời gian tới đa số các cơ quan báo chí tìm kiếm doanh thu từ độc giả bởi "tìm doanh thu từ độc giả ngày càng quan trọng hơn và đó là nguồn thu an toàn hơn".

Điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của kinh tế báo chí - truyền thông Việt Nam

Theo PGS. TS. Bùi Chí Trung - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), bài toán kinh tế báo chí đặt ra là cần trả lời câu hỏi cơ bản và quan trọng nhất, thậm chí có ý kiến chất vấn rằng “chúng ta đã có, muốn có và thực sự muốn phát triển thị trường báo chí - truyền thông hay chưa”?

Doanh thu từ phát hành báo in giảm chưa từng có trong lịch sử phát hành báo của Việt Nam. Doanh thu từ quảng cáo cũng gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội mới xuất hiện. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan báo chí.

Theo đó, để báo chí vừa làm tốt chức năng tuyên truyền, lại vừa thực hiện được chức năng kinh tế của mình, rất cần thúc đẩy các quy định mới về các sản phẩm báo chí đặt hàng. Cần quy định rõ hơn nội dung nào được coi là hàng hóa và đâu là sản phẩm tuyên truyền, cần phân định rạch ròi ranh giới giữa tuyên truyền và làm kinh tế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động.

 

“Diễn đàn báo chí tháng Sáu” lần thứ ba (năm 2024) là Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế sốđược tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận với các nội dung quan trọng: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam, đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số và bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.