Kinh tế biển và bài toán còn nhiều thách thức

Theo nxbctqg.org.vn

(Tài chính) Theo ước tính, kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47-48% GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng và lợi thế về một quốc gia biển của Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng và lợi thế về một quốc gia biển của Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng mức. Nguồn: internet
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng và lợi thế về một quốc gia biển của Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng mức. Nguồn: internet

Theo thống kê và tính toán của các nhà khoa học, biển Việt Nam rất đa dạng và phong phú về các nguồn tài nguyên, như: nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển, ven biển, các mỏ sa khoáng và vật liệu xây dựng, các mỏ dầu khí ở vùng thềm lục địa… Với bờ biển chạy dọc theo chiều dài đất nước, biển Việt Nam đã tạo ra những lợi thế đặc biệt để phát triển lĩnh vực giao thông, vận tải, du lịch trên biển và xây dựng các công trình đô thị ven biển.

Đây là những lợi thế hiếm có mà Việt Nam được thiên nhiên ban tặng. Trong số các nguồn tài nguyên biển của nước ta, trước hết phải kể đến nguồn năng lượng dầu khí, nguồn năng lượng khí đốt; chỉ tính riêng nguồn năng lượng dầu khí có tới 500.000 km2 nằm trong vùng nhiều tiềm năng, trữ lượng ở ngoài khơi miền Nam chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông, mỗi năm có thể khai thác khoảng 20 triệu tấn; trữ lượng dầu khí ở thềm lục địa khoảng 10 tỷ tấn quy dầu; trữ lượng khí đốt khoảng 3.000 tỷ m3/năm.

Về tài nguyên sinh vật, đến nay, chúng ta đã phát hiện hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc sáu vùng đa dạng sinh học biển và nhiều loại động vật biển quý hiếm khác. Rạn san hô là hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình không chỉ có ở biển phía bắc Việt Nam, mà còn là một trong những vùng biển có lượng san hô đa dạng cao trên thế giới, với khoảng 350 loài thuộc 72 giống san hô. Các thảm cỏ biển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nhiều loài sinh vật biển, theo thống kê gần đây tại 23 điểm của 12 tỉnh đã phát hiện được 15 loài cỏ biển sống trong các thảm cỏ có tổng diện tích hơn 5.000 ha.

Về nguồn lợi hải sản cũng không kém phần quan trọng, trữ lượng cá toàn vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,2 triệu tấn, với ngưỡng khai thác bền vững 1,4-1,7 triệu tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh, đem lại nguồn lợi lớn cho hàng chục triệu cư dân sống ven biển và là tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

 Với tiềm năng và những lợi thế không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được, kinh tế biển của Việt Nam có triển vọng và tương lai khá sáng sủa. Nếu biết cách làm và có hướng đi đúng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia mạnh về biển, một quốc gia phát triển với những mũi nhọn kinh tế gắn liền với biển. Đặc biệt, khi mà các nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt và đất đai - một tư liệu sống và sản xuất chủ yếu của con người - ngày càng bị thu hẹp, thì các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên biển, gắn với những giá trị phát sinh từ biển lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Và, trong bối cảnh gần như buộc phải tiến ra biển đó, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế tài nguyên từ biển được xem là một nhiệm vụ trọng tâm và đang là xu thế tất yếu, khách quan nhằm bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, thực phẩm và không gian sinh tồn cho gần 90 triệu người dân Việt Nam.

Có thể nói, biển Việt Nam có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ và vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người và sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sống. Nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế biển, ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo thống kê, đến nay, dọc theo trục bờ biển nước ta, có gần 200 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích gần 50.000 ha. Trong đó, hơn 100 khu công nghiệp đã đi vào vận hành với tổng diện tích gần 30.000 ha, cùng hàng trăm địa điểm có thể xây dựng cơ sở đóng và sửa chữa tàu, xây dựng hải cảng, trong đó có nhiều điểm có thể xây dựng cảng nước sâu với quy mô khá lớn để làm cảng trung chuyển, phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mặt khác, do được bao bọc bởi 10 nước và vùng lãnh thổ nên biển Việt Nam rất có lợi thế về giao lưu thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng lớn để khai thác và phát triển tổng hợp. Dọc bờ biển có hàng trăm bãi tắm, trong đó có nhiều bãi tắm lớn có chiều dài từ 15-18 km, còn lại trung bình có chiều dài từ 1-2 km, rất có điều kiện để khai thác phát triển du lịch biển. Năng lượng thủy triều, sóng, gió và nhiệt là những tiềm năng tương đối lớn sẽ đáp ứng nhu cầu trong tương lai, cung cấp điện năng cho các đảo và đang được nghiên cứu và sẽ ứng dụng trong thời gian tới.

Bên cạnh trữ lượng khá lớn về dầu khí, dưới đáy biển còn có nhiều loại khoáng sản quý hiếm khác, như: thiếc, titan, nhôm, sắt, mănggan, đồng, các loại đất hiếm, các loại vật liệu xây dựng… rất cần cho các ngành sản xuất công nghiệp và kim khí. Đây còn là tiềm năng, cơ hội lớn để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phát triển kinh tế biển, biến tiềm năng, lợi thế từ biển trở thành những giá trị đích thực. 

 Bên cạnh những tiềm năng và triển vọng khá sáng sủa của kinh tế biển Việt Nam, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng để có thể trở thành cường quốc về biển, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ngày 9-2-2007 đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường và củng cố quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Việt Nam phải đối mặt và giải quyết tốt những thách thức cơ bản sau: Việc đánh giá, nhìn nhận về tiềm năng tài nguyên biển, đảo còn có mặt chưa đúng mức; việc phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng liên quan để xây dựng một quy hoạch tổng thể về sử dụng biển, đảo còn thiếu sự thống nhất; Nhà nước chưa có chính sách phù hợp để xây dựng một quy hoạch tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Trong bối cảnh nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý biển, sự phối hợp còn thiếu chủ động, chức năng quản lý bị chồng chéo, dẫn tới bất cập trong quản lý quy hoạch cũng như khai thác, sử dụng tiềm năng biển, đảo.

Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều hệ sinh thái cửa sông đặc thù, hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm cỏ biển dọc từ Bắc vào Nam và quanh các đảo lớn, nhỏ. Tuy nhiên, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nhanh, diện tích rừng ngập mặn giảm quá nửa trong vòng 30 năm qua.

Chỉ hơn 15 năm trở lại đây, diện tích các rạn san hô giảm đến gần 20%. Các thảm cỏ biển cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn lợi hải sản giảm nhanh, nhiều vùng biển ven bờ bị suy kiệt. Chất lượng nước biển cũng đang có xu hướng suy giảm, nhiều vùng biển bị ô nhiễm nặng. Cùng với dầu tràn, ô nhiễm từ các hoạt động vận tải trên biển, các nguồn thải từ đất liền đang đe dọa nhiều vùng biển nước ta.

Đặc biệt là việc đẩy mạnh khai thác dầu khí, phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch biển, xây dựng hệ thống các cảng ven biển, phát triển nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ven biển… vô hình trung cũng gây áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên của biển, làm suy kiệt các hệ sinh thái và môi trường biển và ven biển. Cạn kiệt tài nguyên, suy thoái các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường biển là những vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết trong quá trình tiến ra biển và lớn mạnh từ biển.  Đã đến lúc, chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ và sớm có lời giải cho vấn đề mang tầm quốc gia này. 

Phát triển kinh tế biển thì phải hiểu về biển. Nhiều năm qua, chúng ta đã có nhiều chương trình, dự án, đề tài điều tra, nghiên cứu, tìm hiểu về biển, nhưng hiểu biết của chúng ta về Biển Đông còn hạn chế; thiếu phương tiện, thiết bị, cán bộ có chuyên môn sâu và nguồn lực tài chính nên thông tin, số liệu thu được còn sơ lược, độ tin cậy thấp. Đây là thách thức lớn nhất và cũng là những rào cản không nhỏ trên con đường tiến ra biển, làm giàu từ biển. Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về biển, nhưng đường tới tương lai vẫn còn lắm gian nan và không ít thách thức cần phải vượt qua!