Kinh tế khởi sắc, thu ngân sách tăng

Nghi Phương

(Tài chính) Dù hiện nay vẫn còn quá sớm để khẳng định kinh tế trong nước đã thực sư khởi sắc trở lại, song những kết quả về tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2014 vừa được Bộ Tài chính công bố phần nào tạo niềm tin cho người dân về triển vọng lạc quan trong năm nay.

Tính chung 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 21,06 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Nguồn: internet
Tính chung 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 21,06 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Nguồn: internet

Kinh tế có dấu hiệu khởi sắc

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), từ quý IV/2013, kinh tế đã bắt đầu phục hồi nhẹ và sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm có khuynh hướng phục hồi, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đang nhích lên, niềm tin người tiêu dùng tăng, thị trường chứng khoán cũng có dấu hiệu tốt.

Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng tính đến thời điểm hiện tại. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI từ đầu năm đến ngày 20/02/2014 thu hút 122 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 830,9 triệu USD, giảm 33% về số dự án và giảm 19,3% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời, có 41 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 708,8 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 1539,7 triệu USD, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2013. FDI thực hiện 2 tháng đầu năm ước tính đạt 1120 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Có thể nói, những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế đã có tác động trực tiếp tạo tiền đề, giá đỡ để doanh nghiệp tự đứng dậy. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 10.869 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 62.902 tỉ đồng, tăng 13,1% về số doanh nghiệp và tăng 28,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Trong 2 tháng qua, các vùng kinh tế trên cả nước đều có sự gia tăng về số doanh nghiệp thành lập so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, một số vùng có tỷ lệ tăng cao như vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 416 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,9%; vùng Tây Nguyên có 754 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 177,2%. Số doanh nghiệp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm là 3.640 doanh nghiệp. Trong đó tập trung chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm như vùng Đông Nam Bộ 1.515 doanh nghiệp (TP. Hồ Chí Minh 1.167 doanh nghiệp); Đồng bằng Sông Hồng 1.078 doanh nghiệp (Hà Nội 758 doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2014 ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 21,06 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Điều đáng ghi nhận là trong bức tranh xuất khẩu là khối doanh nghiệp có 100% vốn trong nước đã có tín hiệu “bứt phá”. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, trong 2 tháng qua, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã cao hơn khu vực FDI (tăng 13,2% so với tăng 11,8%). Đây là kết quả tích cực, thể hiện sự cố gắng vượt khó của khối doanh nghiệp trong nước để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Những tháng đầu năm, chỉ số CPI của cả nước tăng không cao như một số năm trước và có xu hướng giảm dần, đặc biệt, không hề xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá. Thậm chí tại các đô thị lớn đều có xu hướng giảm giá, nhất là nhóm hàng rau xanh và một số hàng tiêu dùng thiết yếu mang tính thời vụ cao. Sang tháng 2, giá cả một số mặt hàng thực phẩm có xu hướng tăng nhẹ trở lại, dù chỉ số CPI tăng 0,49% so tháng trước (mức tăng thấp nhất của tháng 2 so với tháng trước trong chuỗi 10 năm trở lại đây) và tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhiều chuyên gia, đóng góp vào thành công này là những nỗ lực trong công tác điều hành, quản lý giá của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá; ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng lớn đến giá cả (đầu cơ tích trữ, nâng giá, buôn lậu, gian lận thương mại..), kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.

Lạc quan thu ngân sách

Trước những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế, báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN tháng 2/2014 ước đạt 49.600 tỷ đồng, luỹ kế thu 2 tháng đạt 129.870 tỷ đồng, bằng 16,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Về thu nội địa, thực hiện tháng 2/2014 ước đạt 31.400 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 51% số thu tháng trước. Luỹ kế thu 2 tháng ước đạt 93.465 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 17,8%). So với cùng kỳ năm ngoái, thu từ kinh tế quốc doanh đạt 15,5% dự toán (tăng 16%); thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 20,4% dự toán (tăng 24,3%); thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,9% dự toán (tăng 25,6%); thuế thu nhập cá nhân đạt 17,7% dự toán (giảm 2,2%).

Đánh giá về tình hình thu nội địa, Bộ Tài chính cho biết, so với cùng kỳ một số năm gần đây, thu nội địa 2 tháng đầu năm 2014 đạt khá cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ do một số nguyên nhân: Thứ nhất, kinh tế các tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, làm tăng nguồn thu ngân sách; Thứ hai, thực hiện Nghị định số 204/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã thu vào NSNN khoảng 1.800 tỷ đồng cổ tức được chia năm 2013 của phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại năm 2013 của các Tập đoàn, Tổng công ty do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật. Việc thu ngân sách từ nguồn này được tiếp tục thực hiện theo chủ trương của Chính phủ từ cuối năm 2013 thể hiện qua Nghị định 204/2013/NĐ-CP. Chỉ chưa đầy 2 tháng cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã thu về cho NSNN trên 20.000 tỉ đồng cổ tức của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn; Thứ ba, thu vào NSNN khoảng 2.100 tỷ đồng số thuế Thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong quý III/2013 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử,... đã được gia hạn 3 tháng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, nay đến hạn phải nộp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều đồng tình rằng, một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào kết quả tích cực này là công tác quản lý thu được ngành Tài chính triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm với nỗ lực bám sát tình hình, đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc thu nợ. Nhờ đó, ước tính có 45/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 16%). So với cùng kỳ năm 2013, có 51/63 địa phương thu cao hơn.

Về thu từ dầu thô, thực hiện tháng 2/2014 ước 9.000 tỷ đồng, luỹ kế thu 2 tháng ước 17.005 tỷ đồng, bằng 20% dự toán, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2013. Giá dầu thanh toán bình quân 2 tháng đầu năm đạt khoảng 113 USD/thùng, tăng 15 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 2,5 triệu tấn, bằng 17,4% kế hoạch năm.

Về thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện tháng 2/2014 ước đạt 14.000 tỷ đồng, bằng khoảng 77,8% mức thực hiện tháng trước, chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 2 giảm so với tháng 1. Luỹ kế thu 2 tháng đầu năm đạt 32.000 tỷ đồng, bằng 14,3% dự toán, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2013; sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (13.000 tỷ đồng), thu cân đối NSNN 2 tháng đầu năm ước 19.000 tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2013.