Kinh tế Mexico đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2018

Theo baoquocte.vn

Giới chuyên gia nhận định việc đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gồm Mexico, Mỹ và Canada, cùng tác động xấu của chính sách cải cách thuế quan của Mỹ và các tác động chính trị từ cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Mexico sẽ gây ra những khó khăn lớn cho nền kinh tế Mỹ Latin này trong năm 2018.

Nền kinh tế Mexico được dự báo gặp khó khăn trong năm 2018. (Nguồn: Mexico News Network)
Nền kinh tế Mexico được dự báo gặp khó khăn trong năm 2018. (Nguồn: Mexico News Network)

Các chuyên gia đánh giá trong trường hợp đàm phán lại NAFTA không đạt kết quả, kinh tế Mexico sẽ chịu rủi ro lớn kéo dài tới năm 2019, với các hệ quả xấu trực tiếp tác động ngay tới thị trường tài chính, đặc biệt là đối với tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng nội tệ Peso, cũng như tỷ lệ lạm phát tăng mạnh. Hiện 81% xuất khẩu của Mexico là sang thị trường Mỹ và các sản phẩm xuất khẩu của nước này được hưởng lợi nhờ các điều khoản ưu đãi thuế quan của NAFTA.

Trong khi đó, luật cải cách thuế quan mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump  ban hành sẽ làm suy giảm vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đổ vào Mexico. Các cơ quan tài chính đánh giá chính sách thuế mới của Mỹ sẽ có thể tạo ra một làn sóng thoái vốn đầu tư khoảng 9-11 tỷ USD ở Mexico và tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 Mỹ Latinh trong năm 2018 giảm xuống còn 1,9%.
Trong khi đó, Viện Kế toán công Mexico dự báo cải cách thuế quan của Mỹ sẽ cản trở các dự án đầu tư của doanh nghiệp Mỹ ở Mexico, ước tính lên đến 2,6 tỷ USD.

Luật thuế mới của Mỹ, trong đó quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được cho sẽ tạo nên "cú sốc" đối với khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mexico cũng như việc thu hút FDI. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mexico hiện gần 30%, cộng thêm 10% cổ tức, dẫn tới mức thuế mà các doanh nghiệp phải đóng lên đến 37%. Với chính sách thuế quan mới, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ sẽ giảm từ 35% hiện nay xuống 21%. Sự chênh lệch tới 16 điểm phần trăm sẽ khiến khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư vào Mexico giảm mạnh so với Mỹ.

Điều đáng lo ngại hơn với kinh tế Mexico, theo các nhà phân tích, đó là khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, và điều này sẽ đặt ra thách thức cho Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico) với việc phải quay lại chu kỳ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong trường hợp FED tăng lãi suất, Banxico nhiều khả năng sẽ phải tăng lãi suất theo. Và khi lãi suất cơ bản của Mexico đạt mức 8% hoặc 8,5% sẽ tác động xấu tới cầu nội địa và đầu tư.

Mặt khác, cuộc tổng tuyển cử ở Mexico trong năm nay, với các xáo trộn về chính trị, cũng được cho là yếu tố sẽ gây bất ổn với thị trường tài chính và tác động tới kinh tế nước này.