Kinh tế mở cửa, từng bước ổn định trong trạng thái bình thường mới
Chiều 6/11/2021, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - người phát ngôn của Chính phủ đã cung cấp cho báo chí thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm và những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Trần Văn Sơn thông báo về kết quả chuyến đi công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác tại Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10/2021 đến ngày 3/11/2021, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp từ ngày 3/11/2021 đến 5/11/2021.
Theo đó, chuyến công tác thành công rất tốt đẹp, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như: Ứng phó với Biến đổi khí hậu và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược với Anh và Pháp…
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều ngày 6/11/2021, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận và thống nhất cao về các nội dung về: Công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 10, 10 tháng, giải pháp trong những tháng cuối năm 2021…, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ tham gia tích cực, chủ động nhân dân cả nước, công tác phòng, chống dịch đã đạt những kết quả quan trọng góp phần tạo động lực, niềm tin để phục hồi kinh tế - xã hội.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021, nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9; Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm; Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm; Thu ngân sách 10 tháng đạt 90,9% dự toán; Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 15,8% so với cùng kỳ; Xuất siêu thực hiện trong tháng 10 đạt 2,85 tỷ USD, tính chung 10 tháng xuất siêu đã trở lại đạt 160 triệu USD…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Giám sát chặt chẽ nợ xấu; Có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng...
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng; Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công, xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm chỉ đạo chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung, đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương tập trung làm tốt công tác thông tin, truyền thông, bảo đảm kịp thời, đẩy đủ, trung thực, khách quan, chính xác; kịp thời đấu tranh phản bác, xử lý các thông tin sai sự thật, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch và tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...