Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021
Chiều ngày 6/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2021 để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2021...
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tháng 10 đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ 4; Quốc hội khóa XV tổ chức kỳ họp thứ 2. Về đối ngoại, trong tháng 10, Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38-39. Ngay trước khi diễn ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 này, Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam vừa về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10 đến 5/11/2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tuy nhiều sự kiện quan trọng nhưng Chính phủ đã chuẩn bị chu đáo, kỹ càng. Tại 2 sự kiện lớn vừa diễn ra là Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã tích cực chuẩn bị nhiều tài liệu, báo cáo trình Trung ương, Quốc hội, tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh...
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Kể từ khi ban hành đến nay, các quy định của Nghị quyết này cơ bản phù hợp với tình hình. Từ Chính phủ tới các địa phương đã thay đổi tư duy và cách phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, chứ không theo đuổi chính sách "zero COVID", đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm. Đồng thời, các thành viên của Chính phủ thảo luận đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; xem xét báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ giao và tình hình ban hành văn bản quy định tháng 10 và 10 tháng năm 2021...
Đánh giá về lĩnh vực kinh tế - xã hội tháng 10, các thành viên của Chính phủ nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với tháng 9. Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm...
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm pháp do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thi trường quốc tế và chỉ số lạm pháp ở nhiều nước tăng mạnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công thấp...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, đánh giá kỹ thực trạng, những việc làm được và chưa làm được trong tháng 10 và 10 tháng qua, từ đó đề ra các giải pháp, những việc cần làm trong hai tháng cuối năm bởi đây là hai tháng quan trọng đối với phục hồi kinh tế, bảo đảm tăng trưởng, an sinh xã hội. Đồng thời, đây cũng là thời gian Chính phủ chuẩn bị những đề án, nội dung quan trọng để báo cáo các cấp có thẩm quyền như: Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn từ nay đến năm 2025; Tăng trưởng xanh; chương trình hồi phục kinh tế năm 2022 - 2023…