Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm trong tháng chín
(Tài chính) Trong một dấu hiệu tiếp tục cho thấy đà phục hồi đang chậm lại của nền kinh tế đầu tàu thế giới, ngày 28/10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố báo cáo về sản xuất công nghiệp cho thấy khu vực chế tạo của nền kinh tế Mỹ gần như không tăng trưởng trong tháng 9 vừa qua.
Đây là kết quả tăng trưởng không tốt trong lĩnh vực chế tạo ngay trước khi Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời trong suốt hơn 2 tuần.
Báo cáo của Fed cho biết sản lượng khu vực chế tạo của nền kinh tế Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 9 vừa qua sau khi đạt mức tăng 0,5% trong tháng trước đó. Con số này thấp hơn mức dự báo 0,3%, cho thấy đà phục hồi chưa ổn định của nền kinh tế đầu tàu thế giới ngay trong những tuần lễ trước khi chính phủ ngừng hoạt động.
Trong tháng vừa qua, mặc dù sản lượng ôtô xuất xưởng tăng 0,2%, song lĩnh vực sản xuất máy tính, đồ nội thất, đồ gia dụng lại sụt giảm mạnh.
Về tổng thể, sản lượng công nghiệp chung tại Mỹ trong tháng 9 tăng 0,6%, chủ yếu là nhờ mức tăng trưởng nhảy vọt 4,4% trong lĩnh vực tiện ích công cộng sau khi lĩnh vực này đã bị sụt giảm trong vòng 5 tháng liên tiếp.
Nguyên nhân một phần là do nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ của người dân tăng cao trong tháng này vì thời tiết nóng. Trong khi đó, sản lượng khai mỏ, trong đó có dầu khí, ghi nhận mức tăng 0,2% và là tháng thứ 6 tăng liên tiếp.
Sản lượng khu vực chế tạo là bộ phận cấu thành lớn nhất của sản lượng công nghiệp. Trước đó, khu vực này đã cho thấy các dấu hiệu hồi phục vào mùa Hè và mang đến hy vọng giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vào cuối năm 2013.
Tuần trước, Chính phủ Mỹ cho biết đơn đặt hàng máy móc công nghiệp và các sản phẩm cốt lõi khác đã sụt giảm mạnh trong tháng 9.
Các nhà kinh tế đang đặc biệt chú ý vấn đề này do nó phản ánh sự thu hẹp sản xuất và niềm tin của giới doanh nghiệp vào nền kinh tế. Tuy nhiên, một nghiên cứu về lĩnh vực chế tạo do Viện Quản trị nguồn cung của Mỹ thực hiện lại nhấn mạnh các hoạt động chế tạo chung đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 2 năm rưỡi qua và các nhà chế tạo đã đẩy mạnh thuê mướn nhân công. Trong khi đó, các đơn đặt hàng mới cũng tiếp tục tăng lên.
Cùng với tốc độ tăng trưởng sụt giảm trong khu vực chế tạo, kinh tế Mỹ tiếp tục đối mặt với những thách thức mới trong lĩnh vực địa ốc. Số liệu do Hiệp hội các nhà bất động sản Mỹ (NAR) công bố cùng ngày cho thấy trong tháng 9, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ đã giảm 5,6%. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua, do tác động của lãi suất thế chấp tăng cao lên trung bình 4,49% trong tháng Chín cùng với tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại trong quý III chỉ ở mức từ 1,5-2% so với mức 2,5% trong quý II. Thêm vào đó, việc đóng cửa của một số cơ quan Chính phủ Mỹ trong 16 ngày vừa qua, gây thiệt hại ước tính 24 tỷ USD, cũng làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong những tháng cuối năm.
Trước những số liệu cho thấy đà phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Mỹ, chứng khoán phố Wall lại ghi nhận sự biến động trái chiều trong bối cảnh các nhà đầu tư đang hy vọng FED sẽ tạm thời trì hoãn việc thu hẹp quy mô gói cứu trợ thứ 3 (QE3).
Chốt phiên giao dịch ngày 28/10, chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên mức 1.762 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 1,86 điểm, tương đương 0,01%, và chốt phiên ở mức 15.572,14 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite "trượt" 3,23 điểm, tương đương 0,08%, và đóng cửa ở mức 3.940,68 điểm.