Nga và “nỗi đau” giá dầu 30 USD/thùng
Trong bối cảnh giá dầu chạm đáy kỷ lục và đang giao dịch quanh ngưỡng 30 USD/thùng, nước Nga đã bắt đầu cảm nhận “nỗi đau” thực sự.
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết, quốc gia này đang cân nhắc bán bớt tài sản các ngân hàng quốc doanh để giải quyết tình trạng suy giảm ngân sách do giá “vàng đen” quá thấp.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Gaidar tại Moskva mới đây, Bộ trưởng Ulyukayev thông báo, giới chức Nga đang cân nhắc ý tưởng cắt giảm sở hữu quốc doanh tại hai ngân hàng lớn nhất nước này là Sberbank và VTB, bởi lẽ, nhiều khả năng giá dầu thấp sẽ kéo dài trong một thời gian dài, thậm chí “hàng thập kỷ”.
Nga hiện nắm giữ tới 60,9% cổ phần trong VTB và 50% cổ phần trong trong Sberbank. Quốc gia này đã bước vào suy thoái kinh tế năm 2015, do tác động từ giá dầu thế giới sụt giảm mạnh và lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới căng thẳng trong quan hệ với Ukraine.
Về phần mình Sberbank từ chối bình luận về thông tin bán cổ phần, song Giám đốc điều hành ngân hàng này từng trả lời phỏng vấn tờ Handelsblatt hồi tháng 11 năm ngoái về kế hoạch tư nhân hóa, đồng thời khẳng định điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể tình hình của ngân hàng. Trong khi đó, VTB hiện đang chuẩn bị để đưa ra tuyên bố chính thức phản hồi về việc cổ phần hóa.
Chris Weafer, chuyên gia cao cấp tại Macro-Advisory nhận định, bình luận của Bộ trưởng Ulyukayev càng củng cố thêm những đồn đoán về khả năng tư nhân hóa tài sản nhà nước sắp trở thành sự thật.
“Nga hiện đang cần tiền để bù đắp thu ngân sách khi giá dầu giảm mạnh và tư nhân hóa mạnh mẽ một số doanh nghiệp quốc doanh là một lựa chọn khả dĩ”, vị chuyên gia này nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng chia sẻ về quan điểm giá “vàng đen” thấp có thể kéo dài. Thâm hụt ngân sách Nga ở mức khoảng 2,6% GDP năm 2015 và Bộ trưởng Siluanov sẽ phải xem xét lại mức thâm hụt này do yếu tố giá dầu tiêu cực đối với Nga, bởi lẽ thu ngân sách Nga được tính toán dựa trên mức giá dầu trung bình 82 USD/thùng, tức là cao hơn rất nhiều so với tình hình thực tế của giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và giá dầu Brent biển Bắc hiện nay. Hệ quả là, Nga có thể phải cắt giảm chi ngân sách thêm 10%.
Trước đó, Nga đã phải bảo vệ đồng nội tệ bằng cách nâng lãi suất tổng cộng 5 điểm phần trăm. Nếu đồng rouble giảm giá mạnh trong những tuần tới, Nga có thể lại phải nâng lãi suất tiếp. Lạm phát sẽ tăng và suy thoái sẽ kéo dài. Trong kịch bản xấu nhất là giá dầu vẫn ở mức 30 USD/thùng hoặc thấp hơn, ngân khố của Nga sẽ trống rỗng trong chỉ hơn một năm, nước này sẽ chẳng còn gì nhiều sau một thập niên bội thu từ dầu mỏ.
Theo Giám đốc quản lý Christopher Granville của hãng tư vấn đầu tư Trusted Sources, giá dầu ở mức 30 USD/thùng sẽ khiến mức thâm hụt lên đến 5% GDP hoặc hơn. Nếu điều này xảy ra, Tổng thống Vladimir Putin có thể phải chấp nhận việc làm mất lòng cử tri khi tăng thuế và cắt giảm mạnh chi tiêu, điều sẽ khiến nền kinh tế lún sâu hơn vào suy thoái, hoặc sẽ phải khai thác thêm vào số tiền dự trữ đang giảm đi một cách nhanh chóng.
Việc vay mượn trên các thị trường trái phiếu quốc tế hoặc tư nhân hóa là có thể, nhưng không hấp dẫn khi xét đến việc giá cổ phiếu giảm và chi phí vay mượn cao. Sức hấp dẫn của nước Nga đối với nhà đầu tư bị giảm sút thêm vì phương Tây tiếp tục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, mặc dù chúng không trực tiếp cản trở việc vay mượn của Nga.
Hiện lương hưu của người dân Nga tăng thấp hơn mức lạm phát, hàng hóa ngoại nhập và các chuyến đi nghỉ ở nước ngoài sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Cú đánh vào chất lượng cuộc sống này sẽ gợi lại cuộc khủng hoảng tài chính của Nga vào năm 1998, khi chính phủ vỡ nợ và đồng rouble mất 3/4 giá trị.
Chiến lược gia của UBS, Manik Narain, là một trong nhiều nhà phân tích đang xem xét lại các dự đoán của mình về kinh tế Nga. Cuối năm ngoái, ông nhận định đồng rouble sẽ ở mức trung bình 75 rouble = 1 USD vào năm 2016. Theo chuyên gia này, giá dầu càng thấp thì càng khó để dự đoán những hệ lụy đối với đồng rouble và nền kinh tế Nga.