PGS., TS. Ngô Trí Long:

"Kinh tế nước ta đã có bước phục hồi tích cực"

Lược trích ý kiến của PGS.,TS. Ngô Trí Long trong bài "Gỡ "nút thắt" kịp thời để phát triển KT-XH nhanh và bền vững" - Diệp Anh/baochinhphu.vn

PGS.,TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
PGS.,TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Sáu tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp. Trong đó nổi lên là cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với đầu năm sẽ thấp. Lạm phát tăng ở mức cao ở hầu hết các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, 6 tháng đầu năm, kinh tế nước ta đã có bước phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Ở nhiều địa phương, tăng trưởng GRDP đạt mức cao. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng chỉ tăng 2,44%- là mức tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch.

Trong hoàn cảnh khó khăn từ nhiều phía, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu, giảm bớt đà tăng giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, hàng hóa trong nước; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển được tháo gỡ. Tập trung tháo gỡ, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong xếp hạng chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so với năm 2021).

Sau hơn 2 năm hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tính linh hoạt và khả năng đáp ứng với những biến động của hoạt động thương mại quốc tế cũng tốt hơn. Các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ nhu cầu hàng hóa hồi phục để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tận dụng hiệu quả hơn ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nguyên nhân để nền kinh tế nước ta có bước phục hồi nhanh chóng và đạt được những kết quả ấn tượng đó là kết quả tổng hoà của các giải pháp đồng bộ từ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhất là nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và sự đoàn kết tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Từ Chính phủ đến các cấp thực hiện từ bộ, ngành, địa phương đã quán triệt tư tưởng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi, quay trở lại mạnh mẽ mà không có bất kỳ trở ngại nào từ các quy định hành chính. Đó cũng là nhờ quan điểm phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ rất linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện tốt cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.