Kinh tế số trong đại dịch COVID-19
Có thể coi dịch bệnh COVID-19 như một nhân tố để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.
Nhìn lại lịch sử đất nước có thể thấy, sự phát triển luôn gắn với quá trình đổi mới không ngừng. Từ một nước nghèo, lạc hậu, trải qua quá trình đổi mới liên tục, Việt Nam đã trở thành một quốc gia năng động có mức thu nhập trung bình và là một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Thể hiện rõ nét nhất về đổi mới kinh tế là công cuộc Đổi mới năm 1986, Khoán 10,... Tuy nhiên, dù đã bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình của thế giới, Việt Nam vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách với các nền kinh tế thành công trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Vấn đề ở chỗ, nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt được mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan vào thời điểm năm 2010.
Trong khi các quốc gia đứng trên ta không dừng lại để ta đuổi kịp. Khi nước ta đạt mức phát triển của họ thì họ cũng đã bỏ xa ta ở một khoảng cách khác. Do vậy, không còn cách nào khác là phải phát triển nhanh hơn thì mới bắt kịp.
Việt Nam dường như đang ở ngã ba đường, chỉ cần chậm chân một chút, có thể rẽ sang con đường tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với khoảng cách ngày càng xa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Lúc này, kinh tế số hóa là xu thế, không thể quay ngược. Vì kinh tế số giúp tăng nguồn lực cả về nguồn lực con người và nguồn lực tài nguyên, kinh tế số sẽ giảm chi phí sản xuất, tạo sự vượt trội... Và bài toán chiến lược đặt ra với Chính phủ trong giai đoạn then chốt là những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp CMCN 4.0.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, diễn biến phức tạp, người người nhà nhà lo lắng về sức khỏe và giảm tần suất đi đến chỗ công cộng. Doanh nghiệp Việt đã khá nhanh nhạy và nắm bắt xu thế khi vận dụng công nghệ số vào kinh doanh khá thành công.
Bằng chứng, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhất là đợt dịch thứ 4 nay, đã có rất nhiều các kênh bán hàng online, thậm chí cả những trung tâm thương mại lớn hay các cửa hàng ăn uống, cà phê, thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng đã đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng từ khi dịch bệnh khởi phát..v..v.
Không chỉ là hoạt động buôn bán mà các lĩnh vực ngành nghề nhanh chóng chuyển hướng sang số hóa. Các trường học nhất loạt giảng dạy online, các công ty linh động cho nhân viên làm qua mạng, các loại hình quảng cáo cũng chuyển hướng từ offline sang online khá nhiều.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Thương mại – Dịch vụ toàn cầu năm 2021 diễn ra ở Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số sẽ là chìa khóa quan trọng hỗ trợ các nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khai thác tốt hơn các nguồn lực…”.
Thực tế, thời gian qua Việt Nam đã, đang nỗ lực rất nhiều để hội nhập kinh tế, tạo tiền đề thực hiện nền tảng kinh tế số khi tạo được môi trường chính trị ổn định, các chính sách kinh tế tiến bộ và mức tăng trưởng kinh tế số bền vững…
Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế phát triển năng động trong ASEAN, có mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do với trên 60 đối tác, thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, thích ứng nhanh với công nghệ số, tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam là hết sức to lớn..v..v.
Dựa theo báo cáo mới nhất vào tháng 7 của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, kinh tế số của Việt Nam đang đóng góp 8,2% cho GDP. Theo ước tính của Google, Temasek và Bain & Co, đến năm 2025, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể đạt mức 52 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 giá trị nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á trị giá 300 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang đứng trước thời cơ tăng tốc kinh tế số, miễn là giải quyết được các rào cản. Trong đó, 3 điểm chủ chốt là hạ tầng, thể chế và con người, đáng chú ý là vấn đề thể chế.
Bởi vì, tuy đã có nhiều cải cách hành chính, nhưng thể chế chính sách chưa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2035. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt và qua đợt dịch COVID-19 lại càng có thể nắm bắt cơ hội để phát triển. Tức là, có thể coi dịch bệnh COVID-19 như một nhân tố để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.