Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 02-07/04/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Châu Âu

- Châu Âu: Kinh tế của châu Âu đang trên đà phục hồi trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 8,5% vào tháng 02/2018 (tháng 01/2018 là 8,6%). Lạm phát tăng từ 1,1% (tháng 02/2018) lên 1,4% (tháng 3/2018), tiệm cận mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là 2%. Kinh tế châu Âu đang tăng trưởng với tốc độ bền vững, tăng trưởng GDP được cải thiện dần, đạt 2,3% trong năm 2017, mức cao nhất trong một thập kỷ. (Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu - Eurostat ngày 04/4)

- Pháp: Hiện có 1.298 dự án đầu tư được tiến hành tại Pháp trong năm 2017, tăng 16% so với năm 2016, trong đó: 50% là những dự án mới và dự án mở rộng; 412 công ty lần đầu tiên đầu tư vào nước Pháp, tăng 20% so với năm trước đó.

Các nhà đầu tư từ châu Âu chiếm 58% tổng số dự án, song các công ty Hoa Kỳ lại dẫn đầu về tạo việc làm cho Pháp (gần 33.500 việc làm, tăng 11% so với năm 2016).Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết, sự gia tăng đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài cho thấy kinh tế đã ổn định và những chính sách (như cắt giảm thuế doanh nghiệp), các quy tắc lao động linh hoạt… đang phát huy hiệu quả. (Theo Cơ quan Thương mại và đầu tư Pháp - Business France ngày 04/4)

- Nga:

+ Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) sẽ thành lập một bộ phân đặc biệt để xử lý số nợ xấu (18 tỷ USD) của các ngân hàng nhằm làm lành mạnh hệ thống tài chính của đất nước. BoR đã giải cứu 3 ngân hàng lớn trong năm 2017 là Otkritie, B&N Bank và Promsvyazbank theo một cơ chế mới cho phép các ngân hàng lớn phá sản mà không gây hiệu ứng domino đến nền kinh tế. (Theo Phó Chủ tịch BoR Vasily Pozdyshev ngày 03/4)

+ Ngân hàng Sberbank CIB, một chi nhánh của ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank, có kế hoạch tăng gấp đôi lượng vàng xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, đồng thời tăng lượng bán sang Trung Quốc. Trong quý I/2018, Sberbank đã bán cho Trung Quốc 14 tấn vàng, cao gần gấp 3 lần so với cả năm 2017 (5 tấn).

Do vậy, doanh số bán vàng vào thị trường Trung Quốc trong năm 2018 sẽ cao hơn con số 20 tấn dự báo trước đó. Ngoài ra, Sberbank cũng dự định xuất khẩu 25 - 30 tấn vàng sang Ấn Độ, thị trường thứ 2 thế giới (năm 2017 Sberbank đã xuất khẩu 10 tấn vàng sang thị trường Ấn Độ). (Theo Hãng tin Reuters ngày 04/4)

Châu Á

Châu Á

Châu Á đang chiếm vị thế rất cao khi có nhiều thành phố lọt vào danh sách 10 thành phố có giá thuê nhà đắt nhất thế giới, gồm: Tokyo, Hồng Kông, Dubai, Bắc Kinh và Thâm Quyến. Trong khi đó, châu Âu có 3 thành phố với giá thuê nhà thấp hơn (London, Amsterdam, Dublin) và châu Mỹ chỉ có 2 đại diện (New York, San Francisco) ghi tên trong danh sách này.

Không chỉ có giá thuê nhà đắt đỏ nhất ở phân khúc cao cấp, các đại diện của châu Á còn có chỉ số tăng trưởng lý tưởng (2,2 - 13,4%) trong năm 2017, ngoại trừ Dubai bị sụt giảm. (Theo kết quả nghiên cứu giá thuê nhà ở cao cấp đắt nhất toàn cầu của Công ty TNHH Savills Vieland ngày 01/4)

Hàn Quốc

- Ngày 05/4, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất một khoản ngân sách bổ sung 3.900 tỷ KRW (khoảng 3,69 tỷ USD) nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới cho giới trẻ của nước này, do tình trạng thất nghiệp đang ngày càng gia tăng. Trong đó 2.600 tỷ KRW sẽ lấy từ nguồn thặng dư thuế, phần còn lại từ các quỹ do các công ty nhà nước điều hành.

Khoảng 2.900 tỷ KRW sẽ được trợ cấp cho việc tuyển dụng lao động mới làm việc dài hạn tại các công ty nhỏ và ưu đãi thuế người lao động mới và các công ty. Số tiền 1.000 tỷ KRW được dùng để hỗ trợ những người mất việc do tái cơ cấu ngành đóng tàu và tự động hóa. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên sẽ giảm xuống dưới 8% vào năm 2021 và đến hết năm 2021 sẽ có thêm 220.000 việc làm.

- Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) sẽ sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và duy trì sự ổn định tài chính, tuy nhiên BoK sẽ thận trọng hơn trong việc nới lỏng tiền tệ sau khi kiểm tra những thay đổi trong nền kinh tế, tránh các rủi ro tài chính tiềm tàng như nợ lớn của các hộ gia đình và dòng vốn nước ngoài. (Theo Thống đốc BoK Lee Ju-yeol ngày 02/4)

- Hàn Quốc sẽ giảm sự lệ thuộc về thương mại vào Trung Quốc và Hoa Kỳ, hướng tới các nền kinh tế đang nổi lên để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Trong năm 2017, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc và Hoa Kỳ chiếm 36,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hàn Quốc đang tìm cách làm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và có kế hoạch xây dựng các mối quan hệ kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ; tăng cường hợp tác kinh tế với Nga và các nước láng giềng của Nga. (Theo Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong ngày 05/4)

- Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đến cuối tháng 3/2018 đạt kỷ lục 396,75 tỷ USD, tăng 1,95 tỷ USD so với tháng 2. Tính đến cuối tháng 02/2018, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí thứ 9 thế giới về quy mô dự trữ ngoại hối. Vị trí số 1 thuộc về Trung Quốc với 3.134,5 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản, Thụy Sỹ, Saudi Arabia, Đài Loan...(Theo BoK ngày 04/4)

Singapore

- Nhu cầu đầu tư cơ sở của ASEAN sẽ đạt khoảng 2.800 tỷ USD từ nay cho đến năm 2030, tương đương 184 tỷ USD mỗi năm. Singapore đề xuất 3 giải pháp khai thác vốn từ khu vực tư nhân để tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm: (i) Cải thiện tính minh bạch; (ii) Nâng cao khả năng thanh toán; (iii) Tăng cường hệ thống dữ liệu về các cơ hội và dự án đầu tư trong khu vực. (Theo Bộ trưởng Tài chính Singapore, Heng Swee Keat ngày 05/4)

- Chỉ số theo dõi giá nhà ở tại Singapore đã tăng 3,1% trong quý I/2018, tăng 0,8% so với quý IV/2017, đánh dấu quý thứ ba liên tiếp tăng, do Chính phủ đã giảm các biện pháp “làm nguội” thị trường bất động sản thông qua việc bổ sung thuế (trong tháng 02/2018. Chính phủ Singapore đã đánh thuế vào các khoản mua nhà vượt quá 1 triệu SGD, tương ứng 746.000 USD) và giới hạn mức cho vay; giá nhà ở khu vực trung tâm tăng 5%.

Trong năm 2017 có 90% căn hộ mới được bán ở mức giá dưới 2 triệu SGD, cho thấy người mua đang lựa chọn những căn hộ nhỏ hơn để phù hợp với túi tiền khi giá nhà tăng cao. Nếu phần lớn các giao dịch có mức giá 2,5 triệu SGD thì nhu cầu nhà ở sẽ giảm đi. (Theo Cơ quan Tái phát triển Đô thị Singapore ngày 03/4)

Hoa Kỳ

Trong quý IV/2017, tỷ trọng của đồng USD trong các kho dự trữ tiền tệ toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, trong khi tỷ trọng của các đồng tiền khác lại gia tăng.

Dự trữ đồng USD ở mức 6.280 tỷ USD, tương đương 62,7% dự trữ tiền tệ toàn cầu, đánh dấu mức thấp nhất 61,24% trong quý IV/2013, do tốc độ tăng trưởng bên ngoài Hoa Kỳ có xu hướng mạnh lên và các ngân hàng trung ương lớn khác cân nhắc việc giảm chương trình kích thích kinh tế. Tuy vậy, đồng USD hiện vẫn duy trì vị thế là đồng tiền dự trữ lớn nhất.(Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 04/02)

Ngày 05/4, Hãng Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã quyết định giữ nguyên mức tín nhiệm AAA của Hoa Kỳ, nhờ triển vọng tích cực của nền kinh tế, như dự trữ ngoại tệ dồi dào, thu nhập bình quân đầu người cao, môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, Fitch cảnh báo mức vay đang tăng nhanh cùng với sự mất cân bằng về tài chính kéo dài có thể khiến nợ công của Hoa Kỳ tăng lên 129% GDP vào năm 2027, nếu không có giải pháp kịp thời. Mặc dù trong những năm qua, Chính phủHoa Kỳ đã có những chính sách nới lỏng tài chính, song mức nợ của nước này vẫn chứa đựng nhiều rủi ro hơn so với các nước cùng hạng AAA khác.

Đến ngày 12/9, nợ công của Chính phủ Hoa Kỳ đã lên tới 20.160 tỷ USD, trung bình mỗi người dân Hoa Kỳ phải gánh nợ 62.000 USD. Kể từ năm 1962 đến nay, Quốc hội nước này đã hơn 70 lần điều chỉnh ngưỡng an toàn nợ công. Tần suất điều chỉnh tăng cao kể từ năm 2002 đến nay. (Theo Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế - Fitch ngày 05/4)

Trung Quốc

Năm 2017, nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng lên 49% GDP, từ 17,9% GDPnăm 2008, trung bình tăng khoảng 3,5 điểm phần trăm một năm. Chỉ riêng trong năm 2016 và 2017, mức tăng khoảng 4,9 điểm phần trăm. Giai đoạn 1993 - 2008, tỷ lệ nợ hộ gia đình Trung Quốctăng từ 8,4% lên 17,9% GDP, tương đương mức tăng 0,65 điểm phần trăm một năm.

Nợ hộ gia đình tăng cao (chủ yếu dưới dạng thế chấp) đang được Chính phủ Trung Quốc giám sát chặt chẽ. Tháng 01/2018, cơ quan quản lý ngành ngân hàng cho biết sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ hộ gia đình và hạn chế việc sử dụng sai mục đích các khoản vay tiêu dùng và thẻ tín dụng. (Theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc giaTrung Quốc ngày 29/3)

Thặng dư tài khoản vãng lai trong năm 2017 đạt 164,9 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP, trong đó tài sản dự trữ tăng tiếp tục đưa Trung Quốc là nước có tài sản dự trữ lớn nhất thế giới. Trung Quốc sẽ duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai trong khoảng hợp lý và dòng vốn qua biên giới sẽ vẫn ổn định. (Theo Cục Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc - SAFE ngày 02/4)

Tổng nợ của Trung Quốc ở thời điểm cuối năm 2018 sẽ đạt khoảng 260% GDP, tương đương cùng kỳ năm 2017, điều này đồng nghĩa với tốc độ tăng nợ đang chậm lại, tương đương với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tình hình nợ tại Trung Quốc căng thẳng nhất vào năm 2017. Theo giới chuyên gia kinh tế, nợ của Trung Quốc dao động khoảng 200 - 283% GDP cuối năm 2017 và sẽ giảm dần nhờ các chính sách tích cực của Chính phủ cũng như tình hình lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện.(Theo khảo sát của Bloomberg ngày 03/4)

Để bảo vệ lợi ích và bù đắp thiệt hại từ những biện pháp của Hoa Kỳ, từ ngày 02/4, Trung Quốc sẽ dừng các cam kết giảm thuế có liên quan tới 128 sản phẩm thuộc 7 nhóm sản phẩm được nhập khẩu từ Hoa Kỳ, trong đó 120 sản phẩm sẽ chịu mức thuế 15%, 8 sản phẩm còn lại chịu mức thuế 25%. Với những sản phẩm có thể bị tăng thuế lên 25%, Trung Quốc chưa thực hiện ngay, mà dành thời gian để hai bên thỏa thuận. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 01/4)

Chính phủ Trung Quốc ngày 04/4 quyết định cắt giảm khoản phí trên 300 tỷ NDT (khoảng 47,6 tỷ USD)/năm đối với các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Đợt cắt giảm này bao gồm việc giảm các loại phí liên quan tới những dự án bảo tồn nguồn nước, sử dụng năng lượng và dịch vụ hậu cần; giảm các loại phí về thủ tục hành chính; cắt giảm cước dịch vụ viễn thông nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.

 

Nhật Bản

Chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất lớn ở Nhật Bản đã giảm 2 điểm trong quý I/2018 xuống còn 24 điểm, so với mức 25 điểm các nhà dự báo đưa ra trước đó.

Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phi sản xuất, chỉ số lạc quan cũng giảm 2 điểm trong quý I, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 6 quý, còn 23 điểm, so với mức dự báo 24 điểm. Niềm tin của giới doanh nghiệp Nhật Bản suy giảm cho thấy đồng JPY mạnh đang làm tổn hại tới các công ty của nước này. (Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ ngày 02/4)

Canada

Sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Canada sang Hoa Kỳ đang diễn ra khá mạnh, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ sạch. Điều này không chỉ làm cho Canada mất đi nguồn tài chính, mà còn bị mất nguồn lực trí tuệ từ những kỹ sư, chuyên gia công nghệ.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do tương lai bất định của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA); quan trọng hơn là do chính sách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Hoa Kỳ làm giảm lợi thế cạnh tranh của Canada, khuyến khích các công ty của Hoa Kỳ rút khỏi Canada. (Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) Dave McKay ngày 04/4)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua giảm.Tính chung cả tuần (02/4 - 06/4/2018), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,71%; 1,38% và 2,1% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (30/3/2018).Trong ngày giao dịch ngày 06/4/2018:

+ Dow Jones giảm 572,46 điểm (-2,34%), xuống 23.932,76 điểm.

+ S&P 500 giảm 58,37 điểm (-2,19%), xuống 2.604,47 điểm.

+ Nasdaq giảm 161,44 điểm (-2,28%), xuống 6.915,11 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,09 điểm (-0,62%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (06/4/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 326,25 điểm (1,11%) lên 29.844,94 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 7,94 điểm (-0,3%) xuống 2.429,58 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 77,9 điểm (-0,36%) xuống 21.567,52 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,1 điểm xuống 5.788,7 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc): Đóng cửa nghỉ lễ.

Dầu mỏ

Tuần từ 02/4 - 06/4/2018, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 4,43%; 4,5%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (06/4/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 5/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,48 USD (-2,38%) xuống 62,06 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,22 USD (-1,82%) xuống 67,11 USD/thùng.

Nhận định
chuyên gia

Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế -OECD (03/4):

Cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người lao động tại các nước phát triển trong những năm tới, do cứ 7 người lao động (tại 32 nước phát triển mà OECD tiến hành nghiên cứu) thì có 1 người cần được hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới, bởi những công việc hiện tại sẽ được thay thế bằng robot hoặc hệ thống tự động hóa.

Nguy cơ mất việc làm ở các nước rất khác nhau, các nước nói tiếng Anh, các nước Bắc Âu và Hà Lan là những nước có việc làm liên quan đến tự động hóa ít hơn so với các nước ở Đông Âu, Nam Âu, Đức, Chile và Nhật Bản.

Anh là nước ít bị ảnh hưởng nhất. Tự động hóa sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành công nghiệp và một số lĩnh vực dịch vụ (như đưa thư, vận chuyển bưu phẩm, giao thông đường bộ và ngành dịch vụ ăn uống).

Cựu Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos M. Gutiérrez (04/4):

Khi xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng, nhưng Mexico lại có cơ hội thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư trong trung hạn, cũng như thúc đẩy giao thương với Trung Quốc.

Các doanh nghiệp của Trung Quốc có thể quyết định đặt các nhà máy sản xuất ở Mexico. Điều này giúp vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đổ vào Mexico tăng mạnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp Mexico có thể thâm nhập hoặc mở rộng thị trường tại Trung Quốc để cạnh tranh với các sản phẩm của Hoa Kỳ vì giá các sản phẩm của Hoa Kỳ sẽ cao hơn do bị áp thuế mới.