Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 06-11/02/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Anh: Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 3 năm 2017 - 2019 lần lượt là 2%, 1,6% và 1,7%, cao hơn các mức tương ứng là 1,4%, 1,5% và 1,6% (dự báo tháng 10/2016), do chỉ số tiêu dùng và thị trường tín dụng tăng trưởng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2016. (Theo Ngân hàng Trung ương Anh - BoE ngày 02/02)

- Thái Lan: Chính Phủ Thái Lan nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 lên 3,6%, cao hơn mức dự báo tăng 3,4% trước đó, sau khi Chính phủ quyết định tăng chi ngân sách lên 190 tỷ THB (5,3 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2017 tăng khoảng 2,5-3,5%, thậm chí có thể đạt 5% (nếu giá dầu đạt 50-60 USD/thùng; tỷ giá đồng THB so với đồng USD được duy trì ở mức 35,5-37,5 THB/USD). (Theo TTXVN ngày 07/02)

- Indonesia: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 5,02%, cao hơn mức tăng 4,88% của năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 5,3% Chính phủ đề ra. (Theo Cục Thống kê Indonesia ngày 06/02)

- Nga: Lạm phát trong tháng 01/2017 tăng 5% - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 6/2012 và thấp hơn dự báo (5,1%), do chi phí thực phẩm, quần áo và nội thất gia đình đều giảm. (Theo Cục Thống kê Liên bang Nga ngày 06/02)

- Brazil: Lạm phát tháng 01/2017 giảm tháng thứ 5 liên tiếp xuống 5,35% - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2012 và thấp hơn dự báo (5,41%), do nhu cầu tiêu dùng giảm. Dự báo trong năm 2017, lạm phát tăng khoảng 4%. (Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil ngày 08/02)

- Philippines: Lạm phát trong tháng 01/2017 tăng 2,7% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/2014, do chi phí nhà ở, sinh hoạt và giao thông tăng nhanh. (Theo Văn phòng Thống kê Philippines ngày 07/02)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều tăng điểm trong tuần qua do giới đầu tư tin rằng tân Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện những cam kết như nới lỏng các quy định, giảm thuế... Tính chung cả tuần (06 - 10/02/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 1%; 0,8% và 1,2% so với chốt phiên giao dịch của tuần 03/02/2017.Trong ngày giao dịch cuối tuần (10/02/2017), so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 20.269,37 điểm, tăng 0,48%.

+ S&P 500 đạt 2.316,10 điểm, tăng 0,4%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.734,13 điểm, tăng 0,3%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính tăng điểm trong tuần qua do sự khởi sắc của phố Wall sau khi Tổng thống Hoa Kỳ cho biết sẽ ban hành chính sách giảm thuế trong vài tuần tới. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,27% lên 143,88 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 2,44% lên 19.378,93 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 1,93% lên 3.196,699 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 1,8% lên 23.574,98 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,47% lên 5.720,610 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,03% xuống 2.075,08 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 06/02-10/02/2017, giá dầu tăng/giảm trái chiều, giá dầu WTI tăng 0,06% còn giá dầu Brent giảm 0,2%. Đà phục hồi của giá dầu thế giới trong ba phiên cuối tuần đã không đủ để bù đắp cho xu hướng giảm mạnh từ đầu tuần do tình trạng dư cung khi sản lượng dầu của Hoa Kỳ tiếp tục tăng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (10/02/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 4/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,86 USD (1,6%) lên 53,68 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,07 USD (1,9%) lên 56,70 USD/thùng.

Châu Âu

EU

Sau 2 năm thực hiện kế hoạch đầu tư chiến lược, châu Âu đã huy động được 168 tỷ EUR để đầu tư cho các nước thành viên, đạt hơn một nửa so với mục tiêu đề ra là thu hút 315 tỷ EUR trong thời hạn 4 năm. (Theo Ủy ban châu Âu - EC ngày 07/02)

Đức

- Trong tháng 12/2016:

+ Lượng đơn đặt hàng mới của các nhà máy tại Đức tăng 5,2% - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2014 và cao hơn mức dự báo tăng 0,5% của Reuters. Trong đó, lượng đơn đặt hàng trong nước tăng 6,7%, nước ngoài tăng 3,9%.

+ Sản lượng công nghiệp của Đức giảm 3% - mức giảm mạnh nhất tính từ tháng 01/2009, ngược lại với dự báo tăng 0,3% và mức tăng 0,5% trong 2 tháng 10 và 11.

(Theo Cơ quan Thống kê Đức ngày 06/02)

- Trong năm 2016, thặng dư thương mại của Đức đạt mức cao kỷ lục 253 tỷ EUR mặc dù kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1,2% lên 1.208 tỷ EUR, kim ngạch nhập khẩu tăng 0,6% lên 955 tỷ EUR. (Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức - Destatis ngày 09/02)

Châu Á

- Hàn Quốc: Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc trong tháng 01/2017 tăng lên 374,04 tỷ USD sau khi giảm trong 3 tháng liên tiếp, chủ yếu do đồng USD giảm giá làm tăng giá trị của các tài sản được định giá bằng đồng tiền khác. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 03/02)

- Indonesia: Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (08/02) quyết định nâng triển vọng xếp hạng của Chính phủ Indonesia từ ổn định lên tích cực và xếp hạng tín dụng dài hạn duy trì ở mức Baa3, do “tính dễ tổn thương” đối với các cú sốc bên ngoài đã giảm; kinh tế vĩ mô và kỷ luật tài chính dần ổn định, cho thấy chính sách kinh tế phát huy hiệu quả.

- Malaysia: Trong tháng 12/2016, Malaysia đạt thặng dư thương mại 8,7 tỷ MYR - mức thấp nhất từ tháng 9/2016 và thấp hơn dự báo 9,3 tỷ MYR. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 10,7% lên 75,5 tỷ MYR; kim ngạch nhập khẩu tăng 11,5% lên 66,8 tỷ MYR. (Theo Văn phòng Thống kê Malaysia ngày 08/02)

- Singapore: Ngày 09/02, Ủy ban Kinh tế tương lai của Singapore (CFE) đã đưa ra 7 chiến lược thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tập trung vào các lĩnh vực: (i) Đa dạng hóa các kết nối quốc tế nhằm tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội thâm nhập các thị trường mới; (ii) Hình thành các kỹ năng chuyên sâu cho người lao động; (iii) Tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; (iv) Tạo lập nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ; (v) Tăng cường kết nối các cơ hội kinh doanh; (vi) Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp; (vii) Mở rộng các quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược để phát triển và đổi mới. (Theo TTXVN ngày 09/02)

Hoa Kỳ

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên trong tuần (23-28/01) là 246 nghìn đơn, giảm 14 nghìn đơn so với tuần trước đó, dưới ngưỡng 300 nghìn đơn (ngưỡng đảm bảo thị trường lao động phát triển tốt) tuần thứ 100 liên tiếp, thời gian dài kỷ lục kể từ năm 1970. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 02/02)

Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ trong tháng 12/2016 giảm 3,2% xuống 44,3 tỷ USD, thấp hơn mức dự báo thâm hụt 45 tỷ USD của Bloomberg, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 2,7% lên 190,7 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 9/2012; kim ngạch nhập khẩu tăng 1,5% lên 235 tỷ USD. Trong năm 2016, thâm hụt thương mại tăng 0,5% so với năm 2015 lên 502,3 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2012. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 07/02)

Trung Quốc

Trong tháng 01/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI của Trung Quốc giảm xuống 52,2 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016, từ mức 53,5 điểm của tháng 12/2016. Trong đó, PMI lĩnh vực dịch vụ giảm xuống 53,1 điểm, PMI lĩnh vực chế tạo giảm xuống 51 điểm, từ các mức tương ứng 53,4 điểm và 51,9 điểm của tháng 12/2016. (Theo Tân Hoa xã ngày 06/02)

Thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đạt 37,6 tỷ USD trong quý IV/2016, giảm so với mức 91,9 tỷ USD cùng kỳ năm 2015 do kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh và đạt 210,4 tỷ USD trong năm 2016, giảm so với mức 330,6 tỷ USD của năm 2015. (Theo Cục Quản lý nhà nước về ngoại hối Trung Quốc ngày 08/02)

Trong tháng 01/2017, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm 12,3 tỷ USD xuống 2,998 nghìn tỷ USD - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2011, thấp hơn mức dự báo 3,004 nghìn tỷ USD của Bloomberg, sau khi đồng nhân dân tệ giảm mạnh trong năm 2016. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/02)

Nhật Bản

Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong năm 2016 tăng 25,8% so với năm 2015 lên 20,65 nghìn tỷ JPY (183,86 tỷ USD) - mức cao nhất trong 9 năm, trong đó thặng dư tài khoản hàng hóa đạt 5,58 nghìn tỷ JPY, sau khi thâm hụt 628,8 tỷ JPY trong năm 2015. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 08/02)

Số lượng đơn đặt hàng máy móc (không bao gồm tàu và thiết bị điện tử) của Nhật Bản trong tháng 12/2016 tăng 6,7% so với tháng 11 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2016 và cao hơn dự báo tăng 3,1%, sau khi giảm 5,1% trong tháng 11. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 09/02)

Giá sản xuất tại Nhật Bản trong tháng 01/2017 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2016, sau 21 tháng liên tiếp sụt giảm, do sự tăng giá của nguyên liệu và hóa chất. (Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngày 10/02)

Australia

Doanh số bán lẻ thực tế của Autralia trong quý ​IV/2016 tăng 0,9%, sau khi ổn định trong quý III, một tín hiệu cho thấy nền kinh tế nước này có thể tránh được cuộc suy thoái đầu tiên trong 25 năm qua, sau khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bất ngờ giảm trong quý III. Hoạt động bán lẻ đóng góp khoảng 17% GDP của Australia, tương đương 1,6 nghìn tỷ AUD (1.228 tỷ USD) và là lĩnh vực sử dụng lao động nhiều thứ hai sau ngành y tế. (Theo Cơ quan Thống kê Australia - ABS ngày 06/02)

Canada

Cơ quan Thống kê Canada (07/02) cho biết, trong tháng 12/2016, Canada đạt thặng dư thương mại 923 triệu CAD (700 triệu USD) nhờ xuất khẩu tăng cao kỷ lục 46,4 tỷ CAD (35,3 tỷ USD) do giá năng lượng cao. Trong năm 2016, Canada thâm hụt thương mại 26,1 tỷ CAD (19,8 tỷ USD), cao hơn so với mức 23 tỷ CAD (17,5 tỷ USD) của năm 2015.

Đàm phán - Ký kết

Đức và Uruguay

Ngày 08/02, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Uruguay Tabare Vazquez cam kết nỗ lực thúc đẩy và kết thúc sớm tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Âu (EU) kéo dài từ năm 1999.(Theo TTXVN ngày 08/02)

Chính sách

- Trung Quốc: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 03/02 bất ngờ tăng lãi suất ngắn hạn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang dần ổn định.Cụ thể, lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày tăng từ 2,25% lên 2,35%; lãi suất cho vay qua đêm đối với các khoản vay ngắn hạn thuộc cơ chế cho vay thường trực (SLF) tăng từ 2,75% lên 3,1%. Động thái trên nhằm ngăn chặn dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc và những rủi ro đối với hệ thống tài chính trong nước do tình trạng đầu tư ồ ạt dựa trên nguồn vốn vay trong nhiều năm qua.

- Nga: Ngân hàng Trung ương Nga ngày 03/02 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 10%, đồng thời cho biết khả năng cắt giảm lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2017 khó xảy ra trong bối kinh tế Nga đối mặt với nhiều bất ổn về kinh tế và chính trị trên thế giới.

Do lo ngại đồng ruble tăng giá quá mạnh sẽ tác động tiêu cực đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Tài chính Nga sẽ bắt đầu mua lượng ngoại tệ trị giá 6,3 tỷ ruble (106,1 triệu USD)/ngày kể từ ngày 07/02 đến ngày 06/3, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Nga vào giá dầu. (Theo Ngân hàng Trung ương Nga ngày 03/02)

- Australia: Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) ngày 07/02 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5% để hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế và góp phần thực hiện mục tiêu lạm phát.

Nhận định
chuyên gia

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB Mario Draghi (06/02):

Lạm phát tại Eurozone đã tăng mạnh lên mức 1,8% trong tháng 01/2017, mức cao nhất trong gần bốn năm gần đây, tuy nhiên việc áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn cần thiết để đưa lạm phát lên mức mục tiêu cận 2% mà ECB đề ra, do sức ép đối với giá hàng hóa ở Eurozone vẫn thấp trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao và năng suất lao động tăng trưởng chậm, làm cản trở mức tăng lương.

Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ Hiroshi Nakaso nhận định (09/02):

Nền kinh tế Nhật Bản vẫn cần sự hỗ trợ lớn từ chính sách tiền tệ để đối phó với những bất ổn từ bên ngoài và lạm phát yếu ở trong nước, do BoJ phải thực hiện mua vào một lượng lớn trái phiếu chính phủ bởi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trong tuần đầu tháng 02/2017của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm.