Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 11-16/3/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Thổ Nhĩ Kỳ: Nền kinh tế nước này đã bước vào cuộc suy thoái đầu tiên trong thập kỷ qua. GDP của Thổ Nhĩ Kỳ trong quý IV/2018 đã giảm 2,4% so với quý III và giảm 3% so với cùng kỳ năm 2017. Cả năm 2018, GDP của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 2,6%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2017. (Theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ - TUIK ngày 11/3)

- Pháp: Tăng trưởng kinh tế quý I/2019 được dự báo giảm xuống 0,3% so với ước tính trước đó là 0,4%, do lo ngại triển vọng ảm đạm của khối Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong bối cảnh các hoạt động kinh tế diễn ra chậm và rủi ro thương mại liên tục xảy ra. Tăng trưởng kinh tế của Pháp trong năm 2019 được dự báo đạt 1,5%. (Theo Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 11/3)

- Myanmar: Tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 dự báo đạt 6,2%, thấp hơn mốc 6,8% trong năm 2018, nhờ các biện pháp cải cách kinh tế như xây dựng bộ luật doanh nghiệp mới nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài; đề xuất miễn thuế theo vùng cho các doanh nghiệp đầu tư vào dự án thành phố Yangon mới, nới lỏng các quy định thị thực; ngân hàng nước ngoài được phép cho các công ty trong nước vay bằng đồng nội tệ của Myanmar theo mức lãi suất cho vay tiêu chuẩn là 13%, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng… (Theo Ngân hàng Thế giới - WB ngày 12/3)

- Nhật Bản: Kinh tế quý IV/2018 tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn 0,5% so với dự báo được đưa ra vào tháng 02/2019; tuy nhiên, chi phí tài sản cố định tăng 2,7%, cao hơn 0,3%; tiêu dùng cá nhân chỉ tăng 0,4%, giảm 0,2%; đầu tư công cộng cũng giảm 1,7%, thấp hơn mức giảm 1,2%. Xuất khẩu ròng giảm sút trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc yếu đã kéo GDP thực tế giảm 0,3 điểm phần trăm; đồng thời cũng có thể làm cho GDP trong quý I/2019 giảm. (Theo Văn phòng Nội các Nhật bản ngày 08/3)

- Trung Quốc: Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định khi các chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2019 đều cho thấy triển vọng lạc quan. Đầu tư tài sản cố định tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức ghi nhận trong năm 2018; doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018, tương đương với tháng 12/2018; cơ cấu công nghiệp tiếp tục được cải thiện, với sản lượng trong các ngành công nghiệp mới tăng 10,1%, cao hơn 4,8 điểm phần trăm so với tăng trưởng sản lượng công nghiệp nói chung; sản lượng của các phương tiện năng lượng mới tăng 53,3%, trong khi sản xuất pin mặt trời tăng 13,5%; đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và cải tiến công nghệ công nghiệp tăng lần lượt 8,6% và 19,5%, đều tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của đầu tư tài sản cố định; chỉ số niềm tin tiêu dùng của Trung Quốc tăng 2,3 điểm lên 126 điểm, cho thấy triển vọng tích cực so với kỳ vọng của thị trường… (Theo Cục Thống kê Quốc gia - NBS ngày 14/3)

Lạm phát

- Pháp: Tỷ lệ lạm phát trong tháng 02/2019 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn mức 1,2% của tháng 1. Giá năng lượng và thực phẩm tăng nhanh, trong khi lạm phát dịch vụ chậm lại và giá sản xuất tiếp tục giảm. Tỷ lệ lạm phát ở Pháp trung bình đạt 4,39% trong giai đoạn 1958 - 2019. (Theo INSEE, Bộ Tài chính - Kinh tế Pháp ngày 14/3)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Trong tuần từ ngày 11 - 15/3/2019, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 1,57%; 2,89% và 3,78% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (08/3/2019). Trong ngày giao dịch 15/3/2019:

+ Dow Jones tăng 138,93 điểm (+0,54%) lên 25.848,87 điểm.

+ S&P 500 S&P 500 tăng 14,00 điểm (+0,50%) lên 2.822,48 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 57,62 điểm (+0,76%) lên 7.688,53 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,85 điểm (+1,82%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (15/3/2019) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 163,83 điểm (+0,77%) lên 21.450,85 điểm.

- Shanghai Composite (Thượng Hải) tăng 31,07 điểm (+1,04%) lên 3.021,75 điểm.

- Hang Seng (Hồng Kông) tăng 160,87 điểm (+0,56%) lên 29.012,26 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 11 - 15/3/2019, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt 4,37% và 2,16%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (08/3/2019), giá dầu thô kỳ hạn:  

- Dầu WTI của Hoa Kỳ giảm 0,09 USD (-0,15%) xuống 58,52 USD/thùng.

- Dầu Brent giảm 0,07 USD (-0,10%) xuống 67,16 USD/thùng.

Châu Á

- Philippines:

+ Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Philippines trong tháng 01/2019, chiếm 22,2% thị phần nhập khẩu. Hàn Quốc đứng thứ hai với giá trị nhập khẩu là 789,56 triệu USD, giảm 12,3% so với tháng 01/2018. Nhật Bản đứng thứ ba với giá trị nhập khẩu là 789 triệu USD, giảm 6,2% so với tháng 01/2018.

Tiếp đến là Hoa Kỳ và Thái Lan với giá trị nhập khẩu lần lượt là 650,68 triệu USD (giảm 7,3%) và 602.67 triệu USD (tăng 11,7%). Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Philippines trong tháng 01/2019 đạt 14,31 tỷ USD, tăng 2,9%  so với 13,91 USD của tháng 01/2018.

Trong đó, xuất khẩu đạt 5,28 tỷ USD chiếm 36,9%; nhập khẩu đạt 9,03 tỷ USD, chiếm 63,1%. Cán cân thương mại hàng hóa của Philippines thâm hụt 3,76 tỷ USD, cao hơn so với mức thâm hụt 3,16 tỷ USD của tháng 01/2019. (Theo cơ quan Thống kê Philippines - PSA ngày 12/3)

+ Trong tháng 02/2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Philippines đạt khoảng 1,4 tỷ USD, thấp hơn 31,6% so với mức 2,1 tỷ USD trong tháng 1; nhưng tăng 34,9% so với mức 1 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.

Khoảng 77,4% các khoản đầu tư được đăng ký trong tháng 2 là vào các chứng khoán niêm yết của PSE, chủ yếu liên quan đến các ngân hàng, công ty mẹ, công ty bất động sản, công ty thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, các công ty vận tải; trong khi 22,4% chuyển sang chứng khoán chính phủ tính bằng đồng peso và số dư 0,2% chuyển sang các công cụ nợ khác tính bằng đồng peso. Anh, Hoa Kỳ, Singapore, Luxembourg và Na Uy là 5 quốc gia đầu tư hàng đầu trong tháng 2.

Tổng vốn đầu tư của Philippines ra nước ngoài trong tháng 02/2019 đạt đạt khoảng 1,1 tỷ USD, thấp hơn mức 1,3 tỷ USD của tháng 1 và 1,6 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ tiếp tục là điểm đến chính của các khoản chi với 80,3% tổng vốn đầu tư. Như vậy, đầu tư ròng trong tháng 02/2019 đạt 340 triệu USD, do sự lạc quan của nhà đầu tư về việc giải tỏa căng thẳng thương mại quốc tế, kỳ vọng sẽ thúc đẩy nguồn cung gạo trong nước và giảm lạm phát.(Theo Ngân hàng Trung ương Philippines ngày 14/3)  

- Hàn Quốc:

+ Năm 2018, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành nước đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu dầu thô của Hoa Kỳ, nhờ sự cạnh tranh về giá; căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày Hàn Quốc nhập khẩu 236 nghìn thùng dầu của Hoa Kỳ. Canada dẫn đầu với mức nhập khẩu trung bình 378 nghìn thùng dầu/ngày, Trung Quốc đứng thứ ba với 228 nghìn thùng/ngày. (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA và Hãng S&P Global Platts ngày 12/3)

+ Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 108,7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu chế phẩm nhựa đạt mức cao nhất 5,1 tỷ USD; tiếp đó là xuất khẩu mỹ phẩm (4,6 tỷ USD), tăng 25% do sự bùng nổ của làn sóng “K-Beauty”, công nghệ làm đẹp của Hàn Quốc; trang thiết bị dùng trong ngành sản xuất chíp bán dẫn và ngành sản xuất màn hình phẳng đạt 2,9 tỷ USD, nhờ sự thịnh vượng của thị trường chíp bán dẫn.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chíp bán dẫn lại giảm 5,4% xuống 2,7 tỷ USD; phụ tùng ô tô giảm 8,5% xuống 4,3 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, với mức tăng trưởng đạt 11,2%; tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam và Nhật Bản. (Theo TTXVN ngày 13/3)

Indonesia

Thặng dư thương mại tháng 02/2019 của Indonesia là 0,33 tỷ USD, tăng so với 0,05 tỷ USD của tháng 02/2018. Đây là tháng thặng dư thương mại đầu tiên kể từ tháng 9/2018, do xuất khẩu giảm 11,33%, trong khi nhập khẩu sụt giảm nhanh hơn ở mức 13,98% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 2 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại của Indonesia ghi nhận mức thâm hụt 0,83 tỷ USD, tăng so với 0,81 tỷ USD cùng kỳ năm 2018. (Theo Cơ quan thống kê Indonesia ngày 15/3)

Hoa Kỳ

Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ trong tháng 01/2019 đã tăng 0,2%, sau khi giảm 1,6% trong tháng 12/2018. Tuy nhiên, mức tăng doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ trong tháng 01/2019 chỉ bù đắp được một phần sự sụt giảm trong tháng 12/2018, dẫn tới dự báo về chi tiêu tiêu dùng của Hoa Kỳ có thể giảm tốc trong quý I/2019. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 11/3)

Thâm hụt ngân sách hằng năm của Hoa Kỳ sẽ đạt 1,1 nghìn tỷ USD trong hai năm 2019 và 2020.Trước đó, Hoa Kỳ có 4 lần thâm hụt ngân sách hằng năm từ 1 nghìn tỷ USD trở lên (năm 2009 đến năm 2012), khi nước này xử lý các hậu quả thảm khốc của cuộc khủng hoảng tài chính. Dự báo đến năm 2029, thâm hụt ngân sách hằng năm giảm xuống 202 tỷ USD. Tuy nhiên, việc giảm thâm hụt phải phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ cắt giảm chi tiêu. (Theo Ủy ban về Ngân sách liên bang có trách nhiệm - CRFB ngày 11/3)

Trung Quốc

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2 (tính bằng đồng USD) của Trung Quốc giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2018 - mức giảm mạnh nhất từ tháng 02/2016. Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 giảm 5,2%, mạnh hơn dự báo 1,4% do các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. Thăng dư thương mại tháng 2 là 4,12 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự báo 26,38 tỷ USD. Đặc biệt, thặng dư thương mại giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ trong tháng 02/2019 cũng đã giảm mạnh, từ 27,3 tỷ USD trong tháng 1 xuống 14,72 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 08/3)

Kinh tế số của Trung Quốc có tiềm năng tạo được trên 200 triệu việc làm vào năm 2020. Ngành công nghiệp thứ cấp (lắp ráp xe hơi, dệt may, xây dựng…) là lĩnh vực then chốt có tiềm năng tạo ra nhiều việc làm thông qua chuyển đổi kỹ thuật số. Theo số liệu thống kê của CAICT, có 50,54 triệu lao động đã tham gia vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành công nghiệp thứ cấp trong năm 2017, chỉ chiếm 22,4% tổng số việc làm trong lĩnh vực này. (Theo Nhật báo Thông tin Kinh tế ngày 12/3)

Tổng khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2018 đạt mức cao kỷ lục 587,87 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2017. Các khoản đầu tư hai chiều tăng lên 205,71 tỷ USD. Trung Quốc hy vọng sẽ tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại đa phương với các nước ASEAN. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 13/3)

Doanh số ô tô tháng 1 và tháng 02/2019 của Trung Quốc đạt 3,85 triệu xe, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh số xe thương mại tăng 2% lên 608 nghìn xe, nhưng doanh số xe ô tô con giảm 18% xuống 3,24 triệu xe. Riêng năm 2018, doanh số ô tô ở Trung Quốc giảm 6%, ghi nhận năm giảm đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ.

Nguyên nhân là do sự bão hòa của thị trường ô tô tại các thành phố lớn của Trung Quốc, sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng ở những thành phố nhỏ hơn, thị trường dịch vụ chia sẻ xe phát triển và thị trường xe đã qua sử dụng sôi động hơn… Doanh số thị trường ô tô Trung Quốc năm 2019 được dự báo giảm 5% và sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2020. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc - CAAM ngày 11/3)

Sản lượng công nghiệp của nước này trong 2 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 5,3% - mức tăng trưởng thấp nhất trong 17 năm qua, do các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải đối diện với doanh thu cả trong  và ngoài nước đều giảm trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và nhu cầu của các nước có dấu hiệu chững lại. (Theo NBS ngày 14/3)

Anh

Tổng doanh số tiêu thụ tại Anh trong tháng 02/2019 chỉ tăng 0,5%, giảm mạnh so với mức tăng 2,2% trong tháng 01/2019. Lòng tin của người tiêu dùng Anh trong tháng 02/2019 chỉ tăng 1,2%, mức tăng thấp nhất kể từ khi công ty này bắt đầu tiến hành công tác đánh giá mức chi tiêu bằng thẻ tín dụng vào năm 2015.

Nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người dân Anh được cho là do những bất ổn liên quan đến Brexit, làm cho người dân Anh lo lắng về khả năng tăng giá, dẫn đến tình trạng giảm mua những mặt hàng không thiết yếu, thậm chí một số người còn tích trữ đồ dùng hằng ngày, làm giảm tốc độ tăng trưởng. (Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội bán lẻ Vương quốc Anh - BRC và Công ty thẻ tín dụng Barclaycad công bố ngày 05/3)

Đàm phán - Ký kết

Costa Rica và Hàn Quốc

Quốc hội Costa Rica đã thông qua hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc. Theo đó 80% hàng hóa xuất khẩu của nước này vào thị trường Hàn Quốc ngay lập tức được hưởng mức thuế 0% khi hiệp định có hiệu lực (16% hàng hóa sẽ có lộ trình giảm thuế về 0% trong vòng 10 năm và chỉ có 4% sản phẩm xuất khẩu duy trì ở mức thuế hiện tại). FTA giữa Costa Rica và Hàn Quốc sẽ là công cụ thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư và hợp tác lớn hơn giữa hai bên. (Theo TTXVN ngày 06/3)

Hàn Quốc và Malaysia

Hàn Quốc và Malaysia đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) và nỗ lực hoàn thành đàm phán trong năm 2019. FTA giữa hai quốc gia hướng tới mục tiêu tạo ra một bộ khung thể chế, giúp tăng cường đầu tư và thương mại song phương.

Các cơ quan liên quan của Hàn Quốc và Malaysia đã ký 4 bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chế tạo, vận tải, phát triển thành phố thông minh và những sản phẩm theo làn sóng Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Malaysia tăng 14,9%, từ 16,7 tỷ USD trong năm 2017 lên 19,2 tỷ USD vào năm 2018. (Theo Bnews ngày 13/3)

Indonesia và Australia

Indonesia và Australia đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Indonesia và Australia (IA-CEPA). Thỏa thuận sẽ giúp các nông dân chăn nuôi gia súc Australia có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường 260 triệu dân của Indonesia, trong khi các trường đại học Australia hay các nhà cung cấp y tế cũng sẽ được hưởng lợi nhờ dễ dàng tiếp cận nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Hoạt động của các doanh nghiệp Indonesia trong các ngành dệt may, máy móc tự động, xuất khẩu gỗ, hàng điện tử và dược phẩm dự kiến được thúc đẩy nhờ thị trường Australia rộng mở hơn đối với nước này. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 11,7 tỷ USD trong năm 2017 và Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Australia. (Theo TTXVN ngày 04/3)

Iran và Indonesia

Iran và Indonesia đã giao dịch 1,85 triệu tấn hàng hóa phi dầu trị giá 767,24 triệu USD trong 10 tháng (từ ngày 21/3/2018 đến ngày 20/01/2019). Khối lượng và giá trị giao dịch lần lượt tăng 5,3% và 10,28% so với cùng kỳ năm 2017 - 2018.

Xuất khẩu của Iran sang Indonesia đạt 1,72 triệu tấn, tương đương 643,52 triệu USD. Các sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là sắt, thép, propan hóa lỏng… Indonesia đã xuất khẩu 134 nghìn tấn hàng hóa trị giá 123,72 triệu USD sang Iran. Nhập khẩu của Iran chủ yếu bao gồm bìa, nhôm oxit và dừa. (Theo Eghtesad ngày 13/3)