Kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 05-10/06/2017

Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trường Bảo Tín Minh Châu

Kinh tế - tài chính thế giới

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Toàn cầu:

+ Tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2017 và 2018 đạt lần lượt 2,7% và 2,9% (không thay đổi so với dự báo tháng 4/2017), cao hơn so với mức tăng 2,4% của năm 2016. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Eurozone đạt 1,7% trong năm 2017, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2017; Hoa Kỳ đạt 2,1% và 2,2% trong hai năm 2017 và 2018; Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt đạt 6,5% và 7,2% trong năm 2017. (Theo Ngân hàng Thế giới - WB ngày 04/6)

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,5% trong năm 2017 và 3,6% vào năm 2018 (cao hơn mức 3,3% và 3,6% dự báo tháng 3/2017), do hoạt động thương mại và đầu tư gia tăng nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao tại châu Á. Trong đó, kinh tế Eurozone tăng trưởng 1,8% trong hai năm 2017 và 2018; Hoa Kỳ đạt 2,1% (năm 2017) và 2,4% (năm 2018), giảm so với mức dự báo tương ứng là 2,4% và 2,8% (tháng 3/2017); Nhật Bản là 1,4% (năm 2017) và 1% (năm 2018), cao hơn các mức tăng tương ứng 1,2% và 0,8% (dự báo tháng 3/2017); Trung Quốc đạt 6,6% trong năm 2017 và 6,4% vào năm 2018. (Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD ngày 07/6)

- Nhật Bản: Trong quý I/2017, kinh tế tăng trưởng 0,3%, thấp hơn mức tăng trưởng 0,5% (ước tính lần 1 đưa ra vào tháng 5/2017), do mức tăng đầu tư tư nhân vào nhà ở được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản vẫn tăng trưởng trong quý thứ năm liên tiếp - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong hơn một thập niên.(Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 08/6)

- Italy: Trong quý I/2017, kinh tế Italy tăng trưởng 0,4% so với quý trước - mức tăng trưởng theo quý cao nhất trong 5 năm qua, do nhu cầu đối với các sản phẩm trong nước tăng mạnh. Đây là cơ sở để nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm 2017 từ 1,1% lên 1,2%. (Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy - ISTAT được TTXVN dẫn nguồn ngày 08/6)

- Úc: Trong quý I/2017, kinh tế tăng trưởng 0,3% so với quý trước, cao hơn mức tăng trưởng 0,2% (dự báo của thị trường) và là quý thứ 2 tăng trưởng liên tiếp; so với cùng kỳ năm 2016, kinh tế Úc tăng trưởng 1,7% - mức thấp nhất kể từ quý III/2009. Tuy nhiên, kết quả trên cho thấy Úc đã tránh được cuộc suy thoái kinh tế (từ năm 1991). (Theo Cục Thống kê Úc ngày 07/6)

- Hàn Quốc: Trong quý I/2017, GDP của Hàn Quốc tăng 1,1% so với quý trước, cao hơn so với mức tăng 0,9% (ước tính lần 1) và là mức tăng cao nhất kể từ quý III/2015, do xuất khẩu, xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng tăng trưởng tốt. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 02/6)

Lạm phát

- Trung Quốc: Trong tháng 5/2017, CPI tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 1,2% của tháng 4/2017 và phù hợp với dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 01/2017, do giá hàng hóa phi lương thực tăng cao hơn và chi phí thực phẩm giảm ít hơn tháng trước. (Theo Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 09/6)

- Ai Cập: Trong tháng 5/2017, tỷ lệ lạm phát của Ai Cập là 29,7%/năm, mặc dù vẫn ở mức rất cao, nhưng đây là lần đầu tiên tỷ lệ lạm phát giảm kể từ khi đồng nội tệ được thả nổi trong năm 2016.Lạm phát cao vẫn là sức ép lớn đối với nền kinh tế Ai Cập. (Theo Cơ quan Thống kê Ai Cập - CAPMAS ngày 08/6)

Đầu tư

Dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2016 giảm 2% so với năm 2015 xuống 1.750 tỷ USD, do tăng trưởng kinh tế thế giới thấp, chính sách kinh tế và tình hình địa chính trị của một số quốc gia tiềm ẩn rủi ro lớn. Tuy nhiên, dòng vốn này sẽ phục hồi trong thời gian tới, dự báo tăng 5% lên khoảng 1.800 tỷ USD trong năm 2017 và đạt 1.850 tỷ USD trong năm 2018. (Theo Báo cáo tình hình đầu tư thế giới năm 2017 công bố ngày 08/6 tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển - UNCTAD)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần (05/6 - 09/6/2017), chỉ số Dow Jones tăng tuần thứ 3 liên tiếp; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,3%; 1,55% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (02/6/2017). Trong ngày giao dịch cuối tuần (09/6/2017), so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nasdaq giảm 113,85 điểm (-1,8%) xuống 6.207,92 điểm.

+ S&P 500 giảm 2,02 điểm (-0,08%) xuống 2.431,77 điểm.

+ Dow Jones tăng 89,44 điểm (0,42%) lên 21.271,97 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,53 điểm (-0,34%). Trong ngày 09/6/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 8,07 điểm (0,26%) lên 3.158,4 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 18,12 điểm (0,77%) lên 2.381,69 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,2 điểm (0,02%) lên 5.677,8 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 104 điểm (0,52%) lên 20.131,26 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 32,77 điểm (-0,13%) xuống 26.030,29 điểm.

Dầu mỏ

Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần (29/5 - 02/6) tăng 11 giàn lên 733 giàn, tuần tăng thứ 20 liên tiếp, làm tăng sức ép giảm giá dầu. Ngoài ra, việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 01/6 chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã làm tăng những quan ngại về việc hoạt động khai thác dầu đá phiến của nước này sẽ tiếp tục gia tăng, khiến tình trạng dư cung trên thị trường thế giới trở nên trầm trọng hơn.(Theo báo cáo hằng tuần của Công ty Dịch vụ dầu khí Baker Hughes ngày 02/6)

Tuần từ 05/6 - 09/6/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 3,84% và 3,6%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (09/6/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 7/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,19 USD (0,41%) lên 45,83 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,29 USD (0,6%) lên 48,15 USD/thùng.

Châu Á

Hàn Quốc

Trong tháng 4/2017, thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đạt 4 tỷ USD, cao hơn so với mức 3,76 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016 - tháng thứ 62 liên tiếp Hàn Quốc đạt thặng dư tài khoản vãng lai. Thặng dư thương mại hàng hóa đạt 11,93 tỷ USD, cao hơn mức 9,85 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3%. (Theo BoK ngày 05/6)

- Ngày 05/6, Nội các Hàn Quốc đã đưa ra dự thảo ngân sách bổ sung trị giá 11.200 tỷ KRW (9,99 tỷ USD) nhằm tạo thêm việc làm và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế nước này. Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, khoản ngân sách bổ sung này bao gồm 4.200 tỷ KRW cho kế hoạch tạo việc làm, 1.200 tỷ KRW để cải thiện điều kiện lao động, 2.300 tỷ KRW để ổn định đời sống của người dân và 3.500 tỷ KRW còn lại sẽ được cấp cho chính quyền các tỉnh.Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ lập một số quỹ với tổng trị giá 1.500 tỷ KRW để giúp các doanh nhân trẻ khởi nghiệp và tái khởi nghiệp nếu họ thất bại.(Theo TTXVN ngày 05/6)

Thái Lan

- Ngân hàng Trung ương Thái Lan cùng 16 ngân hàng thương mại, Hiệp hội các ngân hàng Thái Lan và Công ty Quản lý tài sản Sukhumvit vừa ký kết thỏa thuận hợp tác giúp giải quyết vấn đề nợ hộ gia đình không có đảm bảo.Đối tượng được hỗ trợ bao gồm những người có lương cố định, có các khoản nợ do trả bằng thẻ tín dụng, nợ do sử dụng dịch vụ cho vay nóng trong hơn 3 tháng hoặc nợ ít nhất từ hai định chế tài chính trở lên với khoản nợ lên đến 2 triệu THB; lãi suất tối đa 7% và trả trong vòng 7 năm. (Theo TTXVN ngày 06/6)

- Trong phiên giao dịch ngày 07/6, đồng THB của Thái Lan đã tăng giá lên 33,94 THB/1 USD (tăng 5,3% so với cuối năm 2016) - mức cao nhất trong vòng 2 năm qua, sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế việc bán trái phiếu ngắn hạn nhằm giảm các dòng vốn đầu tư ngắn hạn, củng cố đà tăng giá của đồng THB. Đồng THB hiện xếp thứ 5 trong số các đồng tiền tại châu Á tăng giá mạnh so với đồng USD kể từ cuối năm 2016, sau đồng KRW của Hàn Quốc (7,9%), đồng TWD (7,2%) của Đài Loan, đồng INR (5,9%) của Indonesia và đồng MYR (5,5%) của Myanma. (Theo TTXVN ngày 07/6)

Lào

Trong 3 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách của Chính phủ Lào đạt 4.621 tỷ LAK, tương đương 19,3% kế hoạch năm 2017. Trong đó, thu trong nước đạt trên 4,183 tỷ LAK, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài khoảng 438 tỷ LAK, bằng 57% cùng kỳ năm 2016. Nguồn thu trong nước của Lào sụt giảm là do hệ thống thu ngân sách chưa minh bạch, có nhiều công đoạn. (TTXVN ngày 08/6 dẫn tin Thông tấn xã Lào)

Kuwait

Trong tài khóa 2016 - 2017 (kết thúc vào ngày 31/3/2017), thâm hụt ngân sách của nước này là 21,3 tỷ USD. Dự báo ngân sách của Kuwait sẽ thâm hụt 21,6 tỷ USD trong tài khóa 2017 - 2018, năm thâm hụt ngân sách thứ ba liên tiếp, do sự lao dốc của giá dầu, trong đó thu ngân sách đạt khoảng 43,6 tỷ USD, chi ngân sách đạt khoảng 65,2 tỷ USD. (Theo Quốc hội Kuwait ngày 08/6)

Hoa Kỳ

Trong tháng 4/2017, lượng đơn đặt hàng của các nhà máy giảm 0,2% sau khi tăng 1% trong tháng 3/2017, nhưng vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2016.Lĩnh vực sản xuất - chiếm khoảng 12% nền kinh tế Hoa Kỳ - đang được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong lĩnh vực năng lượng. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 05/6)

Trong tháng 5/2017:

- Nền kinh tế Hoa Kỳ tạo thêm được 138 nghìn việc làm mới, thấp hơn so với mức 181 - 185nghìn việc làm (dự báo của các chuyên gia kinh tế). Tăng trưởng việc làm trong tháng 3 và tháng 4 cũng được điểu chỉnh giảm xuống còn 50 nghìn và 174 nghìn từ các mức tương ứng là 79 nghìn và 211 nghìn (ước tính lần 1).

- Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,3% - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2011 và thấp hơn mức 4,4% (dự báo của các chuyên gia).

- Thu nhập bình quân theo giờ tăng 4 cent (tương đương tăng 0,2%). Mức tăng lương hằng năm duy trì ở mức 2,5%.

(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 02/6)

Trong tháng 5/2017, chỉ số hoạt động phi sản xuất - chiếm hơn hai phần ba hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ - giảm 0,6 điểm xuống 56,9 điểm.Tuy nhiên, mức trên 50 điểm vẫn cho thấy sự mở rộng hoạt động trong lĩnh vực này. (Theo Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 05/6)

Nợ công dài hạn của Hoa Kỳ xếp ở mức AA+ (sau mức cao nhất AAA 1 bậc), do: (i) Nền kinh tế Hoa Kỳ có khả năng phục hồi tốt cùng chính sách tiền tệ linh hoạt; (ii) Ưu thế từ việc phát hành đồng tiền dự trữ trên toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế Hoa Kỳ đang phải đối mặt với bất ổn tài chính, nợ công ở mức cao và có nguy cơ phải nâng trần nợ công. (Theo Cơ quan Xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's - S&P ngày 06/6)

Trung Quốc

Theo Báo cáo tình hình đầu tư thế giới năm 2017 công bố ngày 08/6 tại Hội nghị của Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong năm 2016, nguồn vốn FDI đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng 44% lên 183 tỷ USD, cao hơn 36% so với FDI vào nước này, do làn sóng mua bán và sáp nhập các công ty của Trung Quốc ở nước ngoài tăng, đưa Trung Quốc lần đầu tiên trở thành quốc gia lớn thứ hai trên thế giới về cung cấp vốn FDI, sau Hoa Kỳ.

Trong tháng 5/2017, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng thêm 24 tỷ USD lên 3,054 nghìn tỷ USD, sau khi đã tăng 21 tỷ USD trong tháng 4/2017 và cao hơn mức dự báo 10 tỷ USD của Reuters. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng 4 tháng liên tiếp, do đồng USD suy yếu đã làm tăng giá trị của các đồng tiền và tài sản khác do Trung Quốc nắm giữ. Cung và cầu về ngoại tệ tại Trung Quốc về cơ bản đã được cân bằng. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/6)

Tại Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu thường niên do Viện Phát triển Quản lý Lausanne IMD của Thụy Sỹ công bố ngày 06/6, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc đã tăng 7 bậc, từ hạng 25 (năm 2016) lên hạng 18 (năm 2017), chủ yếu do sự hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu, hiệu quả điều hành của Chính phủ và kết quả kinh doanh tích cực, qua đó giúp cải thiện nền kinh tế.

Trong phiên giao dịch ngày 06/6, tỷ giá tham chiếu của đồng NDT so với đồng USD đã tăng phiên thứ 5 liên tiếp lên 6,7934 NDT/USD - mức cao nhất kể từ tháng 11/2016, trái ngược với dự báo của thị trường rằng đồng NDT sẽ trải qua một chu kỳ giảm giá mới. Tỷ giá giao ngay của đồng NDT so với đồng USD tại thị trường Trung Quốc và nước ngoài được duy trì ổn định lần lượt ở mức 6,8 và 6,78 NDT/USD. (Theo Hệ thống Giao dịch ngoại hối của Trung Quốc - CFETS ngày 06/6)

Quốc Vụ viện Trung Quốc (08/6) cho biết sẽ thực hiện các biện pháp mới giúp giảm bớt gánh nặng chi phí khoảng 283 tỷ NDT (41,7 tỷ USD) mỗi năm cho các doanh nghiệp trong nước. Đây là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm khoảng 1.000 tỷ NDT chi phí cho các doanh nghiệp trong năm 2017. Theo đó, Trung Quốc sẽ giảm mức giới hạn cho các khoản tiền đặt cọc bảo lãnh chất lượng xây dựng từ 5% xuống 3%, hủy bỏ hoặc giảm mức phí bổ sung về sử dụng điện, cắt giảm 6 loại phí hành chính và thể chế, tạm loại bỏ phí giám sát đối với các lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm; đẩy mạnh giám sát và thanh tra việc thực thi các chính sách. Các biện pháp mới này có hiệu lực từ ngày 01/7/2017.

 

Nhật Bản

Trong tháng 4/2017, mức lương danh nghĩa ở Nhật Bản tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2016 lên 275.321 JPY/người, sau khi giảm trong tháng 3/2017, do sự sụt giảm về tỷ lệ lao động bán thời gian và số lượng người có mức lương thấp hơn so với mặt bằng chung. (Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ngày 06/6)

Tính đến cuối tháng 5/2017, tổng giá trị tài sản của ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lên 500.800 tỷ JPY (4.480 tỷ USD), so với mức 425.700 tỷ JPY cùng kỳ năm 2016 và 164.800 tỷ JPY khi triển khai gói kích thích kinh tế vào tháng 3/2013. Bảng cân đối kế toán của BoJ hiện gần bằng mức của FED (4.510 tỷ USD), tương đương 90% GDP của Nhật Bản - tỷ lệ giá trị tài sản/GDP cao nhất trong số bốn ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới (FED, ECB, BoJ, BoE). (Theo BoJ ngày 02/6)

Đức

Trong tháng 5/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI của Đức đạt 57,4 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4/2011, cao hơn mức 56,7 điểm của tháng 4/2017 và là lần tăng thứ tư trong sáu tháng qua, do khu vực sản xuất tăng trưởng mạnh và đà đi lên của nền kinh tế Đức. (Theo Công ty Markit ngày 05/6)

Brazil

Tổng thống Brazil Michel Temer ngày 07/6 công bố "Kế hoạch nông nghiệp và chăn nuôi" nhằm hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nâng cao năng suất trong niên vụ 2017 - 2018. Chương trình cung cấp gói tín dụng kỷ lục trị giá hơn 59,4 tỷ USD với các điều kiện ưu đãi như lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, thời hạn vay 15 năm.

Chính sách

Châu Âu: Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 08/6 thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục, theo đó, lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay 0,25% và lãi suất tiền gửi -0,4%, đồng thời tuyên bố chưa có ý định tăng lãi suất trong những tháng tới. ECB cũng thông báo giữ nguyên các kế hoạch mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp trị giá 60 tỷ EUR/tháng cho đến tháng 12/2017 trong khuôn khổ chương trình nới lỏng định lượng của ngân hàng này.