Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 19-24/11/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Sản xuất công nghiệp

 

Ngày 21/11, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mạnh giá xăng khoảng 1.000 đồng/lít và giảm giá các loại dầu từ 508 đồng/kg đến 907 đồng/lít. Đồng thời, ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với Xăng E5RON92 và Dầu hỏa, Dầu mazut.

Cụ thể, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với Xăng E5RON92, dầu hỏa, dầu mazut; xăng RON95 trích lập 950 đồng/lít; dầu diesel là 500 đồng/lít.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92 là 18.627 đồng/lít; xăng RON95-III là 19.972 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 17.637 đồng/lít; dầu hỏa là 16.242 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 15.186 đồng/kg. Thời gian áp dụng từ 15h ngày 21/11/2018. (Theo Bộ Công Thương - Tài chính ngày 21/11)

 

Tính đến thời điểm 15h ngày 21/11, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex còn khoảng 1.262 tỷ đồng. Như vậy, so với lần công bố cách đây hai tuần (ngày 6/11) là 1.230 tỷ đồng, quỹ BOG của doanh nghiệp này tăng 32 tỷ đồng, còn so với ngày 22/10 là 1.420 tỷ đồng, mức giảm lên tới 158 tỷ đồng. (Theo Petrolimex ngày 21/11)

Doanh nghiệp

Sau 2,5 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tích cực, song điều tra năm 2017 cho thấy vẫn có 58% doanh nghiệp phải đi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% cho biết là gặp khó khăn khi xin giấy phép.

Về thủ tục kinh doanh có nhiều tiến bộ, nhưng mới chỉ có 13% doanh nghiệp thực hiện trực tuyến. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm 2016 là 48%, nhưng năm 2017 chỉ còn 4%; trong đó các doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh tra, kiểm tra là 24%. (Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI ngày 17/11)

 

Theo kết quả khảo sát của PwC trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất khu vực APEC. 33% lãnh đạo doanh nghiệp  cho biết, họ rất tự tin về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của công ty họ và 48% khác trả lời là khá tự tin.

Các hiệp định thương mại lớn như CPTPP, FTA giữa EU và Việt Nam, FTA giữa ASEAN và Hồng Kông sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng thu hút thêm vốn đầu tư và kiến tạo thêm các cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, để tối đa hóa được các lợi ích từ những hiệp định thương mại này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường đầu tư trong nước, cũng như cải thiện các tiêu chuẩn sản xuất và lao động. Cuộc khảo sát được PwC thực hiện với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc Diễn dàn APEC. (Theo vtv.vn ngày 19/11)

 

Kết quả phỏng vấn tháng 8/2018 của VLA/VLI cho thấy, các ngành sản xuất mặt hàng có giá trị cao như ô tô, linh kiện điện tử, sắt thép có chi phi logistics trong tổng giá thành sản phẩm tương đối nhỏ, dưới 5%. Trong khi đó, ở ngành hàng tiêu dùng, thương mại điện tử, siêu thị, may mặc hoặc nông sản, tỷ lệ này là khoảng 10 - 20%.

Trong chi phí logistics thì chi phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất với 60 - 80%, tiếp đến là xếp dỡ và thủ tục thông quan. Do vậy, chi phí logistics Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 14,5 - 19,2% GDP và năm 2018 khoảng 16 - 17%. (Theo Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam - VLA ngày 17/11)

 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của 47 doanh nghiệp nhà nước là 691.508 tỷ đồng, lãi phát sinh trước thuế là 68.668 tỷ đồng, thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt 102.357 tỷ đồng.

Các kết quả doanh thu, lợi nhuận nộp ngân sách của các doanh nghiệp đều đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng.

Năm 2017, theo báo cáo của 294 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thì tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp cổ phần là 543.858 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016; tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp cổ phần theo báo cáo hợp nhất là 337.627 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 210.035 tỷ đồng, tăng 14%; tổng doanh thu đạt 482.545 tỷ đồng, tăng 21%; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 36.633 tỷ đồng, tăng 11%. (Theo Cục Tài chính doanh nghiệp ngày 19/11)

 

Trong năm 2016, cơ quan thuế đã kiến nghị thu hơn 17.000 tỷ đồng sau thanh tra, kiểm tra. Năm 2017 là 19.000 tỷ đồng, ngoài ra còn giảm lỗ khoảng 37.000 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác trên 50.000 tỷ đồng. Sai phạm của người nộp thuế có thể lên tới 95 - 97% tùy từng năm. (Theo Tổng cục Thuế ngày 16/11)

 

Bộ Tài chính vừa chính thức công bố danh sách 667 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có 5 công ty thuộc diện; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 1 công ty; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 2 công ty; Tập đoàn Dệt may Việt Nam có rất nhiều công ty và hàng loạt các doanh nghiệp khác.

Một trong những nguyên nhân các doanh nghiệp chưa lên sàn do một số công ty có vốn điều lệ không đảm bảo, chưa đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng. Ngoài ra cũng có doanh nghiệp đủ điều kiện là công ty đại chúng nhưng chưa đảm bảo các yếu tố về công khai, minh bạch, hiệu quả sản xuất - kinh doanh. (Theo TTXVN ngày 21/11)

 

Sáng 23/11, Bộ Công Thương và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về SCIC. Giá trị vốn đầu tư của Nhà nước tại Vinatex chuyển giao về SCIC trên 2.600 tỷ đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ của Vinatex.

Tại Quyết định số 1232/QĐ-Ttg ngày 17/8/2017 về danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết địnbBộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỷ đồng, chiếm 65,3% vốn điều lệ các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao.

Trong số đó có 7 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cần chuyển giao. Theo đó, năm 2017 đã chuyển giao 1 doanh nghiệp và năm 2018 chuyển giao Vinatex. Kể từ khi thành lập năm 2016 đến nay, SCIC đã tiếp nhận 55 doanh nghiệp từ Bộ Công Thương và Bộ Thương mại (chưa sát nhập với Bộ Công nghiệp).

(Theo TTXVN ngày 23/11)

 

Kết quả nghiên cứu “Tăng trưởng bền vững và khả năng thanh khoản” đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp Việt Nam 2018 do PwC thực hiện cho thấy, trong năm tài chính 2017 (FY17) đã có 3,4 tỷ USD tiền mặt bị mắc kẹt trong vốn lưu động tại các công ty hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng và trong ngành bán lẻ là 1,9 tỷ USD.

Trong số các công ty hàng tiêu dùng được nghiên cứu, chưa đầy 50% các công ty có khả năng rút ngắn chu kỳ tiền mặt (C2C) trong giai đoạn FY13 - FY17. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với ngành bán lẻ là gần 60%.

Các doanh nghiệp cần phải chú trọng tới quản lý vốn lưu động hay kiểm soát dòng tiền để đảm bảo nguồn vốn cần thiết để cạnh tranh hiệu quả trong môi trường kinh doanh hiện nay. Đối với các công ty hoạt động hiệu quả, các yếu tố của vốn lưu động có thể được sử dụng làm phương tiện để tăng doanh thu. (Theo báo Đầu tư ngày 23/11)

 

Trong 10 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng. Trong đó thoái vốn nhà nước tại 17 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng (chỉ có 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017).

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 3.758 tỷ đồng, thu về 7.987 tỷ đồng, trong đó thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư) được 2.416 tỷ đồng, thu về 2.794 tỷ đồng; thoái vốn tại các lĩnh vực khác được 1.129 tỷ đồng, thu về 2.548 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn tại 08 doanh nghiệp với giá trị 212 tỷ đồng, thu về 2.644 tỷ đồng. (Theo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính ngày 20/11)

Thương mại

Ngày 23/11, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cùng Hinrich Foundation, tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phát triển chính sách thương mại ở châu Á đã công bố Báo cáo “Chỉ số thương mại bền vững 2018” .

Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng, tăng 2 điểm so với năm 2016 và tăng 6 điểm về mức thu nhập quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia có biểu hiện tốt nhất trên bảng chỉ số này.

Chỉ số của Việt Nam được cải thiện nhất là các chỉ số giảm bớt rào cản thuế quan, phi thuế quan và thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với 12 quốc gia khác, Việt Nam đạt mức điểm cao về mức độ mở cửa thị trường. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự mở cửa thương mại và trao đổi hàng hóa xuyên biên giới.

Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 và cao hơn các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Đây là thành quả của việc hạn chế bất bình đẳng và cải thiện tiêu chuẩn lao động . Tuy nhiên về môi trường, Việt Nam lại giảm 10,4 điểm và 5 bậc so với năm 2016, do tỷ lệ phá rừng vẫn ở chỉ số cao.

(Theo VCCI ngày 23/11)

Tổng cầu

 

Xuất - nhập khẩu

Trong nửa đầu tháng 11/2018, cả nước xuất khẩu 10,6 tỷ USD, nhập khẩu 11 tỷ USD. Cán cân thương mại thâm hụt khoảng 414 triệu USD trong nửa đầu tháng 11. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11, cả nước xuất siêu khoảng 6,83 tỷ USD.

So với các năm trước, xuất siêu tính đến hiện tại vẫn ở mức cao, kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 418,4 tỷ USD. Với kim ngạch bình quân hiện nay, nhiều khả năng, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu cả nước năm 2018 sẽ lập con số kỷ lục hơn 485 tỷ USD, vượt khoảng 60 tỷ USD so với năm 2017.  (Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/11)

 

Tính đến hết tháng 10 năm 2018, tổng trị giá hàng hóa xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp đạt gần 4,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,2% và nhập khẩu là 1,09 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại với Pháp đã đạt hơn 2 tỷ USD, tương đương với mức thặng dư thương mại với quốc gia châu Âu này trong cả năm 2017.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Pháp các mặt hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,09 tỷ USD; hàng dệt may đạt 503 triệu USD; giầy dép các loại 410 triệu USD…

Việt Nam nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là 3 nhóm hàng dược phẩm với kim ngạch đạt 258 triệu USD, hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 160 triệu USD, và phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 133 triệu USD.

 (Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/11)

Cân đối vĩ mô

 

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 1 ngày tăng giá; 2 ngày giảm giá và 3 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 24/11 so với ngày 23/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

 - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,38 - 36,56 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,39 - 36,49 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 22 đồng so với tuần trước với 5 ngày tăng giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 24/11, tỷ giá trung tâm là 22.743 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 23/11; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 23/11 như sau:

- Vietcombank: 23.285 - 23.375 VND/USD, giảm 20 đồng.

- BIDV: 23.295 - 23.385 VND/USD, giảm 10 đồng.

- Vietinbank: 23.273 - 23.373 VND/USD, giảm 17 đồng.

Lao động

Từ năm 2020 trở đi, mỗi năm sẽ có khoảng 17- 18 nghìn việc làm được tạo ra từ CPTPP và khoảng 18 - 19 nghìn việc làm từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA) . Bên cạnh đó, CPTPP cũng như các hiệp định khác sẽ có tác động tích cực trong việc  xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập nói chung cho người lao động.

Các luồng đầu tư cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giúp Việt Nam cải thiện cơ cấu lao động. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với không ít khó khăn.

Trong đó, thách thức lớn nhất là làm thế nào để nắm bắt được các cơ hội này, do chất lượng lao động Việt Nam hiện còn thấp, các doanh nghiệp trong nước gần như chưa có sự chuẩn bị… (Theo Viện Khoa học - Lao động - Xã hội ngày 22/11)

Thị trường tài sản

 

Chứng khoán

Trong tuần từ ngày 16/11 - 23/11/2018, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 6,45 điểm (-0,7%) xuống 917,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 151,04 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.760,36 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,28 điểm (-0,27%) xuống 104,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 32,77 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 463,05 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng điểm, 2 ngày giảm điểm và 1 ngày không thay đổi. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,29 điểm (-0,55%) xuống 51,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 10,37 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 189,54 tỷ đồng/ngày.

 

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5.462.054 đơn vị, trị giá 355,51 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 534.450 đơn vị, trị giá 300,12 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 13,45 triệu đơn vị, trị giá 828,6 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 5 ngày bán ròng với khối lượng 4,34 triệu đơn vị, trị giá 69,15 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 6,67 triệu đơn vị, trị giá 88,57 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 587.604 đơn vị, trị giá mua ròng 13,76 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 239.530 đơn vị, trị giá 21,4 tỷ đồng).

 

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thực hiện điều chỉnh định kỳ đối với tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của các cổ phiếu trong rổ chỉ số HNX30. Theo đó, mã cổ phiếu DHT của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây được lựa chọn vào rồ chỉ số HNX30 thay thế cho mã cổ phiếu PVC của Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí.

Đồng thời, HNX cũng công bố danh sách 50 mã cổ phiếu niêm yết được lựa chọn vào rổ chỉ số Large và danh sách các cổ phiếu niêm yết trong rổ chỉ số Mid/Small. Dữ liệu được kết xuất và tính toán tại ngày giao dịch cuối cùng của quý trước và được áp dụng sau ngày giao dịch cuối cùng của tháng tiếp theo, ngày 01/11/2018. (Theo báo Đầu tư ngày 21/11)

 

Báo cáo Giám sát trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, thị trường trái phiếu Việt Nam có mức tăng trưởng 5% mỗi quý và 15,7% cả năm 2018, giá trị trong tháng 9/2018 tương đương 53 tỷ USD.

Kết quả này đã bị đảo ngược so với mức sụt giảm 1,4% trong quý II, chủ yếu nhờ thị trường trái phiếu chính phủ đạt 49 tỷ USD, tăng 5,2%/quý và 14,7%/năm; thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 2,9%/quý và 31,6%/năm với giá trị 3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, thị trường nợ của Việt Nam không chịu tác động từ việc Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ như các thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi khác, nhưng thị trường trái phiếu Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng gián tiếp từ việc tăng giá của đồng USD so với hầu hết các đồng tiền khu vực.

(Theo TTXVN ngày 20/11)

 

Ngày 21/11, HNX đã tổ chức phiên gọi thầu 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành tại các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng). Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 2.935 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.235 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,06%/năm và tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 14/11). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu và huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất trên.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 500 tỷ đồng và phiên đấu thầu phụ gọi thầu và huy động thành công 600 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 5,30%/năm và bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 14/11).

- Kỳ hạn 5 năm và 7 năm: Không trúng thầu.

Từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 133.691 tỷ đồng thông qua đấu thầu.

(Theo HNX ngày 21/11)

 

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ngày 05/12 sẽ bán đấu giá phần vốn góp hơn 134 tỷ đồng (hơn 13,4 triệu cổ phần theo mệnh giá), tương đương 22,03% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam với mức giá khởi điểm 1.200 đồng/cổ phần tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Hoạt động kinh doanh chính của Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam gồm kinh doanh vận tải biển, đại lý tàu biển, môi giới và cung ứng xuất khẩu thuyền viên, cung ứng dịch vụ và xuất nhập khẩu, sửa chữa và bảo dưỡng tàu.

Trong đó kinh doanh vận tải biển là hoạt động kinh doanh mang lại doanh thu chính. Hiện công ty quản lý và khai thác 8 tàu biển với trọng tải 151.392 DWT hoạt động khắp thế giới. (Theo TTXVN ngày 22/11)

 

Chiều ngày 22/11, tại HNX đã diễn ra 2 phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG; Vinaconex) do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ.

254,9 triệu cổ phần VCG do SCIC nắm giữ đã được bán hết với giá cao nhất là 28.900 đồng/CP; trong khi 94 triệu cổ phần VCG do Viettel nắm giữ, tương đương 21,28% vốn cũng bán hết với giá khởi điểm trọn lô là hơn 2.002,4 tỷ đồng. (Theo HNX ngày 22/11)

Chính sách

Quyết định số 2141/QĐ-BTC:

Quyết định số 2141/QĐ-BTC phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 176 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó rà soát cắt giảm 148 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 28 thủ tục hành chính thuộc 13 lĩnh vực.

Lĩnh vực thuế cắt giảm 7 thủ tục, đơn giản 2 thủ tục; lĩnh vực hải quan cắt giảm 5 thủ tục, đơn giản 9 thủ tục và 5 loại giấy tờ ; lĩnh vực kho bạc nhà nước cắt giảm 10 thủ tục, đơn giản 12 thủ tục; lĩnh vực chứng khoán cắt giảm 36 thủ tục; lĩnh vực bảo hiểm cắt giảm 9 thủ tục và đơn giản hóa 2 thủ tục; lĩnh vực công sản cắt giảm 23 thủ tục…

Tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn lại là 839 thủ tục ; trong đó, lĩnh vực thuế là 291 thủ tục, lĩnh vực hải quan là 178 thủ tục, lĩnh vực chứng khoán là 148 thủ tục, lĩnh vực kho bạc nhà nước là 12 thủ tụcvà lĩnh vực tài chính khác là 210 thủ tục.