Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 20-25/2/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Quỹ bình ổn
xăng, dầu

Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15h ngày 18/02), Quỹ bình ổn giá (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn dư khoảng 1.817 tỷ đồng, giảm 4 tỷ đồng so với kỳ công bố mới nhất ngày 03/2. (Theo Petrolimex ngày 18/02)

Dịch vụ

Trong quý IV/2016, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn của Việt Nam, gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng tăng trưởng 7,3% so với năm 2015. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong ba năm qua. Trong đó, ngành hàng nước uống tăng 40%; ngành hàng thực phẩm tăng 11,6%; ngành hàng sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng 9,6%; sản phẩm chăm sóc gia đình và thuốc lá tăng 8,1%; sữa tăng 3,2%... (Theo Công ty đo lường hiệu suất toàn cầu Nielsen Việt Nam ngày 23/02)

Doanh nghiệp

Tính đến hết năm 2016, cả nước đã có 19 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp (tăng 1 liên hiệp so năm 2015) và có 10.756 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó các hợp tác xã tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng (31%), Bắc Trung bộ (21,1%), Đông Bắc bộ (16,9%), đồng bằng sông Cửu Long (11,7%); Đồng thời doanh thu của hợp tác xã và thu nhập của thành viên năm 2016 cao hơn năm 2015, do việc giải thể và sáp nhập các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả diễn ra mạnh và số hợp tác xã tham gia vào liên kết và tiêu thụ sản phẩm hình thành các chuỗi liên kết tăng nhanh. (Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 21/02)

Tính đến hết ngày 21/02, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận hơn 1.000 doanh nghiệp với tổng số vốn 9.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện còn 173 trường hợp doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao và tiếp nhận chưa được thực hiện vì chưa có sự thống nhất cuối cùng giữa các bên, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung, trong đó các bộ còn 32 doanh nghiệp; các địa phương phía Bắc còn 15 doanh nghiệp; miền Trung còn 5 doanh nghiệp và miền Nam còn 67 doanh nghiệp. (Theo Viện Nghiên Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM)

Ngày 22/02, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố danh sách hơn 590 doanh nghiệp đủ điều kiện được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017.Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, người Việt tiêu dùng sản phẩm sản xuất trong nước là chủ yếu (92%), nhưng tỷ lệ ưa thích đạt thấp (78%). (Theo TTXVN ngày 22/02)

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ thành lập ngân hàng con tại Lào và Campuchia trong năm 2017. Hiện Vietcombank chiếm 20% thị phần thanh toán xuất nhập khẩu giữa Lào và Việt Nam, có quan hệ ngân hàng đại lý và hợp tác hỗ trợ kỹ thuật với gần 10 ngân hàng hàng đầu của Lào. Với Campuchia, Vietcombank hiện đã có quan hệ đại lý với các ngân hàng lớn, tổng giá trị thanh toán xuất nhập khẩu của ngân hàng này qua thị trường Campuchia đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm. (Theo Vietcombank ngày 20/02)

Tổng cầu


Đầu tư

Tính đến tháng 01/2017, Việt Nam có 1.188 dự án đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đạt gần 21,4 tỷ USD,trong đó tại Lào có 270 dự án với số vốn là 5,12 tỷ USD; Campuchia có 191 dự án với số vốn 2,89 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là nông lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 17/2)

Từ đầu năm đến ngày 20/02, cả nước có:

- 313 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,028 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016; giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 3,3%.

- 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 881,6 triệu USD, tiếp theo là Trung Quốc 721,7 triệu USD, Hàn Quốc 637,1 triệu USD. Có 47 tỉnh thành đã được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, trong đó Bình Dương thu hút nhiều vốn nhất với 791,2 triệu USD, chiếm 23,22% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ hai với 519 triệu USD, thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với 464,2 triệu USD.

(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23/02)

Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) ngày 21/02 đã công bố 7 dự án được lựa chọn để nhận gói tài trợ năm 2017 với tổng giá trị tài trợ hơn 16 tỷ đồng.

- 3 dự án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhận 2,4 tỷ đồng/dự án: Dự án Mạng lưới đổi mới sáng tạo doanh nghiệp và khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ, Dự án Hệ thống quản lý và tăng tốc kinh doanh 2017, nâng cao mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam (iAngel network) để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

- 3 dự án thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của các trường đại học: Dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo xã hội Việt Nam (VES), Chương trình nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học và cao đẳng khu vực miền Trung hướng tới phát triển bền vững nhận được 2,4 tỷ đồng mỗi dự án; Chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh cho cấp lãnh đạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp - Đại học Tài chính và Marketing nhận được 480 triệu đồng.

- 1 dự án tích hợp nền tảng ươm mầm đổi mới sáng tạo xã hội (SIIP)kết hợp giữa dự án phát triển hệ sinh thái và trường đại học, nhận được 3,6 tỷ đồng.

IPP là chương trình hỗ trợ phát triển chính thức về đổi mới sáng tạo giữa Chính phủ Việt Nam và Phần Lan. Cơ quan chủ quản của chương trình này là Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Giai đoạn 2 của Chương trình được thực hiện trong 4 năm, từ tháng 3/2014 - 10/2018, với tổng ngân sách 11 triệu euro nhằm mục tiêu thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo kết quả khảo sát về triển vọng đầu tư tại các thành phố thuộc khu vực kinh tế mới nổi 2017 của PricewaterhouseCoopers (PwC) ngày 22/02, bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ tư trong số các điểm đầu tư hấp dẫn nhất châu Á, chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan, với nguồn vốn đến từ nhiều quốc gia, đặc biệt là từ Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Xuất nhập khẩu

Trong nửa đầu tháng 2 (từ 1 - 15/2), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 14,22 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 5,89 tỷ USD, giảm 16% so với nửa cuối tháng 1; kim ngạch nhập khẩu tăng tới 43% lên 8,34 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2, Việt Nam đã nhập siêu tới 2,45 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 2, cả nước nhập siêu 1,21 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 41 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch xuất khẩu tăng 18,5% lên 20,22 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu tăng 31,7% lên 21,43 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/02)

Chính phủ Brazil lần đầu thông qua việc nhập khẩu cà phê vối (Robusta), trong đó có cà phê của Việt Nam với thuế suất nhập khẩu 2%. Dự kiến Brazil sẽ nhập khẩu 1 triệu bao cà phê vối theo lộ trình đến cuối tháng 5/2017, khối lượng tối đa là 250.000 bao/tháng. Trong năm 2016, sản lượng cà phê Brazil đạt kỷ lục gần 50 triệu bao, tăng 15% so với năm 2015. Tuy nhiên do ảnh hưởng của hạn hán, sản lượng Robusta chỉ đạt 8,3 triệu bao, giảm 25% so với năm 2015, thấp kỷ lục trong vòng 12 năm qua. (Theo TTXVN ngày 20/02)

Cân đối vĩ mô


Tín dụng

Dự kiến trong năm 2017, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua khoảng 25.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và tập trung xử lý khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu thông qua việc tái cơ cấu lại nợ, xử lý phân loại để phát mại tài sản, thu hồi nợ. (Theo VAMC ngày 22/02)

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/02 đã yêu cầu tạm dừng phân bổ 48.550 tỷ đồng cấp bù chênh lệch lãi suất, chi phí quản lý và vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội, do cần cân nhắc tính hợp lý, bảo đảm phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế và hiệu quả hoạt động của 2 ngân hàng này trong thời gian qua cũng như kế hoạch, định hướng phát triển và cơ cấu vốn điều lệ của 2 ngân hàng trong thời gian tới. (Theo Thời báo Tài chính Việt Nam ngày 21/02)

Chính phủ dự kiến sẽ bố trí hơn 20.800 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) này trong giai đoạn 2016 - 2020, nhằm cấp vốn điều lệ còn chưa bố trí được trong các năm 2013, 2015, 2016, tăng vốn điều lệ cho các năm tiếp theo và cấp bù các khoản chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý để đảm bảo tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay ưu đãi trong 5 năm tới. Tính đến ngày 31/12/2016, vốn điều lệ của NHCSXH đạt gần 10.700 tỷ. Tổng nguồn vốn đạt 162.380 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn huy động và vay lãi suất thị trường, vốn ngân sách trung ương cấp chỉ chiếm 17,1%. (Theo NHCSXH ngày 22/02)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 2 ngày tăng, 2 ngày giảm, 2 ngày giá tăng/giảm trái chiều. Giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 70 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 25/02), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 36,75 - 37,05 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 36,75 - 37,07 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 24/02.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,9 - 36,96 triệu đồng/lượng, tăng 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng ngày 24/02.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 1 đồng với 2 ngày tăng giá và 2 ngày giảm giá và 2 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 25/02), tỷ giá trung tâm là 22.228 NVD/USD giá không đổi so với tỷ giá ngày 24/02, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại như sau:

- Vietcombank: 22.760 - 22.830 VND/USD, giảm 15 đồng ở cả hai chiều

- Vietinbank: 22.760 - 22.830 VND/USD, giảm 20 đồng ở cả hai chiều.

- ACB: 22.760 - 22.830 VND/USD, giảm 30 đồng ở cả hai chiều.

- DongABank: 22.760 - 22.830 VND/USD, giảm 30 đồng ở cả 2 chiều.

- BIDV: 22.770 - 22.840 đồng, giảm 15 đồng ở cả hai chiều.

- Eximbank: 22.750 - 22.830 đồng, giảm 20 đồng ở cả hai chiều.

- Techcombank: 22.760 - 22.860 đồng, giá không đổi.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Năm 2016, các quỹ đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức sinh lời cao hơn nhiều so với bình quân các thị trường mới nổi tại châu Á. Các quỹ ngoại tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt trung bình 15,9%, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi khu vực châu Á; các quỹ cổ phiếu nội tăng trưởng NAV đạt 15,1%. (Theo Học viện Chứng khoán DoBF ngày 23/02)

Trái phiếu

Trong tuần từ 20 - 24/02/2017, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức đấu thầu TPCP vào ngày 22/02/2017 do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6.550 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (2.000 tỷ đồng); 7 năm (2.600 tỷ đồng); 15 năm (1.950 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.442 tỷ đồng (72,1%), lãi suất trúng thầu 5,02%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 2.600 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 5,39%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.950 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 7,12%/năm.

Tính từ đầu năm đến ngày 24/01/2017, KBNN đã huy động thành công 21.009,3 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 20 - 24/02/2017, tăng khá tốt với việc VN-Index lên sát ngưỡng 720 điểm.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 6,64 điểm (+0,94%) lên 714,47 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt220,7 triệu đơn vị/phiên, tăng 26,85%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt3.832,39 tỷ đồng/phiên, tăng 15,06%.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,51%) lên 86,32 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt53,19triệu đơn vị/phiên, tăng 11,85%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt483,86 tỷ đồng/phiên, tăng 4,66%.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có một tuần mua ròng tích cực với tổng giá trị trên 3 sàn đạt gần 350 tỷ đồng; trong đó tâm điểm mua vào của khối là các cổ phiếu trong nhóm bất động sản như VIC, FLC, HUT. Thống kê tuần qua, tổng cộng trên cả 3 sàn,khối ngoại đã mua ròng 11.393.988 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 346,62 tỷ đồng, tăng 70,91% về lượng và 4,73% về giá trị so với tuần trước.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 10,5 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 317,82 tỷ đồng, tăng 255,34% về lượng và 12,72% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4phiên và bán ròng 1 phiên duy nhất ngày 21/01. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 777.216 đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng 8,72 tỷ đồng, giảm 77,27% về lượng và 63,59% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1 phiên duy nhất phiên đầu tuần và mua ròng 4 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 116.772 đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng 20,08 tỷ đồng, giảm 60,11% về lượng và 19,8% về giá trị so với tuần trước.

Bất động sản

Khảo sát mới nhất về tâm lý mua nhà tại Việt Nam do FT Confidential Research (FTCR), bộ phận nghiên cứu độc lập của tờ Financial Times, thực hiện cho thấy, 8,5% người Việt Nam được hỏi có dự định mua một căn hộ trong năm nay, tương đương tỷ lệ này tại Philippines, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 2,6% tại Indonesia. Chỉ số dự báo giá bất động sản của Việt Nam gần như tăng đều đặn, từ dưới 50 điểm vào đầu năm 2013 lên xấp xỉ 80 điểm năm 2015 và khoảng 85 điểm đầu năm 2017 (50 điểm là ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và sụt giảm). Điều này cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi.Nguyên nhân là do khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng được cải thiện, lạm phát thấp, nhịp độ tăng trưởng kinh tế mạnh, thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. (Theo TTXVN ngày 22/02)

Đàm phán - Ký kết

APEC

Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FCBDM) do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chủ trì đã diễn ra trong 2 ngày từ 23 - 24/02/2017 tại thành phố Nha Trang. Đây là hoạt động đầu tiên của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong chuỗi các sự kiện năm APEC 2017 của Việt Nam. Bên lề FCBDM đã diễn ra nhiều sự kiện nổi bật như: Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Cục Quản lý & Giám sát Bảo hiểm, Cục Quản lý Công sản tổ chức; Hội thảo “Triển khai thực hiện chương trình hành động BEPS trong APEC” do Tổng cục Thuế chủ trì…

Việt Nam và Lào

Ngày 18/02 tại tỉnh Huaphanh, Bắc Lào đã diễn ra lễ khởi công Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước Việt Nam và Lào tại tỉnh Huaphanh, nhằm tăng cường công tác khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, cải thiện đời sống người dân ở tỉnh Huaphanh.Dự án có tổng vốn đầu tư 43,6 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Việt Nam là 39,4 tỷ đồng; vốn đối ứng của Lào là 4,2 tỷ đồng.

(Theo TTXVN ngày 18/02)

Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB)

WB tài trợ 500.000 USD cho Cần Thơ triển khai Chương trình Xanh - Sạch - Đẹp thuộc Hợp phần 4, Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu Dự án thành phố Cần Thơ, hướng đến việc tạo lập môi trường hỗ trợ cho sức khỏe và cuộc sống của người dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Cần Thơ. Chương trình Xanh - Sạch - Đẹp xoay quanh 4 chủ đề chính gồm: Vệ sinh môi trường; chỉnh trang đô thị và sử dụng bền vững các công trình dự án đầu tư xây dựng; vệ sinh trường học; cây xanh. Các sáng kiến được lựa chọn sẽ nhận kinh phí tài trợ triển khai của chương trình từ 20 - 200 triệu đồng.

(Theo UBND thành phố Cần Thơ ngày 21/02)

ADB và SHB

ADB và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã ký kết Thỏa thuận cho vay tuần hoàn (RCA) trong Chương trình tài trợ thương mại toàn cầu (TFP) vào ngày 21/02.

- TFP sẽ cung cấp khoản vay trực tiếp trị giá 20 triệu USD cho SHB để tài trợ các giao dịch thương mại trước và sau khi giao hàng, nâng tổng giá trị các giao dịch mà SHB có thể sử dụng theo hai hợp đồng IBA (được khởi động từ tháng 3/2016 với giá trị 25 triệu USD) và RCA cho giao dịch xuất nhập khẩu tại một thời điểm lên tới 150 triệu USD.

- Quỹ tín dụng quay vòng sẽ tăng cường năng lực của SHB trong việc cung cấp các khoản vay tài trợ thương mại cho khách hàng gồm: Tài trợ trước khi xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp, dệt may và điện tử để xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Chương trình TFP của ADB hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 và hiện đang phối hợp với 11 ngân hàng đối tác địa phương. Tới nay, chương trình đã thực hiện 5.262 giao dịch, hỗ trợ các hoạt động thương mại trị giá 7,8 tỷ USD ở Việt Nam - chủ yếu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

(Theo ADB tại Việt Nam ngày 21/02)

Chính sách

Nghị quyết số 27/NQ-CP

Ngày 21/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Chính phủ giao:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012 để trình Quốc hội trong năm 2017;

- Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu sửa đổi Luật Cạnh tranh và trình Quốc hội trước tháng 12/2017.

- Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp triển khai việc vận động các nước khác công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam.

- Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới không cấp phép cho các dự án tiêu tốn năng lượng, sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 21/02/2017.

Nghị định số 03/2017/NĐ-CP

Ngày 19/01, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh Casino; theo đó từ ngày 15/3/2017, người dân Việt Nam chính thức được phép vào chơi tại các casino do Chính phủ cấp phép, phê duyệt. Người được chơi casino phải đủ 21 tuổi trở lên, có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng, phải mua vé tham gia chơi casino, không bị người thân trong gia đình đề nghị doanh nghiệp casino không cho phép chơi tại điểm kinh doanh. Việc thí điểm cho người Việt chơi casino trong thời hạn 3 năm nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của một bộ phận người dân có thu nhập chính đáng, ngăn chặn tình trạng chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh casino. (Theo TTXVN ngày 23/02)