Kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, giải pháp nào cho Việt Nam?
Ngày 12/11, tại Hà Nội, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Viện Kinh tế tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới”. Tại Hội thảo, các chuyên gia đều nhận định có sự “lệch pha” khá lớn về tốc độ phục hồi giữa các quốc gia. Do đó, Việt Nam cần có giải pháp thích hợp để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Trong bối cảnh mới, cần có giải pháp bất bình thường
Mở đầu Hội thảo, PGS.,TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã khái quát lại tình hình kinh tế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới, cũng như khả năng phục hồi của Việt Nam sau khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra.
Trong đó, PGS.,TS. Bùi Quang Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến sự mất cân bằng giữa các quốc gia trong quá trình phục hồi kinh tế. Các nước càng giàu thì càng chi nhiều cho việc khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, tạo động lực phục hồi kinh tế, thậm chí chi 5 - 10% GDP cho an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trong khi đó, tại những quốc gia đang phát triển như Việt Nam hoặc một số quốc gia nghèo ở châu Phi, mức chi ngân sách còn khá thấp.
Vì vậy PGS.,TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, Việt Nam có thể tăng bội chi ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội và khôi phục kinh tế - xã hội, chuyển đổi kinh tế...
“Trong điều kiện bình thường mới, các giải pháp phải khác bình thường, mang tính chất đặc biệt. Quan trọng nhất bây giờ là chúng ta phải giải quyết các vấn đề trước mắt để phục hồi, sau đó quay trở lại quỹ đạo vốn có. Nếu cứ lo ngại vấn đề trần nợ công trong khi đang thiếu tiền thì chúng ta rất khó để tháo gỡ những vấn đề cấp thiết hiện tại, khó có động lực phục hồi và phát triển”, PGS. TS., Bùi Quang Tuấn nhận đưa ra quan điểm.
Tất nhiên, việc chi ngân sách cần công khai, minh bạch để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, đồng thời thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá chặt chẽ. Các chính sách mới cần huy động trí tuệ của các nhà khoa học, mọi tầng lớp nhân dân và toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công khai, minh bạch sẽ chống được khe hở cho các lợi ích nhóm...
Ngoài ra, để cải thiện chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh cũng như giảm chỉ số Icor của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, theo PGS., TS. Bùi Quang Tuấn, Việt Nam cần tập trung đầu tư hiều hơn nữa cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao chất lượng và cơ cấu lao động.
GDP có thể thấp nhưng không bi quan
Tổng quan về kinh tế Thế giới và những tác động tới Việt Nam, TS. Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nêu ra một số điểm nổi bật nhất của nền kinh tế thế giới năm vừa qua như: tăng trưởng kinh tế, thương mại - đầu tư, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả tăng cao kỷ lục và câu chuyện phân bổ vắc-xin giữa các quốc gia.
Nhìn chung, nền kinh tế đã hồi phục khá rõ nét. Nhưng sự phục hồi này có sự chênh lệch rất lớn giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Một phần nguyên nhân là do sự phân bổ vắc-xin phòng, chống COVID-19 không đồng đều giữa các quốc gia. Trong khi các nước giàu, tỷ lệ tiêm vắc-xin bảo phủ gần khắp toàn dân, thì tại những quốc gia nghèo, những nước đang phát triển lại không có đủ vắc-xin, dẫn tới thiếu đồng bộ về các chính sách.
Đối với thương mại và đầu tư, thương mại có sự tăng trưởng trở lại, nhưng vẫn tồn tại đứt gãy chuỗi cung ứng và phân hoá khá sâu sắc giữa các nhóm quốc gia.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia cũng khác nhau. IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt 2,5%. Nếu so sánh với dự báo GDP của một số quốc gia khác như Trung Quốc (8%), Ấn Độ (9,5%), Mỹ (6%), Đức (3,1%)... thì con số dự báo tăng trưởng của Việt Nam là khá thấp.
Tuy nhiên, TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng, chúng ta không nên bi quan về con số tăng trưởng thấp. Trong năm 2020, các quốc gia nói trên tăng trưởng rất thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Do đó, sự phục hồi của năm 2021 thực chất chỉ là mức tăng so với năm 2020, và còn khoảng cách khá xa so với thời điểm trước dịch. Việt Nam dù không giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn tăng trưởng dương, vẫn trong xu hướng đi lên.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vượt qua khủng hoảng
Về tình hình doanh nghiệp trong nước, TS. Đặng Thái Bình - Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế & phát triển (Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á), đã chỉ ra những tồn tại đối với sức khoẻ doanh nghiệp trước và trong đại dịch COVID-19.
Thực tế, nếu không tính các doanh nghiệp FDI, sức khoẻ tài chính của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và Doanh nghiệp Nhà nước ở tình trạng khá yếu.
TS. Đặng Thái Bình đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, bao gồm: tăng quy mô các gói hỗ trợ an sinh, đặc biệt hỗ trợ cho người lao động; giảm chi phí cho các doanh nghiệp không chỉ ở chủ trương mà cả cách thức triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp khai thông nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc-xin cho người lao động.
Trong trung và dài hạn, Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa khối doanh nghiệp nội địa, ưu tiên tiếp cận tài nguyên đất đai, năng lượng, tạo môi trường kinh doanh công bằng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần được hỗ trợ nhiều hơn. Chúng ta có những thị trường lớn như EU, Mỹ..., những quốc gia đang phục hồi rất nhanh và bùng nổ nhu cầu tiêu dùng. Do đó, xuất khẩu vẫn là động lực để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp đầu tàu, những doanh nghiệp dẫn dắt thì mới có sức cạnh tranh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có cơ hội để phát triển.