Kinh tế thế giới sẽ ra sao nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt?

Theo Hà Lan (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Theo chuyên gia dự đoán, nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên thì nền kinh tế của nhiều quốc gia sẽ lao đao vì tăng trưởng lao dốc và lạm phát tăng cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giá dầu liên tiếp lập đỉnh

Giá dầu thô đã tăng vọt kể từ sau khi Moscow mở chiến dịch này hôm 24/2. Trong tuần, cả Brent và WTI đã tạo “sốc” khi đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm qua với Brent “chạm” 139,13 USD/thùng và WTI chinh phục “đỉnh” 130,50 USD/thùng trong phiên đầu của tuần giao dịch.

Giá dầu đã có một tuần biến động sau khi tăng sốc với quyết định cấm nhập khẩu dầu Nga của Mỹ, rồi trượt dài khi tiếp nhận thông tin có thể được “bơm” thêm dầu từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Iraq, và từ các kho dự trữ chiến lược của những nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới.

Giá dầu đã tăng đột biến khoảng 60% kể từ đầu năm 2022 tới nay, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát sau giai đoạn đình trệ vì dịch Covid-19.

Nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) Giovanni Staunovo cho hay 125 USD/thùng – mức dự báo ngắn hạn đối với dầu Brent - là mức trần “mềm” cho giá dầu, mặc dù con số trên có thể tăng cao hơn nữa.

Chuyên gia này nhận định tình hình căng thẳng gia tăng trong thời gian dài ở Ukraine có thể đẩy giá dầu Brent lên trên 150 USD/thùng.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Bank of America (Mỹ) cũng ước tính nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày hoặc cao hơn. Diễn biến đó có thể đẩy giá lên tới 200 USD/thùng.

Trong khi đó, triển vọng các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với các cường quốc trên thế giới rơi vào tình trạng không chắc chắn, sau khi Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt liên quan tới tình trạng căng thẳng tại Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của nước này với quốc gia vùng Vịnh. Các nguồn tin đồng thời cho biết phía Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu mới.

Cùng với đó, các quan chức Mỹ và Venezuela đã thảo luận về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ đối với quốc gia Mỹ Latinh này. 

Không dễ tìm nguồn cung khí đốt thay thế Nga

Theo các chuyên gia, nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt, giá năng lượng sưởi ấm vốn đã cao sẽ còn tăng hơn nữa vì khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU.

Nếu nguồn cung quan trọng này ngừng lại, Italia và Đức là những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Châu Âu có thể chuyển sang các nhà xuất khẩu khí đốt hiện tại như Qatar hoặc Algeria và Nigeria, nhưng trên thực tế, để nhanh chóng mở rộng sản xuất có rất nhiều trở ngại.

Nga chỉ cung cấp khoảng 5% lượng khí đốt cho Anh, và Mỹ không nhập khẩu khí đốt của Nga. Tuy nhiên, giá khí đốt ở Anh và Mỹ vẫn tăng đáng kể do ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Chuyên gia Ben McWilliams cho biết: “Nguồn cung khí đốt khó thay thế hơn vì chúng ta đã có sẵn những đường ống lớn vẫn chuyển khí đốt của Nga đến Châu Âu.

Tổ chức tư vấn Bruegel dự đoán rằng nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu, thì Châu Âu có thể sẽ nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Hoặc cũng có thể gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng khác, nhưng phương án này không hề nhanh chóng hay dễ dàng.

Nhà phân tích nghiên cứu Simone Tagliapietra cho biết: “Năng lượng tái tạo cần có thời gian để triển khai nên trong ngắn hạn đây không phải là một giải pháp.

Vì vậy, cho mùa đông tới - điều có thể tạo ra sự khác biệt là chuyển đổi nhiên liệu, chẳng hạn như mở các nhà máy nhiệt điện than, giống như kế hoạch dự phòng của Italia và Đức trong trường hợp khẩn cấp".

EU đã đề xuất một kế hoạch để châu Âu thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030 - bao gồm các biện pháp đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt và sử dụng nguyên liệu khác để sưởi ấm và phát điện thay thế khí đốt.

Giá xăng dầu trong nước áp sát 30.000 đồng/lít

Tại kỳ điều chỉnh tăng dầu ngày 11/3 của liên Bộ Công Thương-Tài chính, xăng E5 RON 92 được điều chỉnh lên mức 28.985 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.824 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.268 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.918 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.987 đồng/kg.

Đây là lần tăng giá thứ 7 liên tiếp của xăng tính từ giữa tháng 12/2021 và là mức tăng mạnh nhất trong lịch sử với giá xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 2.990 đồng/lít, tiệm cận 30.000 đồng/lít.