Kinh tế Trung Quốc bắt đầu sa sút vì cuộc chiến thương mại?

Theo Sputnik/baoquocte.vn

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày một leo thang, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 từ 6,3% xuống còn 6,2%.

ình hình kinh tế Trung Quốc sẽ xấu hơn nhiều nếu tranh chấp thương mại kéo dài. Nguồn: Reuters.
ình hình kinh tế Trung Quốc sẽ xấu hơn nhiều nếu tranh chấp thương mại kéo dài. Nguồn: Reuters.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của IMF kết luận rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù có tác động đến kinh tế Trung Quốc, nhưng trong giai đoạn đầu các ảnh hưởng tiêu cực vẫn còn hạn chế. Tình hình sẽ xấu hơn nhiều nếu tranh chấp thương mại kéo dài, IMF cảnh báo.

“Giao kèo thế kỷ”

Ngân hàng Morgan Stanley cũng đồng tình với đánh giá của IMF, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 6,5% xuống 6,4%. Cả IMF và các tổ chức uy tín khác đều không cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ cảm nhận thấy các tác động "dữ dội" từ cuộc chiến thương mại.

Tốc độ tăng trưởng giảm tốc 0,1 điểm phần trăm rõ ràng không phải là kết quả mà Tổng thống Mỹ Donald Trump trông đợi khi đe dọa gây áp lực tối đa lên nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu như thương chiến kéo dài, sau hai năm, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ hạ xuống dưới 6% và đến năm 2024 thậm chí sẽ ở mức 5,5%, theo ước tính của IMF.

Sau khoảng thời gian đình chiến mà lãnh đạo hai nước đạt được ở Argentina, phần lớn các nhà phân tích dự đoán sẽ không có đợt leo thang căng thẳng mới. Hơn nữa, những bình luận đầy lạc quan trên Twitter của ông Trump và phát biểu của các nhà đàm phán từ phía Mỹ như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, rằng “giao kèo thế kỷ” đã gần hoàn tất và việc ký kết có thể diễn ra chỉ sau vài tuần nữa - tất cả đã gieo niềm tin vào thành công đàm phán.

Tuy nhiên, cú sốc đối với thị trường là lệnh tăng thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc với cái cớ là Bắc Kinh vào phút chót đã viết lại mọi điều khoản chính của thỏa thuận. Mặt khác, ngay cả bây giờ, khi tình hình vô cùng căng thẳng, vẫn không thể loại trừ khả năng bất cứ lúc nào Washington và Bắc Kinh sẽ lại ngồi vào bàn đàm phán với nhau.

Bắc Kinh nắm cơ hội cải cách

Theo tính toán của Reuters, để hoàn thành mục tiêu chiến lược tăng gấp đôi GDP giai đoạn 2010 - 2020, kinh tế Trung Quốc phải đạt tốc độ tăng trưởng không dưới 6%. Theo nhận định của chuyên gia cao cấp Zhou Rong từ Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương (Chongyang) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, chưa rõ mục tiêu của Bắc Kinh có thay đổi hay không, song có thể giả định rằng, đà tăng trưởng chậm lại trong khuôn khổ dự kiến của IMF phù hợp với xu thế từ bỏ các ưu tiên định lượng để cải thiện chất lượng phát triển kinh tế.

Theo chuyên gia Zhou Rong, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế Trung Quốc là rất rõ bởi xuất khẩu bị hạn chế, dẫn đến thực tế là hàng hóa không tìm được thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đang tích cực kích cầu tại thị trường nội địa.

Tác động của cuộc chiến thương mại đối với kinh tế Trung Quốc rất đáng chú ý, nhưng không đến nỗi kịch tính như nhiều người dự đoán. Bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Trung Quốc gây sức ép nhất định không bắt đầu từ hôm nay, mà đã diễn ra trong một số thời gian.

kinh te trung quoc bat dau sa sut vi cuoc chien thuong mai
Chính quyền Trung Quốc đang tích cực nắm cơ hội cải cách, kích cầu tại thị trường nội địa. (Nguồn: CNN)

Ngoài ra, bất kể việc Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại như thế nào, một thực tế rõ ràng là các biện pháp của Mỹ đang gây tổn hại không chỉ cho lợi ích của Trung Quốc, mà cho cả Mexico, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí Canada và Australia cũng lâm vào tình thế khó khăn. Vấn đề nảy sinh cả ở Hàn Quốc. Động thái của Mỹ ảnh hưởng đến cả thế giới.

Toàn bộ nền kinh tế thế giới có thể chững lại chứ không riêng Trung Quốc. Việc tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm tốc 0,1 điểm phần trăm như IMF dự báo là khá phù hợp với kế hoạch của Trung Quốc trong việc chuyển đổi tăng trưởng định lượng sang hướng ưu tiên chất lượng. Chuyên gia này nhận định, Bắc Kinh đã thay đổi mô hình sản xuất, sắp xếp lại những hạng mục ưu tiên.

Bên cạnh đó, Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã đề cập đến sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng tăng trưởng thay vì chỉ số định lượng, tức là khi cuộc chiến thương mại còn chưa bắt đầu. Ban lãnh đạo Trung Quốc cũng hiểu rằng, tăng trưởng phải được tiến hành một cách lành mạnh và nhờ vào công nghệ.

Bắc Kinh nhận thức được rằng, cơ sở của năng lực cạnh tranh hiện đại là sở hữu công nghệ cao. Do đó, cùng với những chủ trương khác, chính quyền Trung Quốc cũng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tư nhân, vốn tạo 80% làm việc ở trong nước.