Kinh tế vĩ mô là bệ đỡ cho thị trường bất động sản 2020

Theo An Vũ/reatimes.vn

Nhờ các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản năm 2020 được dự báo sẽ xuất hiện các xu hướng mới, mô hình mới nhằm thoả mãn dòng tiền của nhà đầu tư.

Thị trường bất động sản năm 2020 được dự báo sẽ xuất hiện các xu hướng mới, mô hình mới nhằm thoả mãn dòng tiền của nhà đầu tư. Nguồn: internet
Thị trường bất động sản năm 2020 được dự báo sẽ xuất hiện các xu hướng mới, mô hình mới nhằm thoả mãn dòng tiền của nhà đầu tư. Nguồn: internet

Kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố tích cực

Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 năm 2019 được tổ chức ngày 27/11, giới chuyên gia, phân tích đưa ra nhiều đánh giá, nhận định về thị trường năm 2019 và dự báo thị trường năm 2020. Đa số chuyên gia có những nhận định tích cực về kinh tế vĩ mô và đây cũng là yếu có tác động đến thị trường bất động sản nói chung.

Cụ thể, 10 tháng năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, kể cả thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác điều hành chính sách, cải cách kinh tế của đất nước đã bộc lộ nhiều điểm sáng, tạo nên những kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vỹ mô. Theo đó, tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm 2019 đạt cao nhất gần thập kỷ qua. Trong đó, riêng quý III/2019, GDP tăng 7,31%, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 7,2%. 

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, cho hay, đối với những thị trường có tính đầu tư cao như thị trường bất động sản thì việc kinh tế vĩ mô có ổn định hay không là rất quan trọng. Nhìn vào tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, trong 3 năm gần nhất đều có sự phát triển ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều vấn đề. Điều này cũng tạo nên một nền tảng vững vàng và gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó có thể thấy những triển vọng lớn trong năm 2020.

Cùng với đó, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, những cam kết mở cửa hội nhập cũng là những yếu tố củng cố lòng tin tăng trưởng. Đây là những yếu tố rất quan trọng để nhà đầu tư và chủ đầu tư đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế cả nước.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO nêu quan điểm: “Hiện nay GDP rõ ràng đang tăng trưởng. Tôi khẳng định là thị trường đang tiếp tục phát triển. Theo cách tính của chúng ta, bất động sản có quy mô rất lớn nhưng chỉ chiếm 0,24 điểm %. Tôi cho rằng con số này quá nhỏ bé và không thể hiện được tiếng nói về vai trò của bất động sản trong cơ cấu GDP. Nguyên nhân có thể là bởi đang có độ vênh trong cách tính của Tổng cục Thống kê về GDP. Cụ thể là phần xây dựng lại được tính sang GDP cho xây dựng, bất động sản nghỉ dưỡng cũng không được tính vào đóng góp GDP của bất động sản, bất động sản dịch vụ lại được tính vào GDP thương mại. Do đó, dù thống kê đóng góp của bất động sản vào GDP chưa cao nhưng tôi cho rằng thị trường vẫn đang phát triển ổn định và khả quan".

Với phân tích của các chuyên gia có thể khẳng định, yếu tố kinh tế vỹ mô đang tăng trưởng tốt chính là cơ sở để thị trường bất động sản có thêm độc lực tăng trưởng, phát triển bền vững trong năm 2020.

Niềm tin của nhà đầu tư quyết định nhiều đến thị trường

Cũng tại phiên thảo luận Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 năm 2019, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều về câu chuyện niềm tin của nhà đầu tư với thị trường. Trong đó có những nhận định niềm tin có vai trò, tác động rất quan trọng tới sự phát triển của thị trường. 

Theo khảo sát Tổng lượng giao dịch tại DKRA (trên 55.000 giao dịch) cho thấy hiện 23,5% khách hàng khi mua dự án đặt niềm tin vào chủ đầu tư, 14,8% tin vào chính sách bán hàng (về giá, thanh toán, khuyến mãi), gần 15% quyết định vì thiết kế, kiến trúc đẹp, sau đó mới tới vị trí - chiếm gần 12%; và khoảng hơn 12% là liên quan đến các tiện ích. Nổi bật ở đây là việc khách hàng quyết định đầu tư vì thương hiệu của chủ đầu tư. 

Ở góc độ chủ đầu tư, ông Trương Anh Tú, Giám đốc khối kinh doanh - tiếp thị và dịch vụ khách hàng Phúc Khang Corporation cho hay: "Theo tôi, quyết định mua bất động sản sẽ dựa trên uy tín của chủ đầu tư lên tới trên 50% chứ không chỉ 23,5%. Sau đó là đến cam kết lợi nhuận và khả năng tăng giá. Tiếp theo mới đến thiết kế và tiện ích. Ví dụ như khi nói đến Phúc Khang là nói đến công trình xanh, đó là thương hiệu mà doanh nghiệp đã tạo dựng và được khách hàng tin tường, khi khách hàng ủng hộ thì doanh nghiệp sẽ nhận được những phản hồi rất tốt từ thị trường".

ú, Giám đốc khối kinh doanh - tiếp thị và dịch vụ khách hàng, Phúc Khang Corporation

Ngoài ra ông Tú cũng cho rằng, sự giảm tốc của thị trường những năm 2012 - 2013 so với giai đoạn hiện nay có liên quan đến câu chuyện của yếu tố tâm lý và niềm tin. Giai đoạn năm 2012 - 2013, giảm tốc về yếu tố niềm tin là rất lớn và nguồn cung cũng rất lớn. Hiện nay, nguồn cung có sụt giảm nhưng chỉ diễn ra ở một số phân khúc, nhưng niềm tin của khách hàng vẫn còn.

Ông Tú nhận định: "Thị trường bất động sản 2020 về sau sẽ rất bền vững, tốt, tích cực. Niềm tin của thị trường hiện nay đã có. Thực tế, sức mua và dư địa thị trường rất lớn. Với những yêu tố này, tôi tin lượng cung thời gian tới sẽ tích cực và ổn định"

Đồng tình với quan điểm của ông Trương Anh Tú, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ: "Năm 2011, thị trường đổ vỡ một phần nguyên nhân là do niềm tin, lúc đó chủ đầu tư dự án cũng tin rằng sẽ bán được, nhà đầu tư lao vào đầu tư, người mua cũng vậy… vì tất cả đều ở thế rất mù mờ, không có thông tin. 

Còn đến giờ chúng ta đã có một số báo cáo thị trường để nhà đầu tư, doanh nghiệp nhìn thấy. Chúng ta đã có báo cáo từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu thị trường, cơ quan quản lý nhà nước, Cục Phát triển Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)… qua đó nhìn nhận thấy vấn đề, định hình được nhu cầu sử dụng bất động sản, nhu cầu đầu tư ở từng khu vực, thành phố, vùng miền".