Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Xu hướng phục hồi đồng đều

ThS. TRƯƠNG BÁ TUẤN - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính)

Từ đầu năm 2015 đến nay, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn thấp hơn kỳ vọng. Giá cả của nhiều nhóm hàng hóa trên thị trường quốc tế giảm mạnh, đặc biệt là nhóm hàng nhiên liệu. Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện xu hướng phục hồi đồng đều trên nhiều lĩnh vực.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện xu hướng phục hồi. Nguồn: internet
Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện xu hướng phục hồi. Nguồn: internet

Kinh tế vĩ mô: Nhiều điểm sáng

Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng 2015 ước đạt 6,5% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,53%, năm 2013 tăng 5,14%), trong đó, ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng nhất. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô được củng cố, lạm phát ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng khá trong khi mặt bằng lãi suất giảm. Đánh giá khái quát về tình hình kinh tế vĩ mô trong nước 9 tháng qua có thể tóm lược trên một số mặt như sau:

(i), Tổng cung của nền kinh tế phục hồi vững chắc, ngoại trừ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp phải một số khó khăn. Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2015 đạt mức 9,57%, cao gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ năm 2014. Lũy kế 9 tháng/2015, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,8% so với cùng kỳ (9 tháng 2014 tăng 6,7%). Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá, đạt mức 6,17% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản trong 9 tháng đầu năm 2015 thấp hơn kỳ vọng, ước chỉ tăng 2,08% (cùng kỳ 2014 tăng 2,94%), trong đó, nguyên nhân chủ yếu làm tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng trưởng thấp là do xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm mạnh so cùng kỳ.

(ii), Về phía tổng cầu, nhờ lạm phát ổn định, duy trì ở mức thấp và niềm tin người tiêu dùng được cải thiện nên tiêu dùng tư nhân tiếp tục thể hiện sự tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước tăng 9,8% với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%, là mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay. Cùng với đó, đầu tư của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2015 cũng có nhiều cải thiện. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng (theo giá hiện hành) ước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,9% GDP. Thu hút và giải ngân FDI đều tăng, đạt mức cao nhất trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Lũy kế 9 tháng, vốn FDI đăng ký đạt 17,16 tỷ USD, tăng 53,4% và vốn FDI thực hiện đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2014.

(iii), Mặc dù kinh tế khu vực và thế giới có nhiều yếu tố bất lợi, giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm, song kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2015 vẫn đạt được mức tăng trưởng 9,6%, xấp xỉ mức kế hoạch đề ra cho năm 2015 (tăng 10%). Xuất khẩu tăng chậm hơn cùng kỳ có nguyên nhân chủ yếu là do chỉ số giá xuất khẩu giảm, cụ thể theo tính toán của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá xuất khẩu 9 tháng giảm 3,9% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu mặt hàng, các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, các mặt hàng điện tử, điện thoại có tốc độ tăng trưởng cao, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản, dầu thô giảm mạnh. Trong 9 tháng 2015, xuất khẩu dệt may đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%; da giày đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18,4%; điện thoại và linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 34%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 11,4 tỷ USD, tăng 52%. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản gặp khó khăn về thị trường và giá cả.

Trong khi đó, nhập khẩu 9 tháng 2015 ước tăng 15,9% so với cùng kỳ 2014, mức cao nhất từ năm 2011 tới nay. Nhập khẩu tăng cao chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất (tăng 17%), đặc biệt là máy móc thiết bị (tăng 28,3%), trong khi đó nhập khẩu tư liệu tiêu dùng chỉ tăng 7%. Nguyên nhân là do nền kinh tế phục hồi tốt hơn, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực, bất động sản khởi sắc, làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá đầu vào sản xuất.

(iv), Các cân đối vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được duy trì ở mức thấp, cách xa mức lạm phát mục tiêu 5% đã đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2015 chỉ tăng 0,4% so với tháng 12/2014 và bình quân 9 tháng tăng 0,74% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2002 đến nay. Nhập siêu tuy có tăng nhưng vẫn nằm trong ngưỡng đề ra (9 tháng cả nước nhập siêu 3,9 tỷ USD, tương đương 3,2% kim ngạch xuất khẩu).

Mặc dù sau 3 lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng với tổng mức điều chỉnh là 3% và nới rộng biên độ giao dịch lên mức +/-3% vào tháng 8 đã làm cho tỷ giá giữa đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ tại thời điểm cuối tháng 9 năm 2015 ước tăng 5,2% so với cuối năm 2014 nhưng nhìn chung thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Những biến động tại một số thời điểm chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước các diễn biến phức tạp từ bên ngoài. Khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung được duy trì khá tốt, mặt bằng lãi suất giảm.

(v), Việc thực hiện các nhiệm vụ về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Theo ước tính của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN tháng 9 ước bằng 75% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, số giảm thu NSNN do giá dầu thô giảm (thu về dầu thô 9 tháng ước chỉ đạt 55,7% dự toán, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2014) đã kịp thời được bù đắp bằng các nguồn thu nội địa (thu nội địa 9 tháng 2015 ước đạt 79% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ). Tổng chi NSNN thực hiện 9 tháng ước bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2014, đảm bảo kịp thời các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán. Bội chi NSNN 9 tháng ước bằng 62,4% dự toán cả năm.

(vi), Môi trường kinh doanh tiếp tục có nhiều cải thiện, đặc biệt việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và các bộ, ngành đã góp phần củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước. Doanh nghiệp (DN) đăng ký mới tăng cả về số lượng và giá trị, số hoàn tất thủ tục giải thể giảm, số tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng. Tính chung 9 tháng năm 2015 so với cùng kỳ, các DN thành lập mới tăng 28,5% về số DN và tăng 31,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng 8,2%. Tín dụng có mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012. Tính đến 20/9/2015, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 10,5%, cao hơn mức 7,37% của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân làm cho tín dụng có mức tăng trưởng mạnh là do sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và mặt bằng lãi suất đang khá ổn định ở mức thấp, niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.

Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 và một số vấn đề đặt ra

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của Việt Nam trong 2015 sẽ đạt mức 6,5% và 2016 là 6,6%. Tăng trưởng kinh tế được cải thiện chủ yếu nhờ các yếu tố: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát và lãi suất duy trì ở mức thấp; khu vực FDI tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Đồng thời, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sự quyết liệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ cũng sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam thời gian tới đây. Tuy nhiên, bên cạnh các nhân tố thuận lợi thì vẫn còn những khó khăn, thách thức mà Việt Nam cũng cần phải lưu ý, đó là:

- Kinh tế khu vực và toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục có những biến động khó lường, tốc độ phục hồi thấp ở các nền kinh tế phát triển; đà tăng trưởng yếu ở các nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Tổ chức OECD gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,6% vào năm 2016, thấp hơn so với mức dự báo trước đó là 3,8%; ADB cũng đã hạ dự báo tăng trưởng các nền kinh tế châu Á xuống còn 6% trong năm 2016 (thấp hơn so với mức 6,3% đưa ra vào tháng 3/2015). Khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016 cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với tâm lý thị trường cũng như mục tiêu ổn định tỷ giá. Tại khu vực châu Âu, do tình hình nợ công vẫn chưa được kiểm soát triệt để nên xu hướng điều hành chính sách tài khóa theo hướng thắt chặt vẫn diễn ra ở nhiều nước, theo đó cũng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

- Tăng trưởng của một số khu vực kinh tế trong nước dự báo sẽ có một một số khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu và du lịch. Trong những 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tăng trưởng khá là nhờ khu vực nước ngoài, xuất khẩu của khu vực trong nước vẫn còn nhiều khó khăn (9 tháng đầu năm 2015 giảm 2,7% so với cùng ký 2014, trong khi cùng kỳ 2014 tăng 14,2%). Đồng thời, giá cả hàng hóa hóa thế giới dự báo vẫn ở mức thấp, nhất là đối với nhiều mặt hàng như nông sản, kim loại và năng lượng, qua đó, sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

- Yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng có thể gặp phải một số thách thức, nhất là đối với tỷ giá, ổn định thị trường ngoại tệ. Mặc dù tỷ giá đã được điều chỉnh tăng thêm 1% so với cam kết hồi đầu năm nhưng trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mạnh lên so với đồng tiền nhiều nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam, mức tỷ giá hiện nay vẫn có thể gây ra các tác động không thuận lên xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhập khẩu tăng mạnh trong khi xuất khẩu chững lại có thể dẫn đến sự gia tăng của nhập siêu, tăng thêm sức ép đối với tỷ giá. Đồng thời, mức độ nhập siêu từ Trung Quốc vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng (9 tháng 2015 nhập siêu từ Trung Quốc là 20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước). Chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động cũng có thể tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất.

- Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng, nhất là tái cơ cấu khu vực DN nhà nước (DNNN) còn chậm. Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014-2015 sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DN nhưng đến hết tháng 9/2015 mới cổ phần hóa được 237 DN (đạt 54,8%). Việc đa dạng hóa nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, vẫn còn dựa nhiều vào nguồn vốn từ NSNN trong khi quy mô thu NSNN so GDP đang có xu hướng bị thu hẹp.

- Cân đối NSNN có thể sẽ cải thiện hơn so với năm 2015 do hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi nhưng mức cải thiện dự báo sẽ không lớn. Trong khi đó, áp lực tăng chi NSNN dự báo vẫn còn rất cao, nhất là đối với yêu cầu chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chi cho đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Những năm qua, quy mô từ các khoản thu thường xuyên từ thuế, phí đã không có sự mở rộng tương xứng với sự mở rộng về quy mô chi thường xuyên đã và đang tác động đến mức độ tích lũy của NSNN cho đầu tư phát triển. Đến nay, các chỉ số nợ công (bao gồm cả các chỉ số về dư nợ, các chỉ số về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ) vẫn nằm trong những giới hạn đề ra, song sự gia tăng mạnh về quy mô nợ công những năm gần đây cũng đang đặt ra những quan ngại, “không gian tài khóa” bị thu hẹp. Việc huy động vốn cho NSNN đang gặp phải một số khó khăn do các diễn biến bất lợi của thị trường cũng có thể có những ảnh hưởng đến quá trình điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách đề ra.

Trong bối cảnh nói trên, để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần tiếp tục triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Thực hiện điều hành lãi suất, tỷ giá phù theo diễn biến thị trường, hạn chế các biện pháp can thiệp có tính hành chính. Bên cạnh đó, các thông điệp chính sách vĩ mô cần rõ ràng, nhất quán, ổn định; đảm bảo sự đồng bộ giữa thông điệp chính sách và các biện pháp tổ thực hiện; chủ động xử lý các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý và kỳ vọng lạm phát. Đồng thời, thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch của các thông tin tài chính, tiền tệ và NSNN; thực hiện có kết quả các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia đã đề ra và có lộ trình giảm dần bội chi NSNN, đảm bảo tính “kỷ luật” trong thực hiện để từng bước mở rộng “không gian tài khóa”;

- Đẩy mạnh việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng phù hợp với tinh thần Luật DN 2014 và Luật Đầu tư 2014. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa khu vực tư nhân;

- Tăng cường kỷ luật tài khóa, rà soát, cơ cấu lại chi NSNN, đồng thời tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm chi NSNN. Trong bối cảnh nguồn thu từ tài nguyên, đất đai, thuế nhập khẩu đang có xu hướng giảm thì hệ thống chính sách thuế cần phải được cơ cấu lại, phát huy được vai trò của các sắc thuế mà không gian thu đang có (như thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng…); chủ động nghiên cứu để tiến tới đưa vào áp dụng các sắc thuế, các khoản thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế (như thuế bất động sản…);

- Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo các mục tiêu và định hướng đề ra, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN theo cơ chế thị trường, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN khác trong việc tiếp cận các nguồn lực cho sản xuất. Thúc đẩy hỗ trợ phát triển thị trường tài chính, thị trường chứng khoán để tăng khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý; tái cấu trúc, đa dạng hóa cơ sở hàng hóa và các loại hình nhà đầu tư. Triển khai thực hiện có kết quả các biện pháp về phát triển thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu DN. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng...

- Nâng cao chất lượng hàng hoá xuất khẩu, đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn kiểm tra và quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu của các thị trường có các yêu cầu kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu hàng nông sản của Việt Nam; chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, qua đó cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực, thị trường trọng điểm, có biện pháp để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc. Tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lân thương mại, có biện pháp quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam.

Tóm lại, trong 9 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sự phục hồi đồng đều và rõ nét trên hầu hết các mặt, ổn định kinh tế vĩ mô được đảm bảo. Tuy nhiên, môi trường kinh tế khu vực và thế giới dự báo cũng sẽ có những biến động khó lường, bên cạnh những nhân tố thuận lợi, nội tại nền kinh tế trong nước cũng đang phải xử lý một số khó khăn, thách thức. Để đảm bảo tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục kiên định với những biện pháp cải cách đã đề ra, đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế; có sự chuẩn bị tốt để khai thác có hiệu quả các lợi ích mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2015). “Số liệu công khai ngân sách”, www.mof.gov.vn;

2. Bộ Tài chính (2015). “Thông cáo Báo chi về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính – NSNN tháng 9 và Quý III/2015”.

3. Tổng cục Thống kê (2015). “Tình hình kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2015”, truy cập từ www.gso.gov.vn;

4. Trương Bá Tuấn (2015), Bền vững ngân sách ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra”. Tạp chí Kinh tế Tài chính Việt Nam, số 1, tháng 8 năm 2015;

5. World Bank (2015). “East Asia Pacific Economic Update, October 2015: Staying the Course”. October 2015.