Chứng khoán hưởng lợi từ dòng tiền

Theo Việt Anh/baodauthau.vn

Sau quý I ảm đạm khi chỉ số VN-Index lao dốc mạnh từ vùng 960 điểm xuống 660 điểm, hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán được kỳ vọng khởi sắc trở lại từ quý II. Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn cẩn trọng xây dựng các kịch bản về đích khác nhau thay vì một lộ trình thẳng tiến như mọi năm.

Dòng tiền vào thị trường chứng khoán gia tăng mạnh mẽ được kỳ vọng giúp kết quả kinh doanh quý II của nhóm công ty chứng khoán hồi phục. Ảnh: Lê Tiên
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán gia tăng mạnh mẽ được kỳ vọng giúp kết quả kinh doanh quý II của nhóm công ty chứng khoán hồi phục. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực

Theo Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), kết quả kinh doanh quý II của các công ty chứng khoán tích cực nhờ thị trường gặp nhiều thuận lợi như: nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường khi tiền gửi có khả năng sinh lời kém, mặt bằng lãi suất mới thấp hơn từ 0,1 - 0,5%, nhiều hoạt động kinh doanh khác đình trệ.

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tài khoản mở mới trong tháng 4/2020 của các nhà đầu tư trong nước tăng vọt, đạt 36.721 tài khoản, chỉ thấp hơn số tài khoản mở mới trong tháng 2/2018 (40.651 tài khoản), thời điểm ngay trước khi VN-Index trở lại vùng đỉnh 10 năm là 1.200 điểm.

Danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng tốt trong quý II/2020 nhờ hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đã có mức phục hồi trên 20%. Các công ty chứng khoán có danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ lớn cuối quý I/2020 là SSI, SHS, VND, VCI.

Bên cạnh đó, thu nhập từ phí, lãi margin của các công ty chứng khoán dự báo tăng trưởng tốt. Theo thống kê của KBSV, tính từ đầu tháng 4/2020 đến ngày 18/6/2020, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn HSX, HNX và UpCOM đạt gần 305 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với quý II/2019 và tăng 33% so với quý I/2020. Riêng giá trị giao dịch khớp lệnh tăng 49% so với quý II/2019. Điều này cho thấy dòng tiền vào thị trường đang gia tăng mạnh mẽ khi các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Với các yếu tố tích cực từ thị trường, kết quả kinh doanh quý II của nhóm công ty chứng khoán được kỳ vọng hồi phục, kéo theo diễn biến khả quan hơn của cổ phiếu. Thực tế, cổ phiếu nhóm chứng khoán đã có những phiên bứt phá mạnh mẽ, SSI hồi về mức giá 16.000 đồng/cổ phiếu sau khi chạm đáy 10.000 đồng vào tháng 3. Nhiều cổ phiếu các công ty chứng khoán như: SBS, BSI, SHS, MBS, TVB... đã tăng mạnh.  

Nhiều kịch bản về đích

Mặc dù có nhiều triển vọng tăng trưởng từ quý II, các công ty chứng khoán nhìn nhận vẫn còn không ít thách thức trong trung và dài hạn khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục leo thang, xu hướng bảo hộ mậu dịch diễn ra mạnh mẽ làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng kinh tế, dao động niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, nhiều công ty chứng khoán đặt kế hoạch kinh doanh giảm so với năm 2019.

Công ty CP Chứng khoán SSI đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 2.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 868 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 21% so với thực hiện năm 2019.

Là một trong những công ty có thị phần môi giới lớn tại Việt Nam, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCI) dự đoán VN-Index cuối năm 2020 dao động quanh 800 điểm. Do đó, Công ty dự báo doanh thu cả năm đạt 1.390 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 550 tỷ đồng, lần lượt giảm 9,8% và 35,7% so với năm 2019. Một số công ty chứng khoán khác cũng đặt mục tiêu kết quả kinh doanh đi lùi như Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Công ty CP Chứng khoán MB (MBS)…

Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán VnDirect (VND) đưa ra 3 kịch bản tương ứng với diễn biến của dịch bệnh tác động lên thị trường chứng khoán. 

Theo kịch bản cơ sở, nhà đầu tư nước ngoài hào hứng rót vốn vào thị trường Việt Nam, VN-Index kỳ vọng sẽ dao động trong khoảng 840 - 920 trong các quý tiếp theo. Thanh khoản trung bình thị trường ước tính tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận kỳ vọng của VND đạt 405 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2019.

Ở kịch bản tích cực, Việt Nam được tăng tỷ trọng trong MSCI Frontier Index, xu hướng nới lỏng tiền tệ toàn cầu sẽ hướng dòng vốn giá rẻ chảy vào các thị trường mới nổi. Nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng từ tháng 7/2020, VN-Index tăng đến vùng 960 - 1.000 điểm và thanh khoản trung bình thị trường ước tính tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ở kịch bản này, VND kỳ vọng lợi nhuận đạt 490 tỷ đồng, tăng 28% so với năm ngoái.

Với kịch bản xấu nhất khi các bất ổn bên ngoài kéo dài, VN-Index sẽ rơi về vùng 740 - 810, thanh khoản trung bình thị trường ước tính tăng 5,8% so với năm 2019, lợi nhuận VND rơi về mức 320 tỷ đồng, giảm 16,4% so với năm 2019.

Giới chuyên gia nhìn nhận, không riêng gì công ty chứng khoán, doanh nghiệp các ngành khác như vật liệu xây dựng, điện… cũng đưa ra nhiều kịch bản khác nhau cho kết quả kinh doanh năm 2020. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp ứng biến tốt hơn, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, thậm chí là “chống sốc” với nhà đầu tư, cổ đông khi môi trường kinh doanh biến động bất thường như hiện nay.