Còn dư địa tăng tín dụng

Theo Lê Minh/nhandan.com.vn

Với việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% mà Chính phủ đề ra cho năm 2017, các doanh nghiệp được “bật đèn xanh” để tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn. Tuy nhiên, căn bệnh “mỏng vốn” mãn tính của doanh nghiệp cần được chữa trị từ gốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tạo kết nối giữa vay và cho vay

Hơn 9 tháng đã đi qua với 3/4 chặng đường của năm 2017, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát triển. Số liệu của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong chín tháng đầu năm đã đạt 6,14%, cao hơn mức tăng 5,99% so với cùng kỳ năm trước. Còn mức tăng trưởng tín dụng khá tích cực với mức tăng ước đạt 11,5% so với cuối năm 2016. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế có thể đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm đã được đặt ra.

Kết quả tích cực trên có được do nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là cơ hội tiếp cận vốn của DN đã được rộng mở hơn, mối quan hệ giữa ngân hàng (NH) và DN đã được cải thiện đáng kể. Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), riêng trong chín tháng đầu năm nay đã có trên 300 cuộc gặp gỡ đối thoại giữa NH và DN. Các NH đã cam kết cho vay gần 570.000 tỷ đồng và đã giải ngân 550.000 tỷ đồng cho khách hàng. Hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đổi mới đưa ra 70 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ DN. Trong đó, có 15 chương trình áp dụng cho DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, kết nối giữa NH với DN là yếu tố sống còn của nền kinh tế, bởi 80% vốn của nền kinh tế dựa vào vốn vay NH và 80% sức sống của NH là dựa vào cho vay trong đó chủ yếu là cho vay DN. Do đó, ngân hàng và DN là mối quan hệ cộng sinh, là quyền lợi của cả đôi bên, của cả DN và ngân hàng. Thực tế, kết nối giữa DN và NH đã gần nhau hơn. Tuy nhiên, để gắn kết hơn nữa mối quan hệ này, DN cần làm tốt ba tiêu chí: DN phải có phương án kinh doanh khả thi; DN phải có sức khỏe tài chính; DN phải có tài sản thế chấp. “Điều đáng nói, phần lớn báo cáo kinh doanh của DN không được kiểm toán. Sự cách biệt giữa báo cáo thuế và báo cáo DN là dấu hiệu cho thấy sổ sách không minh bạch. Đây là vấn đề các DNNVV không có tài sản thế chấp và các NH phải tìm cách này cách kia để cho vay tín chấp, dẫn tới những hệ lụy về nợ xấu sau này” - ông Hiếu phân tích.

Một vấn đề nữa cản trở việc kết nối vốn giữa NH và DN là các quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động một cách chưa hiệu quả, còn các địa phương không có vốn để đầu tư vào quỹ này. Ngoài ra, còn một phương tiện tài chính nữa rất tốt mà rất ít DN biết tới. Đó chính là cho thuê tài chính. Ở Nhật Bản, hơn 90% DN đang sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính. Còn ở Việt Nam, tình trạng cho thuê tài chính còn khá mới mẻ, nên chưa được DN sử dụng như công cụ hiệu quả.

Niềm tin chữa bệnh “mỏng vốn”

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhìn nhận rằng, đã tới lúc, các NH cần đặt niềm tin nhiều hơn vào các DN. Trong bối cảnh thị trường tài chính NH hiện nay khác xa với thời điểm 2012 - 2013 khi lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, nợ xấu cũng giảm xuống mức thấp nhất thì các NH cần phải xử lý tốt vấn đề “mỏng vốn” của DN Việt Nam.

Vốn cho DN cần phải tách ra hai phần: Vốn chủ sở hữu và vốn đi vay. Hiện nay, chúng ta hay gọi chung là vốn nhưng đa phần là nợ, DN huy động dòng tiền để đầu tư chủ yếu huy động qua NHTM. Trong khi đó, việc huy động qua trái phiếu, cổ phiếu rất yếu. “Tôi dự đoán trong 10 năm nữa, ngân hàng thương mại vẫn “một mình một chợ” và tình trạng này còn kéo dài” - TS. Lịch nhận định.

Thực tế, nhiều DN tiếp cận vốn NH vẫn còn kêu khó, lãi suất cao dẫn tới hạn chế đầu tư trung và dài hạn. Chính vì thế, để nâng cao hiệu quả kết nối NH và DN đạt kết quả tốt, theo TS Trần Du Lịch cần tập trung vào đối tượng thứ hai - chính là những DN có khả năng mở rộng đầu tư nhưng do NH chưa yên tâm “chọn mặt gửi vàng” cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chính quyền địa phương phải tháo gỡ khó khăn này cho DN. Có như vậy, chương trình kết nối NH và DN mới đạt được thành công ở bước cao hơn. NHNN phải là người trực tiếp đứng ra thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thì mới đạt được hiệu quả tốt.

Để hỗ trợ DN một cách thiết thực, đại diện Công ty Dệt Phong Phú (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị với Bộ Tài chính về việc NH nên gia hạn thời gian cho vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện nay, thời gian khấu hao tài sản là 10 - 15 năm, trên thực tế với DN, khi đi vay NH thường chỉ cho vay 70% và 30% vốn tự có nhưng trong phần vốn vay 70% thì ngân hàng thường khống chế thời gian cho vay 7 năm. Từ đó, gây ra khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian sử dụng đồng vốn để trả nợ cho ngân hàng vì thời gian vay vốn chỉ bằng 1/2 thời gian khấu hao tài sản. Còn ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty XNK Nam Thái Sơn chia sẻ mong muốn, NH cần tạo được sự công bằng giữa các DNNVV và các DN lớn. Ngoài ra, NH cần đưa ra các chương trình hỗ trợ DN như có các nguồn vay thế chấp, tín chấp và dự án, chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ cho công nhân viên của DN về mua nhà ở, nhà thu nhập thấp…

Sự kết nối NH-DN cần có những bước đi tích cực hơn nữa để phù hợp hơn, hỗ trợ DN nhiều hơn, đặc biệt là hỗ trợ DNNVV, DN khởi nghiệp - một trong những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ hiện nay. Một khi DN và NH rút ngắn được khoảng cách, tạo dựng được niềm tin, dòng vốn chắc chắn sẽ làm nốt phần việc của nó, đó là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mang lại sự tăng trưởng cho nền kinh tế!